Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 4 năm 2017 | 5:56

Kỷ niệm 45 năm ngày Không quân Việt Nam ném bom tàu chiến Mỹ

Ngày 19-4, Hội Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày Không quân Việt Nam ném bom tàu chiến Mỹ trên vùng biển Quảng Bình (19/4/1972 - 19/4/2017).

Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 đã ôn lại một thời quá khứ gian lao mà hào hùng, nhất là trận không-đối-biển diễn ra vào ngày 19-4-1972, đánh hỏng một tàu Khu trục và đánh bị thương một tàu Tuần dương hạm của Mỹ. Chiến công này chứng minh cho việc các phi công Việt Nam có thể làm chủ kỹ thuật, phát huy cao nhất tính năng của máy bay MiG, dũng cảm sáng tạo trong cách đánh, không chỉ dùng máy bay MiG lập công trong không chiến mà còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước theo nhiệm vụ được giao.

Đại tá phi công, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy (A) và Đại tá phi công, Anh hùng LLVTND Lê Xuân Dỵ.

Theo Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) Nhìn từ hai phía (Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả - NXB Quân đội Nhân dân và Nhà sách Tân Việt liên kết xuất bản), ngày 30-3-1972, chiến dịch Quảng Trị mở màn và diễn ra rất ác liệt, với sự tham gia của lực lượng rất lớn từ hai phía. Nhằm ngăn chặn khả năng mất Quảng Trị, ngoài việc sử dụng lực lượng lớn Không quân, gồm cả B-52, Mỹ đã sử dụng tàu chiến đánh phá ác liệt tuyến giao thông và kho tàng ven biển ở khu vực Quảng Bình. Với quyết tâm đẩy tàu chiến Mỹ ra xa bờ biển, khiến chúng không thể bắn phá vào bờ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 923 triển khai phương án và luyện tập để bất ngờ dùng MiG-17 tấn công tàu chiến Mỹ. Một tốp 10 phi công MiG-17 được lựa chọn để huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ. Các chuyên gia Cu Ba đã sang Việt Nam huấn luyện kỹ thuật ném bom “thia lia” cho phi công Việt Nam.

Quang cảnh lễ kỷ niệm.

Ngày 12-4-1972, nhóm 3 phi công được lựa chọn cho nhiệm vụ gồm Lê Xuân Dỵ, Nguyễn Văn Bảy (B) và Nguyễn Văn Lục đã có mặt tại sân bay Gát để tiến hành công tác chuẩn bị. Lúc 15 giờ 45 phút chiều ngày 18-4-1972, các phi công Lê Hồng Điệp và Từ Đễ đã cất cánh từ sân bay Kép, đưa 2 chiếc MiG-17 đáp xuống sân bay Gia Lâm và sau đó là sân bay Vinh, trước khi bí mật hạ cánh tại sân bay dã chiến Gát ở vùng núi phía Tây Quảng Bình và được ngụy trang rất kỹ. Hai chiếc MiG-17 được một nhóm kỹ sư do kỹ sư Trương Khánh Châu đứng đầu cải tiến để lắp được dù giảm tốc giúp máy bay MiG-17 có thể hạ cánh được ở sân bay ngắn hẹp.

Đại tá phi công, Anh hùng LLVTND Lê Xuân Dỵ, người trực tiếp ném bom tàu chiến Mỹ

Để chuẩn bị cho công tác chỉ huy trận đánh, một loạt các kíp chỉ huy đã được triển khai. Sở Chỉ huy Đồng Hới do Trung đoàn phó Lưu Huy Chao chỉ huy, Sở Chỉ huy tại sân bay Gát do Chính ủy Hoàng Đức Lộc và Trung đoàn phó Cao Thanh Tịnh chủ trì. Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân Nguyễn Phúc Trạch đích thân chỉ huy tại Sở Chỉ huy tiền phuơng ở Quảng Bình. Ngày 19-4-1972, theo tin tức tình báo, các tàu chiến Mỹ đã dâng lên cao và áp sát bờ, trong đó có bốn chiếc chỉ cách cửa Nhật Lệ 16km, các lực lượng liên quan được lệnh vào cấp, chuẩn bị sẵn sàng tại sân bay dã chiến Gát - Quảng Bình, Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân lệnh biên đội Lê Xuân Dỵ - Nguyễn Văn Bảy (B) sẵn sàng cất cánh.

Lúc 15 giờ 49 phút, lệnh mở ra đa; 15 giờ 55 phút, đài ra đa C-43 phát hiện mục tiêu. Lúc 16 giờ, biên đội Dị - Bảy vào cấp một, ngay sau đó, lúc 16 giờ 5, biên đội cất cánh.

Đại tá phi công, Anh hùng LLVTND Từ Đễ, người chuyển máy bay MiG 17 từ sân bay Kép vào sân bay Gát (Quảng Bình)

Sau khi cất cánh, biên đội giữ im lặng bay theo hướng bay đã chuẩn bị trước, đường bay đi ngay bên trái cao điểm 280, với độ cao 200m, tốc độ 600km/h. Vào lúc 16 giờ 13 phút, số 1 - Dỵ báo cáo phát hiện mục tiêu, anh nhìn thấy rõ hai vệt nước trắng kéo sau hai chiếc tàu đang chạy trên biển phía đông cửa Nhật Lệ 16km. Theo phương án đã thống nhất trong biên đội, số 2 - Bảy kéo dãn cự ly để bảo đảm an toàn khi vào công kích, do thời tiết mù rất khó phát hiện mục tiêu. Anh tiếp tục giữ độ cao và bay thêm ra biển. Trong khi đó, phi công Dỵ, bám theo hai vệt nước, hạ xuống độ cao 50m, chọn chiếc đi sau để tiến vào công kích. Anh bật tăng lực, đặt điểm ngắm ở giữa tàu, với tốc độ 800km/h, độ cao 50m, anh đã cắt hai trái bom loại 250kg theo đúng kỹ thuật ném “thia lia” trúng giữa thân tàu. Đài chỉ huy bổ trợ gần khu vực bờ biển nghe thấy tiếng nổ đanh, ngay sau đó thấy cột khói màu da cam bốc lên khoảng 20-30m trùm lên phủ kín con tàu. Sau đó, do trời mù, từ đài quan sát không nhìn thấy con tàu nữa. Theo tin tình báo, đây là tàu Khu trục hộ tống USS Higbee (DD-806). Chiếc hộ tống hạm này đã bị thương nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy. Số 1 - Lê Xuân Dỵ sau đó được dẫn về hạ cánh tại sân bay Gát an toàn lúc 16 giờ 18 phút.

Ông Nguyễn Năm, anh trai của liệt sĩ phi công, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy (B) phát biểu

Trong khi đó, số 2 - Nguyễn Văn Bảy (B) tiếp tục vòng trái tìm kiếm mục tiêu, đến tận đông bắc Cửa Dinh vẫn chưa thấy mục tiêu, anh quyết định bay ra biển thêm một phút thì phát hiện hai chiếc tàu khác. Do phát hiện ở cự ly quá gần, anh không tiến vào công kích được mà bay lướt trên đầu toàn bộ đội hình tàu chiến Mỹ, sau đó anh vòng lại 180 độ, chọn chiếc thứ hai để tiến vào công kích. Anh bật tăng lực, đạt tốc độ 800km/h, giữ bay bằng ở độ cao 50m, điểm ngắm ở 1/3 thân tàu phía sau và cắt bom. Từ đài bổ trợ nghe thấy tiếng nổ lớn và cột khói trùm lên thân tàu. Chiếc MiG-17 của Nguyễn Văn Bảy (B), sau khi tấn công đội hình tàu chiến Mỹ, quay về sân bay hạ cánh an toàn tại sân bay Gát lúc 16 giờ 21 phút.

Chiếc tàu mà phi công Nguyễn Văn Bảy (B) ném bom trúng là tàu Tuần dương hạm hạng nhẹ USS Oklahoma City, thuộc lực lượng đặc nhiệm 77, sau khi bị trúng hai quả bom, tàu bị thương, hỏng hệ thống ra đa cảnh giới và một ụ pháo trên boong.

Đồng chí Lê Thiết Hùng, cựu sĩ quan dẫn đường

Chỉ 10 phút sau, các máy bay F-4 đã ào ào bay vào đánh phá ác liệt sân bay Đồng Hới và Vinh. Phải 3 ngày sau, Không quân Mỹ mới phát hiện ra sân bay Gát để đánh phá, hai chiếc MiG-17 tuy đã được cất giấu trong hẻm núi, nhưng một chiếc vẫn bị đánh hỏng, chiếc còn lại, sau khi sửa chữa đã được phi công Lê Hồng Điệp cất cánh bay về sân bay căn cứ.

Trận không-đối-biển ngày 19-4, trong vòng 17 phút, với bốn quả bom loại 250kg, biên đội Dỵ - Bảy đã đánh hỏng nặng một tàu Khu trục và đánh bị thương một tàu Tuần dương hạm của Mỹ và trở về an toàn.

Các thế hệ sĩ quan Không quân chụp ảnh lưu niệm

Đây là trận đầu tiên và duy nhất Không quân Việt Nam dùng MiG-17 tấn công chiến hạm của Hải quân Mỹ. Tuy mới chỉ đánh bị thương 2 chiến hạm Mỹ, nhưng chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng, buộc Hải quân Mỹ không dám đưa tàu đến gần bờ biển khu 4 để đánh phá trục giao thông chiến lược và phóng tên lửa phòng không Talos khi MiG xuất hiện. Đó là các điều kiện rất tốt cho hoạt động của tuyến giao thông cũng như cho hoạt động của MiG tại khu vực. Đồng thời, chiến công ngày 19-4-1972 của MiG-17 cũng chứng minh các phi công Việt Nam có thể làm chủ kỹ thuật, phát huy cao nhất tính năng của máy bay MiG, dũng cảm sáng tạo trong cách đánh, không chỉ dùng máy bay MiG lập công trong không chiến mà còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước theo nhiệm vụ được giao”./.

Việt Cường

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top