Năm 2018, Lào Cai có 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 1 xã so với kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 44 xã, đạt 88% so với mục tiêu đề án XDNTM đến năm 2020; vượt 2,67% kế hoạch so với Trung ương giao đến năm 2020.
Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Khanh, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Lào Cai về thành công này.
Xin ông cho biết vài nét về tình hình thực hiện nhiệm vụ XDNTM trên địa bàn tỉnh trong năm qua?
Năm 2018, Chương trình MTQG về XDNTM của Lào Cai đã đạt được những kết quả toàn diện, các chỉ tiêu kế hoạch giao đều đạt và vượt.
Chúng tôi luôn xác định công tác truyên truyền, vận động là nội dung quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân, XDNTM chính là xây dựng cho người dân hạ tầng cơ sở, nếp sống văn minh, môi trường xanh sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua công tác tuyên truyền đã huy động được các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - chính trị; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giúp đỡ XDNTM. Đóng góp của cộng đồng nhân dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ XDNTM năm qua đạt tổng giá trị trên 167 tỷ đồng (tăng hơn 33 tỷ so với năm 2017). Trong đó, tiền mặt là hơn 25 tỷ đồng; góp trên 300 nghìn công lao động; hiến hơn 400 nghìn m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học…
Nhờ đó, toàn tỉnh đạt bình quân 11,83 tiêu chí/xã (vượt 0,07 tiêu chí so với kế hoạch năm 2018), tăng 1,81 tiêu chí so với năm 2017.
Năm 2018, Lào Cai có 9 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, tăng 1 xã so với kế hoạch giao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 44 xã, đạt 88% so với mục tiêu đề án NTM đến năm 2020; vượt 2,67% so với Trung ương giao đến năm 2020 (Trung ương giao các tỉnh miền núi phía Bắc đến năm 2020 số xã đạt chuẩn NTM là 28%, đến năm 2018 tỉnh đã đạt 30,7%). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 23,46 triệu đồng/người/năm (tăng 2,2 triệu đồng so với năm 2017). Giá trị sản phẩm/ha đất canh tác tăng mạnh, ước đạt 69 triệu đồng, tăng 17%.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện nội dung hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lâm Đồng. Toàn tỉnh có 1.294,2ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 470ha so với năm 2017.
Năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện được 823,1/784,85km đường giao thông nông thôn (đạt 104,8%, tăng 62,17km so với năm 2017). Trong đó, bê tông xi măng 497,61 km; cấp phối 238,56km; mở mới 86,93km. Lũy kế từ 2012 đến nay làm được 4.770,5km đường giao thông, trong đó bê tông xi măng 2.794,36km; cấp phối 1.135,76km; mở mới 840,38km.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 23,46 triệu đồng/năm.
Ông có thể cho biết thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai XDNTM?
Chương trình MTQG về XDNTM được các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên để chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác chỉ đạo, điều hành và hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ XDNTM tiếp tục được ban hành đồng bộ và kịp thời, có tác dụng thiết thực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện chương trình. Ban chỉ đạo NTM các cấp tiếp tục được kiện toàn, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và thực thi chương trình.
Huy động các nguồn lực thực hiện tiêu chí giao thông tại xã Tả Phời (TP. Lào Cai). Ảnh: Lâm Tú.
Phong trào “Lào Cai XDNTM và giảm nghèo bền vững” được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sâu rộng, lan tỏa trên khắp các vùng nông thôn. Đặc biệt, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy, thể hiện ở sự đồng thuận, tích cực, hưởng ứng tham gia và đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để XDNTM.
Tiêu chí NTM của các xã trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến đáng kể cả về chất và lượng, các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thực hiện tốt việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Hết năm 2018, tỉnh không còn xã dưới 5 tiêu chí, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề án.
Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn.
XDNTM đang từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục nâng cao, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được nâng lên.
Nhiều địa phương đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn xã NTM và huyện NTM, đặc biệt quan tâm triển khai xây dựng mô hình thôn NTM, thôn kiểu mẫu, tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ chương trình giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Kết quả XDNTM không đồng đều giữa các địa phương, các xã ở khu vực vùng cao, vùng khó khăn có số tiêu chí đạt còn thấp; nhiều tiêu chí cần nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước rất lớn, một số tiêu chí còn đạt thấp như: thu nhập, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm, giao thông…; chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí còn thiếu bền vững.
Phong trào “Lào Cai XDNTM và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được phát động rộng khắp ở tất cả các địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động hưởng ứng phong trào chưa được thường xuyên, liên tục, duy trì đều đặn ở các địa bàn nông thôn, một số hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu tổng kết đánh giá; công tác huy động nguồn lực từ người dân, xã hội hóa có nơi chưa thực hiện tốt.
Công tác lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện cơ chế đặc thù và huy động nguồn lực cho XDNTM từ các đối tượng như doanh nghiệp, HTX, người dân… vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi; sản xuất nông nghiệp mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thực sự tạo chuyển biến rõ nét, các mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 hướng đến việc liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Môi trường nông thôn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc tại một số địa phương như tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do nước thải, rác thải, khu công nghiệp; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm; an ninh trật tự nông thôn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định.
Việc áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù trong XDNTM chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả; một số thiết kế mẫu còn khó áp dụng ở cơ sở như thiết kế mẫu nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn… Việc thực hiện Luật Đầu tư công tại một số địa phương còn lúng túng, khó khăn (Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khởi công mới theo quy định của Luật Đầu tư công phải xin ý kiến của bộ, ngành Trung ương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn nên tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra).
Công tác báo cáo, thống kê định kỳ chưa được các sở, ngành, địa phương quan tâm, tiến độ báo cáo còn chậm trễ và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương, vì vậy, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo các cấp và công tác thống kê tổng hợp, báo cáo tình hình chung của tỉnh.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ triển khai thực hiện XDNTM như thế nào, thưa ông?
Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, chúng tôi đề ra các mục tiêu sau: Trong tháng 1/2019, hoàn thành việc ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện Chương trình XDNTM ngay từ đầu năm để các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, Ban chỉ đạo NTM các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Trình chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, Ban chỉ đạo NTM các cấp đẩy mạnh thực hiện chương trình. Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Lào Cai XDNTM và giảm nghèo bền vững” và thực hiện quyết liệt 5 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, bao gồm: phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng đường giao thông nông thôn, duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn sau đầu tư; xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn và giữ gìn an ninh trật tự nông thôn.
Tập trung chỉ đạo huyện Bảo Thắng thực hiện các nhiệm vụ để phấn đấu đến hết năm 2020 trở thành huyện NTM. Đồng thời, đôn đốc TP.Lào Cai hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trình Thủ tướng công nhận hoàn thành XDNTM.
Phấn đấu đến hết năm 2019, Lào Cai có thêm 7 xã hoàn thành XDNTM, nâng số hoàn thành NTM lên 51 xã, vượt mục tiêu Đại hội và về đích trước 01 năm so với mục tiêu đề án. Toàn tỉnh đạt bình quân 13,02 tiêu chí/xã. Mỗi huyện tăng bình quân 1,5-2 tiêu chí/xã. Giá trị sản xuất đạt 75 triệu đồng/ha.
Trân trọng cảm ơn ông! Chúc tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển, sớm đạt các chỉ tiêu XDNTM đề ra!
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.