Đạ Ròn là xã trọng điểm bò sữa của Đơn Dương, song, gần đây, bà con đã canh tác thêm rau thương phẩm, làm vườn giống cây dược liệu, nhất là sâm đương quy giúp họ nhanh giàu.
Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Như Ý nằm ven Quốc lộ 27, từ Đà Lạt về Đơn Dương, thuộc xã Đạ Ròn, thành lập tháng 1- 2018, do bà Đinh Thị Thi làm Giám đốc. Hiện, HTX có 7 thành viên với diện tích 5 ha.
Mùa sâm đương quy ở Ngọc Lây
Đây là HTX dược liệu đầu tiên tại Đạ Ròn, chuyên cung cấp hạt giống, vườn ươm cây giống sâm đương quy cho nông dân, và thu mua sản phẩm cho họ.
Mặc dù mới thành lập, song HTX đã trồng và thu mua cây sâm đương quy từ đầu năm 2016, với diện tích ban đầu 0,7ha. Trong quá trình sản xuất, bà Thi nhận thấ,. cây sâm đương quy mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tiếp tục mở rộng diện tích.
Theo đó, tổng chi phí đầu tư 1ha sâm đương quy khoảng 30 triệu đồng, sản lượng thu về 3 - 3,5 tấn/1ha, giá củ tươi 20 - 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, công chăm sóc, thu hoạch, nông dân lãi ròng trên 30 triệu đồng.
Mặt khác, sản phẩm thu về là củ tươi, HTX đã sấy khô và bán ra thị trường. Ngoài sản phẩm thô, còn có trà túi lọc đương quy. Ngoài ra, HTX còn trồng và thu mua cây hoàn kỳ, cây đan sâm là những dược liệu quý để làm trà túi lọc.
Mặc dù thời gian trồng, thu hoạch sâm đương quy dài (15 -16 tháng) so các loại rau ngắn ngày, nhưng cây đương quy, trước khi trồng chỉ cần xử lý đất kỹ, bón phân đầy đủ, tưới nước và nhổ cỏ theo định kỳ, sẽ cho năng suất cao, không tốn thời gian chăm sóc như các loại cây khác. Đặc biệt, không sử dụng thuốc BVTV nên rất an toàn cho sản phẩm, môi trường sức khỏe con người.
Vì lý do trên, năm 2018, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương đã xây dựng mô hình trồng thực nghiệm cây sâm đương quy với tổng diện tích 1,7ha, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 75% chi phí cây giống cho các thành viên HTX. Hiện, cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến năm 2019 sẽ cho thu hoạch.
Đặc biệt, tháng 8- 2018 HTX Như Ý đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho cây sâm đương quy, đây là động lực để HTX hoàn thiện về chất lượng sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn huyện, mở hướng đi mới cho cây dược liệu, nâng cao thu nhập, giúp người dân làm giàu nhanh.
Tuy nhiên, do mới thành lập nên HTX vẫn còn nhiều khó khăn như nguồn vốn, trang thiết bị máy móc để làm ra thành phẩm trà đương quy, đầu ra chưa ổn định, do HTX phải tự chào hàng và tìm kiếm khách mua.
Hy vọng, thời gian tới, HTX Như Ý sẽ có thêm thành viên tham gia, để tìm kiếm thị trường, và được nhiều người tin dùng các sản phẩm của HTX, như kỳ vọng của các thành viên và bà con trong vùng.
Đắk Nông: Nhiều vườn hồ tiêu mất mùa, rớt giá
Hiện, bà con Đăck Nông đang thu hoạch vụ hồ tiêu 2018 -2019. Song, năm nay người dân không vui vì hồ tiêu mất mùa, mất giá.
Đầu tháng 1/2019, anh Nguyễn Văn Hùng, xã Nhân Cơ đang thu hoạch 1 ha hồ tiêu. Những năm trước, với 800 trụ tiêu, anh thu khoảng 2,5 - 3,5 tấn, nhưng nay chỉ được 1,5 tấn.
Vườn hồ tiêu của anh Hùng, xã Nhân Cơ, giảm 30% năng suất
Đây là năm thứ hai liên tiếp anh mất mùa hồ tiêu, do thời tiết thay đổi liên tục trong thời kỳ ra hoa, đậu quả, khiến cây tiêu rơi vào tình trạng lá già rụng muộn, tay non ra dài nhưng không có bông. Cây xanh tốt, cành sum suê nhưng không có trái.
Anh Hùng cho biết: "Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào hồ tiêu. Nay mất mùa, mất giá nên gặp nhiều khó khăn”.
Nếu anh Hùng chỉ mất mùa một phần thì chị Lê Thị Hường, xã Quảng Tín lại mất hoàn toàn khi vườn hồ tiêu 1,5 ha gần như chết trụi.
Chị Hường cho biết: “Đã bỏ hàng trăm triệu đồng mua thuốc men để cứu vườn tiêu và thuê máy móc xịt nhưng không được. Công đầu tư, chăm sóc bấy lâu thành công cốc”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó phòng Nông nghiệp Đắk R’lấp thì diện tích hồ tiêu toàn huyện là 4.601,9 ha, trong đó, hồ tiêu giai đoạn kiến thiết cơ bản 1.680,9 ha; kinh doanh 2.921 ha. Năng suất ước đạt 2,3 tấn/ha, tổng sản lượng 6.893.5 tấn.
Mặc dù đang trong vụ thu hoạch, nhưng năng suất giảm 50-60%. Năm 2018, toàn huyện có 304 ha hồ tiêu chết, khiến nông dân gặp nhiều bất lợi, nhất là trang trải phí đầu vào.
Không chỉ Đắk R’lấp, vựa tiêu lớn nhất tỉnh là huyện Đắk Song, với diện tích hơn 15.200 ha hồ tiêu, cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện thì sản lượng tiêu của huyện có thể cao hơn, nếu không bị chết, giảm năng suất. Thống kê cho thấy, năm 2018, Đắk Song có gần 1.700 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó, hơn 200 ha đã chết hoàn toàn.
Hiện, không ít hộ dân các xã Nâm N’Jang, Đắk N’Drung, Thuận Hà, Trường Xuân lâm vào cảnh nợ nần, không còn vốn tái sản xuất.
Không chỉ mất mùa, nông dân buồn hơn khi giá hạt tiêu đang ở mức thấp. Theo đó, giữa tháng 1/2019 chỉ 50.000 đồng/kg. Trong khi, giá hồ tiêu tháng 12/2018 dao động từ 52 - 53.000 đồng/kg.
Thông tin từ Bộ Công thương, năm 2018, sản lượng hạt tiêu cả nước ước đạt 230.000 tấn, tăng 20.000 tấn so năm 2017, thì việc giá giảm là điều tất nhiên.
Đến hết năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam ước đạt 232.000 tấn, khoảng 758 triệu USD, tăng 8,1% về lượng, nhưng giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm trước.
Sở Nông nghiệp Đắk Nông, cho biết, với diện tích 32.000 ha, năm 2018, sản lượng tiêu của tỉnh đạt 51.863 tấn, đạt 87% so kế hoạch, song, vẫn tăng 13.281 tấn, so năm 2017.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, năm 2018 - 2019, tuy năng suất hồ tiêu một số nước lớn, trong đó có Việt Nam có thể giảm, nhưng diện tích cho thu hoạch vẫn tăng, nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn cao hơn năm 2017.
Vì vậy, nông dân muốn nâng cao giá trị sản phẩm, cần thâm canh hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững. Nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Gia Lai: Nhà vườn thấp thỏm vì lay ơn nở sớm
Vẫn còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên Đán 2019, nhưng nhiều diện tích hoa lay ơn ở xã An Phú, T.p. Pleiku đã đồng loạt nở sớm, khiến nông dân rầu rĩ.
Ông Võ Đăng Hùng xã An Phú buồn rầu vì lay ơn nở trước Tết
Theo nhiều nhà vườn xã An Phú, thời tiết cuối năm ấm, nên hoa lay ơn bung nở sớm. Hiện, có vườn hơn 50% diện tích đã nở. Ngược lại, còn nhớ Tết 2018, cũng là một năm không mấy vui với người trồng lay ơn, bởi Tết đã đến mà hoa vẫn không chịu nở.
Vừa cắt tỉa những cành lay ơn đã bung cánh, ông Võ Đăng Hùng, xã An Phú, buồn rầu nói: “Năm ngoái thì Tết đến mà hoa không kịp nở để bán, còn năm nay thì hoa nở trước ngày 15 tháng Chạp. Chỉ sợ tới Tết hoa lại nở hết, không còn để bán. Loại hoa đã nở thời điểm này chỉ bán được 15 - 20 ngàn đồng/bó/10 cây.
Ông Hùng cho biết thêm, thu hoạch hoa mà lòng nặng trĩu. Riêng chi phí đầu tư đã vài chục triệu đồng, chưa kể công sức bỏ ra mấy tháng qua.… Giờ chỉ biết cố gắng khống chế đám hoa còn lại, cho nở chậm để bán Tết mong lấy lại chút vốn”.
Cũng như ông Hùng, cô Nguyễn Thị Hàng, làng Râu, cũng trồng gần 7 sào lay ơn. Song, những ngày này đã phải cắt bán, vì lượng hoa nở khá nhiều.
Tình trạng này, không chỉ cô Hàng mà nhiều nhà vườn trên địa bàn xã buộc phải cắt những diện tích lay ơn đã nở, nhằm vớt vát phần nào công sức, tiền của đã bỏ ra. Hiện, giá lay ơn chỉ còn 15 - 20.000 đồng/bó/10 cây.
Vào thăm những vườn lay ơn đang độ nở bông, với đủ các loại như: san hô-cà rốt, đỏ cọng đen, đỏ son, đỏ cẩm, vàng Đà Lạt, phấn hồng, đỏ mật... chúng tôi thấy rõ nỗi lo hiện rõ trên gương mặt những nông dân ở đây.
Nhiều chủ vườn cho rằng, thời điểm lay ơn nở dịp Tết là khoảng 27 tháng Chạp. Việc cho hoa nở theo ý muốn cần nhiều yếu tố như: đặc điểm giống, lịch trồng, chế độ chăm sóc… nhưng quan trọng nhất vẫn là thời tiết. Nếu nắng ấm, lay ơn sẽ nở ồ ạt trong những ngày tới.
Đà Lạt: Bonsai, cây cảnh gây “sốt” Tết Kỷ Hợi
Để đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, nhiều chủng loại như: hồng bonsai, sung Mỹ, hoa hồng xanh... là những loại hoa kiểng Đà Lạt đang gây sốt thị trường Tết 2019.
Anh Định chăm sóc cây sung Mỹ đón Tết 2019
Theo đó, giá bonsai vừa chưng Tết đẹp vừa làm thực phẩm dao động từ 150 - 500.000 đồng/chậu, có loại hơn 1 triệu đồng/chậu.
Thung lũng hoa hồng của ông Trần Văn Đắt, phường 3, TP Đà Lạt có 200 gốc hồng bonsai. Đây là những gốc đẹp trong số gần 2.000 gốc được ông sưu tầm suốt 20 năm qua. Mỗi gốc có dáng đẹp, lạ khác nhau, giá từ 10 triệu đến vài trăm triệu.
Trang trại Định Farm, cũng có hơn 1.000 chậu dưa pepino tí hon, 100 chậu sung mỹ bonsai để phục vụ người tiêu dùng. “Đây là món quà nông sản sạch, vừa làm cảnh vừa làm thực phẩm" - anh Nguyễn Định chủ nhân trang trại nói.
Ngoài cây cảnh bonsai nói trên, còn có đào thế. Ông Bùi Văn Sang, chủ nhân Thung lũng hoa đào Mười Lời, T.p Đà Lạt, cho biết, ông có 500 gốc đào thế và bon sai hoa hồng xanh chuẩn bị tham dự Hội hoa xuân Kỷ Hợi 2019 tại TP.HCM.
Ông Sang cho biết, để có những chậu bonsai hoa hồng xanh, ông đã ghép chồi hồng Nhật Bản lên gốc hồng dại Đà Lạt mạnh khỏe, 5 - 7 năm tuổi. Sau 6 tháng chăm sóc hồng xanh khai hoa nở nhụy. Đây là năm đầu tiên Thung lũng hoa đào Mười Lời đưa ra thị trường sản phẩm độc đáo này.
Người dân giàu nhanh nhờ trồng cây dược liệu; nhiều vườn hồ tiêu mất mùa, rớt giá; người dân lo âu vì lay ơn nở trước Tết; cây cảnh, bon sai gây sốt Tết Kỷ Hợi, là tin Tây Nguyên nổi bật tuần qua.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…