Khoảng 5.000 m2 đất, trong tổng số 9.398 m2 đất của bà Nguyễn Thị Tương được Nhà nước cấp GCNQSDĐ số CC 308743 cấp ngày 10/12/2015 đang bị xâm chiếm trái phép để thực hiện một phần của dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen tại vị trí thị trấn Đạ M’ri (Lâm Đồng).
Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Tương địa chỉ tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là chủ sử dụng 9.398 m2 đất, thuộc thửa số 200, tờ bản đồ số 12 (GCNQSDĐ số CC 308743 cấp ngày 10/12/2015) và thửa đất có diện tích 11.814 m2 thuộc thửa số 201, tờ bản đồ số 12 (GCNQSDĐ số CC 308744 cấp ngày 10/12/2015) tọa lạc tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Tương, việc Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) đang có hành vi xâm chiếm đất, hủy hoại đất và xây dựng 1 phần công trình Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen trên diện tích khoảng 5.000 m2 đất, trong tổng số 9.398 m2 đất thuộc thửa số 200, tờ bản đồ số 12. Công ty Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ là chủ sở hữu, có 02 thửa đất nằm liền kề ranh với thửa đất số 200, tờ bản đồ số 12 của bà Nguyễn Thị Tương. Do ông Vũ cần 1 con đường nhỏ đi ngang qua đất của bà Tương, để có đường đi lại giữa 02 thửa đất của mình, nên ông Vũ đã đến gặp bà Nguyễn Thị Tương, thỏa thuận muốn nhận chuyển nhượng của bà Tương một diện tích đất, đủ làm một con đường nhỏ (vị trí nằm sát mép suối Đạ M’ri, thuộc thửa đất số 200 của bà Tương). Ông Vũ thỏa thuận, sẽ trả cho bà Tương xây một phần nhà bếp trên thửa đất số 203, tờ bản đồ số 12 thị trấn Đạ M’ri do ông Vũ đứng tên chủ sở hữu nằm liền kề thửa đất số 201, tờ bản đồ số 12 của bà Nguyễn Thị Tương. Việc thoả thuận được hai bên thoả thuận miệng, chưa kịp lập văn bản, chưa thực hiện công chứng theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến khoảng tháng 12/2020 thì việc xây dựng hoàn thành, nhưng sau đó bà Tương đã chủ động tháo dỡ.
Về vấn đề này, trong văn bản số 12/CV-HSH/2021 của Công ty Hoa Sen gửi UBND thị trấn Đạ Mri về việc trình bày về vi phạm thoả thuận trao đổi đất của bà Nguyễn Thị Tương. Trong văn bản này, Công ty Hoa Sen thừa nhận đang thực hiện dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen trong đó bao gồm cả phần diện tích thửa đất số 200, 2021 tờ bản đồ số 12 do bà Nguyễn Thị Tương đang sử dụng. Trong văn bản này, Công ty Hoa Sen không dẫn chứng được văn bản giao kết nào về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hoán đổi đất với bà Tương) theo Điều 167 Luật đất đai.
Tiếp đến, giữa tháng 3/2021, Công ty Hoa Sen đã tự ý phá dỡ hàng rào bảo vệ khuôn viên đất thuộc thửa đất số 200 của bà Tương, dùng xe máy ủi, xe đào, múc toàn bộ tài sản trên đất là gần 80 cây măng cụt từ 10 – 20 năm tuổi và rất nhiều cây sầu riêng, chôm chôm và mít đã trồng lâu năm để thực hiện dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen. Tự ý lập hàng rào lưới B40, chắn ngang đất thửa đất số 200 của bà Tương, tự ý cho xe đào bới, san lấp làm biến dạng hoàn toàn hiện trạng khoảng 5.000 m2 đất.
Trước diễn biến sự việc, trong các ngày 26, 29/3/2021 và 08/4/2021 đại diện theo uỷ quyền của bà Nguyễn Thị Tương là ông Nông Minh Đức đã có buổi làm việc với UBND thị trấn Đạ M’ri được thể hiện trong các biên bản làm việc giữa các bên. Tại các buổi làm việc, đại diện theo uỷ quyền đã yêu cầu UBND thị trấn Đạ M’ri xác minh và buộc ngừng hành vi xâm chiếm đất đai, đào múc, san lấp làm biến dạng đất để tự ý xây dựng công trình dự án trái pháp luật trên thửa đất số 200 của bà Nguyễn Thị Tương và yêu cầu xử lý theo quy định tại khoản 2 điều 208 luật đất đai năm 2013.
Trong các buổi làm việc, đến nay Công ty Hoa Sen vẫn tiếp tục xâm chiếm và thi công xây dựng trái pháp luật 1 phần dự án đầu tư trên thửa đất của bà Nguyễn Thị Tương. Cũng tại các biên bản này, đại diện uỷ quyền cũng yêu cầu UBND thị trấn Đạ M’ri buộc Công ty Hoa sen khôi phục lại hiện trạng của đất và xử lý hành vi xâm chiếm đất trái pháp luật, xây dựng công trình trái pháp luật đang diễn ra trên thửa đất số 200 của bà Tương.
Theo Luật sư Lê Quang Mừng, tại Điều 10 Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định rõ, một trong những giấy tờ phải có trong hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng dự án là “có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Khoản 2 Điều 10). Trong khi thực tế, thửa đất số 200, tờ bản đồ số 12 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp cho bà Nguyễn Thị Tương, việc Công ty Hoa Sen không thể có giấy phép xây dựng 1 phần công trình dự án trên thửa đất số 200 của bà Tương. Điều này chứng minh việc xây dựng 1 phần công trình dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen trên đất của bà Tương là hành vi làm trái quy định pháp luật về đất đai và trái quy định của pháp luật về điều kiện xây dựng dự án đầu tư trên thửa đất này.
Mặt khác, thửa đất thửa đất số 200 của bà Tương chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hiện thửa đất vẫn là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, việc Công ty Hoa Sen đã tự ý đào múc, san ủi làm biến dạng địa hình trên khoảng 5.000 m2 đất của bà Tương, tự ý chiếm đất trồng cây lâu năm của bà Tương để làm đất xây dựng 1 phần công trình dự án đầu tư.
Trước đó, tại dự án này báo Pháp Luật Việt Nam (Cơ quan của Bộ Tư pháp) đã phản ánh việc: Lâm Đồng: Một ngọn núi đang dần biến mất, suối thì bị “bức tử” dòng chảy vì đâu?
Phóng viên sẽ tiếp tục đặt lịch làm việc để tìm hiểu, phản ánh thông tin sự việc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.