Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 10 năm 2016 | 1:21

Kinh doanh tại chung cư: Luật có nhưng khó cấm

Mặc dù đã có quy định các hộ gia đình không được phép kinh doanh tại các căn hộ chung cư, tuy nhiên trên thực tế hoạt động này vẫn đang phát triển rầm rộ tại các chung cư. Thậm chí nhiều chung cư cũ tại các quận trung tâm là địa điểm lý tưởng cho người dân hoạt động kinh doanh.

Phớt lờ quy định cấm kinh doanh ở chung cư

Nhiều chung cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được sử dụng làm điểm kinh doanh, đặc biệt tại các quận trung tâm của thành phố. Nhiều chung cư cũ thuộc các tuyến đường như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lý Tự Trọng, Tôn Thất Đạm… được sử dụng để kinh doanh quán cafe, shop, quán ăn tại những chung cư này. Theo một “cò” môi giới, được biết đối với những căn hộ với diện tích khoảng trên dưới 40m2 sẽ có giá dao động khoảng 1.300 - 1.500 USD. Nếu các tầng thấp hơn thì giá có thể cao hơn nữa, tuy nhiên để thuê được mặt bằng tại đây cũng khó khăn vì mặt bằng luôn trong tình trạng “cháy hàng” do được săn đón từ người dân có nhu cầu.

Liên quan tới việc kinh doanh ở chung cư có Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở. Cụ thể, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư bắt đầu từ ngày 10-6-2016 - ngày nghị định này có hiệu lực. Trường hợp doanh nghiệp đó từng được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ghi trụ sở tại chung cư cũng không đồng nghĩa với việc được sử dụng địa điểm đó để kinh doanh. Ngược lại, còn có thể bị cấm và yêu cầu chuyển địa điểm khác.

Nhiều căn hộ được sử dụng với mục đích kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh

Trước Nghị định 99/2015/NĐ-CP, có thời điểm cơ quan đăng ký kinh doanh đã không cho các doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại căn hộ chung cư. Tại Sở KH-ĐT TP. Hồ Chí Minh, trước đây, doanh nghiệp bị yêu cầu chứng minh quyền sử dụng căn hộ vào mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp trình được giấy thì sở mới cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời có giai đoạn cơ quan chức năng phối hợp cùng các quận, huyện để lên danh sách các dự án, các cao ốc dùng làm văn phòng, thương mại, cao ốc nào có các tầng thương mại… để cấp đăng ký doanh nghiệp hoặc không. Tuy nhiên, cách làm trên gặp nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp.

Theo các nhà quản lý, việc ban hành Nghị định 99/2015/NĐ-CP không cho phép kinh doanh trong căn hộ chung cư là đúng quy định đồng thời đảm bảo được yêu cầu về an ninh cùng các vấn đề về môi trường… Việc thiết kế chung cư phù hợp với công trình nhà ở, do đó việc sử dụng công trình đúng mục đích nhằm đảm bảo an toàn công trình là điều cần thiết.

Có cầu ắt có cung

Ngược lại một số ý kiến cho rằng, có thể duy trì hoạt động kinh doanh tại căn hộ chung cư ở những phần cho phép kinh doanh điều này sẽ giúp cá nhân, tổ chức bán hàng nhỏ lẻ tiết kiệm được chi phí, giảm chi phí kinh doanh, mang lại lợi ích cuối cùng là giảm giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng.

Có mặt tại một chung cư cũ đối diện số 6 đường Thái Văn Lung (quận 1), tại lầu 2 của chung cư là quán cafe và cơm trưa văn phòng. Điều bất ngờ thời điểm sau 11 giờ 30 phút, quán đã không còn một chỗ trống mặc dù quán có thể chứa được 30 tới 40 khách. Nhiều người làm việc tại những tòa nhà gần đó không có lựa chọn nào tốt hơn cho việc dành thời gian dùng bữa trưa tại chung cư cũ gần khu vực này. Với giá cả phải chăng, chỗ ngồi mát mẻ, gần sát ngay các tòa cao ốc cùng cách trang trí ấn tượng, không gian yên tĩnh là điểm lựa chọn của nhiều người quanh khu vực.

Các quán cafe ở nhiều chung cư nằm trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) lúc nào cũng đông khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Hiện ngày càng có nhiều công ty ở xung quanh khu vực này, nên việc thuê lại các chung cư cũ để kinh doanh luôn được dân kinh doanh săn đón, giá thuê căn hộ vì thế ngày một tăng.

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, quy định từ 10-6-2015, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh đang diễn ra tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh hiện có 474 chung cư cũ, 50% trong số này là những chung cư đã xuống cấp trầm trọng, cần phải cải tạo, xây mới. Lãnh đạo thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư nhằm tạo chỗ ở an toàn cho người dân, đồng thời chỉnh trang đô thị thành phố. Thế nhưng, thực trạng kinh doanh đang diễn ra tại các chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng ngay tại trung tâm thành phố xuất phát từ nhu cầu thực tế của người kinh doanh là vấn đề khiến “Luật đã có nhưng vẫn khó cấm” trong hoạt động kinh doanh tại các chung cư hiện nay.

Lại Hùng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top