Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 12 năm 2018 | 11:33

KKT Cửa khẩu quốc tế cầu Treo: Vì sao kém sôi động?

Hạ tầng xuống cấp, chính sách ưu đãi thuế không còn, các DN không mặn mà đầu tư cũng như giao thương qua Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh khiến Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cầu Treo đối mặt với nhiều khó khăn.

tr14t.jpg
Giao thông xuống cấp nghiêm trọng, khiến đường lên KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nhếch nhác.

 

Tiền tỷ phơi nắng, phơi sương

Mưa dầm những ngày cuối năm khiến đoạn đường đi lên Tổ hợp công trình Nhà liên hợp CKQT Cầu Treo kết hợp Quốc môn thêm lầy lội, nhếch nhác. Trên cung đường chật hẹp, hàng chục xe ô-tô chen chúc nhau lưu thông, ách tắc cả một đoạn dài. Sau gần sáu năm xây dựng, Tòa nhà này như một khối bê-tông cũ kỹ nằm chỏng chơ, hoang phế do... thiếu vốn.

Theo lãnh đạo BQL KKT Hà Tĩnh, trước đây, công trình có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, kinh phí tăng lên  225 tỷ đồng. Chưa hoàn thiện, chưa bàn giao, nhưng nhiều hạng mục bên ngoài và cả bên trong tòa nhà có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều thiết bị được lắp ráp lâu ngày cũng bắt đầu hư hỏng...

Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Kiểm tra giám sát CKQT Cầu Treo, cho biết: Dự án trên bị chậm tiến độ ảnh hưởng lớn đến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng cũng như của người dân, DN làm thủ tục qua cửa khẩu. Phòng chờ làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho khách không có; lúc cao điểm, người dân ngồi ven đường chờ giải quyết thủ tục; bãi kiểm hóa cũng không, cán bộ hải quan đành bất đắc dĩ kiểm hóa ngay trên đường.

Thời điểm xây dựng Khu Hành chính cổng B (KKT Cửa khẩu Cầu Treo), tỉnh Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Sơn nói riêng kỳ vọng KKT sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách cho tỉnh... Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Hàng loạt dự án “trống giong cờ mở” khởi công rầm rộ, nay rơi vào cảnh “ngủ đông” hàng năm trời.

Bốn dự án trong KCN Đại Kim, xã Sơn Kim 1 gồm: Nhà máy May Five Star Hà Tĩnh (Công ty CP May Five Star Hà Tĩnh); Nhà máy Sản xuất xe điện, lắp ráp điện, điện tử (Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh); dự án Nhà máy sản xuất kính (Công ty CP Kính an toàn Sơn Kim); Khu thương mại dịch vụ tổng hợp (Cty TNHH Kim Cương Hương Sơn) được “vẽ” ra với hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đầu tư nhưng sau nhiều năm xây dựng, chưa có dự án nào đi vào hoạt động, đều nằm phơi nắng, phơi sương.

Theo số liệu từ các cơ quan liên quan, trên địa bàn hiện có 30 dự án đầu tư, 130 DN, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, nhưng thực tế, tỷ lệ DN hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm phần rất nhỏ.

Cụ thể, trong tổng 30 dự án đăng ký đầu tư vào KKT thì chỉ mới 15 dự án xây dựng cơ bản các hạng mục công trình chính và chỉ khoảng 1/3 trong số đó hoạt động hiệu quả; 7 dự án khác đăng ký nhưng chưa thực hiện; 3 dự án đã tạm dừng và chưa biết đến bao giờ mới khởi động lại. Các dự án lớn như Khu nghỉ dưỡng Ngàn Phố (vốn đăng ký 131,9 tỷ đồng) hiện chỉ là vùng cây cỏ hoang hóa; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung Nam sông Ngàn Phố (vốn đăng ký 248,6 tỷ đồng) bỏ dở từ hơn 2 năm nay; dự án khu trung tâm thương mại (vốn đăng ký 112 tỷ đồng) đã xây dựng xong vài năm nay nhưng cũng bỏ hoang kể từ ngày đó.

Gần đây, các DN hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn giảm đáng kể. Nếu như thời điểm cao nhất, có đến trên 200 DN thì nay chỉ còn 130 DN và tỷ lệ hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cần chính sách phù hợp

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Hà Tĩnh vẫn xác định Cầu Treo là KKT động lực phía Tây của tỉnh.

Thời điểm là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi, tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, vì thế mà KKT Cầu Treo trở nên sôi động, sầm uất. Tháng 8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 72/2013/QĐ-TTg về cơ chế chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu”.

Theo đó, Thông tư quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Tiếp đó, ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực, KKT Cửa khẩu Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước.

Ngoài ra, việc Lào đóng cửa rừng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận kinh doanh ngành gỗ. Hơn nữa, hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh nên lưu lượng hàng hóa cũng giảm..

 “Việc thu hút DN vào đầu tư sản xuất, kinh doanh là vấn đề then chốt để KKT tồn tại, phát triển. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi ổn định  ít nhất từ 10 đến 20 năm để tạo điều kiện cho DN phát triển. Chính sách cho các DN sản xuất, kinh doanh trong KKT cần có sức ưu đãi đủ lớn, có sức hấp dẫn về tín dụng, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập DN, thuế tài nguyên - môi trường, đào tạo nhân lực để DN yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài”, Cục trưởng Hải quan Hà Tĩnh Lương Trường Thọ nói.

Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc để nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy KKT cửa khẩu phát triển. Bên cạnh việc đồng hành với các DN, Hà Tĩnh cũng nên kiên quyết thu hồi dự án “treo” để chuyển giao cho nhà đầu tư có tiềm năng hơn.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top