Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 1 năm 2019 | 14:53

Kinh tế - xã hội xứ Thanh khởi sắc với nhiều dấu ấn

Thanh Hóa khép lại một năm nhiều niềm vui trước những kết quả đạt được đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, cải cách hành chính…

tr10b.jpg
Trồng dưa tại Khu phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

 

Bức tranh nhiều gam màu tươi sáng

Năm 2018, Thanh Hóa thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, nhờ sự lãnh chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh, nên Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trên mọi lĩnh vực, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tiếp tục ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chế độ chính sách, chăm lo đời sống các đối tượng người có công.

Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 15,16%, vượt kế hoạch. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,7% (giảm 1,4%), công nghiệp - xây dựng 44% (tăng 1,5%), dịch vụ  36,7% (giảm 3,3%)… Năm 2018, GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 1.990 USD, vượt kế hoạch.

Thanh Hóa có thêm 01 huyện và 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới là 02 huyện, 283 xã và 567 thôn, bản. Bình quân mỗi xã đạt 16/19 tiêu chí.

Sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng tăng trưởng mạnh. Giá trị sản xuất ước đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm 2017 và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đa số các sản phẩm công nghiệp truyền thống chủ yếu có sản lượng tăng. Tiểu thủ công nghiệp được duy trì và có bước phát triển với giá trị sản xuất ước đạt 13.892 tỷ đồng, tăng 5,2% và đóng góp 14,6% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ có bước phát triển khá. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.764,6 triệu USD, tăng 36,1%. Ngoài ra, doanh thu du lịch, vận tải… cũng đều tăng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động ước đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 17,5%. Tổng dư nợ ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 16% và là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Tỉnh đã thành lập mới 3.392 doanh nghiệp, vượt 13% kế hoạch và xếp thứ 6 của cả nước. Thêm vào đó, có 479 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 91 doanh nghiệp.

Hoạt động kinh tế đối ngoại được tăng cường. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Farwaniyah của Nhà nước Cô-oét.

Tính đến ngày 31/12/2018, Thanh Hóa đã thu hút được 258 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 14 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký  21.370 tỷ đồng và 96,3 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 23.041,5 tỷ đồng, vượt 6% dự toán. Chi ngân sách đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh đã huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 103.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Lĩnh vực đầu tư công có chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 7.398,8 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và hiện xếp đầu cả nước.

Song song với phát triển kinh tế, Thanh Hóa cũng đã đạt được những kết quả nổi bật trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, lĩnh vực cải cách hành chính gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. An ninh – quốc phòng tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

tr10a.jpg

Dự án Liên hợp lọc hỏa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động đã đóng góp quan trong cho nên kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

 

Đáng chú ý, công tác phòng chống, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tỉnh triển khai quyết liệt, nhanh chóng. Thanh Hóa đã huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần để thăm hỏi, cứu trợ, động viên nhân dân vùng bị thiên tai và có chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất, sửa chữa, khắc phục các công trình nhằm sớm ổn định đời sống. Đồng thời, chỉ đạo triển khai kịp thời các dự án xử lý khẩn cấp.

Dấu ấn

Nhìn chung, năm 2018, Thanh Hóa đã tạo được “mốc son” mới trên chặng đường phát triển kinh – xã hội ấn tượng nhất từ trước đến nay. Trong những kết quả đạt được, nổi bật là 6 lĩnh vực, cụ thể:

Thứ nhất, Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và một số dự án lớn hoàn thành, đi vào hoạt động,cho ra sản phẩm như xăng A92, A95, cung ứng cho thị trường trong nước đạt 40%,  đóng góp quan trọng cho GRDP của tỉnh đạt 16,6%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.

Thứ hai, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 34,5% so với năm trước, vượt 3,7% kế hoạch.

Thứ ba, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,3%, vượt 4,7% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu tăng 36,1%, vượt 41,8% kế hoạch. Doanh thu du lịch tăng 32,8%, vượt 20,3% kế hoạch. Hàng hóa thông qua cảng biển tăng 31,9%.

Thứ tư, hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư tiếp tục đạt những kết tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện. Đặc biệt, Thanh Hóa đã xúc tiến được một số dự án lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn sau, như: Giai đoạn 2 Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; tổng kho xăng dầu thô (Cô-oét); Khu liên hợp dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thọ Xuân (FLC); Thành phố giáo dục Quốc tế Thanh Hóa (Tập đoàn Nguyễn Hoàng); các dự án du lịch quy mô lớn của Tập đoàn SunGroup.

Thứ năm, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả nổi bật. Thể thao duy trì thành tích cao, đứng trong top đầu cả nước.

Thứ sáu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và những năm tiếp theo.

Kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Thanh Hóa đã không ngừng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác mọi tiềm năng lợi thế của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với cơ chế thị trường, quan tâm phát triển dịch vụ thương mại, giải quyết tốt việc làm và tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo...

Đặc biệt, nhờ sự tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, các đề án, dự án của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng bộ, HĐND tỉnh và kế hoạch của Nhà nước đã đề ra. Thêm vào đó, công tác chỉ đạo, điều hành đã được lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện đồng bộ trên mọi mặt công tác, sát thực tế, đúng thẩm quyền và có trọng tâm, trọng điểm.

Tin rằng, những kết quả ấy sẽ là nền tảng, tạo tiền đề và động lực để Đảng bộ, chính quyền và toàn thể cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đoàn kết nhất trí, phấn đấu vượt qua mọi thử thách, tiếp tục phát huy nội lực để thực hiện thành công kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, vững bước xây dựng xứ Thanh ngày càng phồn vinh, văn minh trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

 


 

 

Văn Cương - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top