Sau 4 năm (2018 - 2021) triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận đạt 3 sao, 4 sao.
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, một số sản phẩm đã bị thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, đồng nghĩa với việc tự đánh mất “giấy thông hành” trên thị trường.
Bát Xát: Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững
Quả lê Tai nung ở Nậm Pung được xây dựng thành sản phẩm OCOP. Ảnh: Báo Lào Cai
Ngay sau khi có hướng dẫn của tỉnh, huyện Bát Xát đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Bát Xát; giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là cơ quan thường trực, cử cán bộ chuyên theo dõi, hướng dẫn các chủ thể xây dựng và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP theo 2 đợt trong năm.
Cùng với tuyên truyền, huyện Bát Xát đã vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Chỉ đạo các xã xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực, tổ chức tập huấn về quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu; chỉ đạo các xã thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, huyện Bát Xát đã có 6 sản phẩm được xếp hạng đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm 3 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao (giấm táo mèo Hoàng Liên, miến đao Thành Sơn, rượu Fansipan) và 3 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao (miến đao sâm, gạo Séng cù, gạo lứt Séng cù).
Năm 2021, huyện Bát Xát đã ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 có 39 sản phẩm OCOP. Từ đầu năm đến nay, đã hoàn thành đánh giá cấp huyện 2 sản phẩm, đang chờ hội đồng đánh giá phân hạng cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng, gồm lê Nậm Pung của Tổ hợp tác lê Nậm Pung (xã Nậm Pung) và chè Bát Tiên Hướng Tâm (xã Mường Hum).
Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xây dựng mục tiêu đạt 85 triệu đồng/ha canh tác. Vì vậy, địa phương đã xây dựng Đề án Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao. Đây sẽ là điều kiện để đến năm 2025, Bát Xát thực hiện được mục tiêu Chương trình OCOP đã đề ra.
Ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện uỷ Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát xác định thực hiện thành công Chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.
“Người đồng hành” với các sản phẩm OCOP
Tỉnh đã tổ chức 8 đợt đánh giá và có 102 sản phẩm được công nhận, đạt 155% so với mục tiêu đến năm 2020. Đóng góp vào những kết quả đó không thể không nhắc đến ông Nguyễn Hữu Trường, Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Trường (trái ảnh) kiểm tra các sản phẩm OCOP tại huyện Văn Bàn. Ảnh: Báo Lào Cai
Xác định bộ máy chính quyền các cấp có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình OCOP, ông Nguyễn Hữu Trường đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đề nghị UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ triển khai chương trình vào quy chế hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp. Đây là nền móng cho việc thực hiện chương trình được thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc hướng dẫn các chủ thể sản xuất xây dựng sản phẩm dự thi Chương trình OCOP.
Theo ông Nguyễn Hữu Trường, Lào Cai là 1 trong 4 tỉnh của cả nước triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. “Do là tỉnh tiên phong nên khi thực hiện chương trình gặp không ít khó khăn. Thời điểm đó, kinh nghiệm là con số 0, các thành viên trong tổ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, phải vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Chủ thể của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất khi ấy cũng chưa hiểu thế nào là sản phẩm OCOP và làm thế nào để sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Các thành viên trong tổ giúp việc phải phân công nhau đồng hành với các chủ thể hoàn thiện hồ sơ dự thi, từng chi tiết rất nhỏ trên bao bì sản phẩm như logo, hạn sử dụng, trọng lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đến hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm” - ông Nguyễn Hữu Trường tâm sự.
Sau 6 tháng triển khai, tháng 3/2019, Lào Cai có 10 sản phẩm OCOP trong đợt công nhận đầu. “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, từ những sản phẩm đầu với vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ, những hàng hóa từ khu vực nông thôn tiếp tục được xây dựng thành sản phẩm OCOP. Đồng hành với các chủ thể từ khi thực hiện Chương trình OCOP, ông Trường cho rằng, Lào Cai có rất nhiều sản phẩm đặc thù, thế mạnh có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP ở cả 6 nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu, dịch vụ du lịch. Những sản phẩm khi được UBND tỉnh công nhận đều có chất lượng, uy tín với sự thẩm định của nhiều cơ quan chuyên môn cũng như đạt những tiêu chí chấm điểm theo Bộ tiêu chí, quy định đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia…
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Hữu Trường cũng có nhiều sáng kiến liên quan đến thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, như tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2018 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án Chương trình OCOP, xây dựng phần mềm dữ liệu để quản lý và chấm điểm OCOP, giảm thiểu về mặt hồ sơ, giấy tờ. Ông Nguyễn Hữu Trường cũng là người đồng hành với nhiều chủ thể xây dựng thành công các sản phẩm hàng hóa từ nông thôn trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, chủ biên cuốn “Sổ tay hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lào Cai”…
Xây dựng sản phẩm OCOP không thể chạy theo số lượng
Từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, tỉnh đã phê duyệt 123 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm đạt 3 sao. Theo quy định, sau 3 năm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ tổ chức đánh giá lại. Năm 2021, có 3 sản phẩm phải thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm gạo Séng cù Lương Sơn (Bảo Yên), dưa lưới, thịt chua Trường Phát (Bảo Thắng).
Nguyên nhân được xác định là cả 3 sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của Chương trình OCOP, trong đó giải thể hợp tác xã, không còn chủ thể (gạo Séng cù Lương Sơn); dừng sản xuất, kinh doanh sản phẩm và không có kế hoạch sản xuất lại (dưa lưới, thịt chua Trường Phát).
Trong đợt đánh giá lại của năm 2022, có thể một số sản phẩm OCOP sẽ bị tụt hạng sao. Nguyên nhân được xác định là do sau khi được tư vấn quốc gia hướng dẫn triển khai, thực hiện Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 2100 ngày 17/10/2018 về việc Hướng dẫn tạm thời thực hiện chu trình OCOP tại tỉnh Lào Cai và là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP (sau các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam). Trong khi ở thời điểm này, Trung ương chưa ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngày 21/8/2019, Trung ương mới ban hành Quyết định số 1048 về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Đến ngày 8/6/2020, Trung ương tiếp tục ban hành Quyết định số 871 sửa đổi, bổ sung một số phụ lục của Quyết định số 1048, trong đó có yêu cầu một số tiêu chí tối thiểu trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm; hoạt động của các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, du lịch bị gián đoạn, dừng hoạt động, đứt gãy chuỗi vận chuyển, tiêu thụ đến các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường khu vực phía Nam, khiến các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP không có tăng trưởng, hiệu quả thấp…
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, cũng có nguyên nhân chủ quan, đó là một số chủ thể sau khi có sản phẩm đạt OCOP đã tự hài lòng với kết quả đạt được, không có sự bứt phá, đổi mới để theo kịp xu hướng thị trường, chưa quan tâm đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến, cải tiến bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất như cam kết trong hồ sơ đăng ký, dẫn đến giá trị sản phẩm sụt giảm, mất lợi thế cạnh tranh.
Một số chủ thể chưa chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại, chưa đa dạng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là áp dụng thương mại điện tử. Một số chủ thể chưa tâm huyết, chưa chủ động xây dựng nâng tầm thương hiệu, có dấu hiệu “hụt hơi” khi tham gia các thị trường mới.
Ngoài ra, quy định của Trung ương tại Quyết định 781 thì sản phẩm đạt 4 - 5 sao phải có: Quy mô sản xuất lớn, chủ thể sản xuất hoạt động hiệu quả (HTX xếp loại khá, các loại hình khác có 2 năm liền kề liên tiếp tăng trưởng dương), có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam… Tuy nhiên, tại Lào Cai chỉ có một vài cơ sở đạt tiêu chuẩn chế biến tiên tiến (ISO, GMP), chưa có đơn vị nào đạt tiêu chuẩn HACCP, Hala.
Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc thu hồi chứng nhận OCOP đối với những sản phẩm không đáp ứng tiêu chí đặt ra là rất bình thường, nhằm tạo công bằng cho các chủ thể cũng như đánh giá đúng giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, đó là việc làm bất đắc dĩ, bởi mục tiêu của Chương trình OCOP đặt ra là những sản phẩm sau khi được công nhận OCOP sẽ phát triển tốt hơn.
Để hạn chế tối đa sản phẩm bị tụt hạng sao hoặc bị thu hồi chứng nhận OCOP, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thay đổi từ chọn sản phẩm đến triển khai thực hiện và đánh giá. Từ năm 2021, tỉnh yêu cầu tất cả sản phẩm phải được hội đồng cấp huyện duyệt ý tưởng và được Hội đồng cấp tỉnh chấp thuận ý tưởng sản phẩm, mới cho phép làm hồ sơ tham gia OCOP, nên đã khắc phục một số hạn chế, bất cập trước đây.
Tiếp tục tổ chức thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, đúng quy định, không chạy theo số lượng, thành tích, các sản phẩm được chứng nhận OCOP phải là tiềm năng, thế mạnh, đặc sản của các địa phương. “Việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trải qua chu trình phức tạp, qua nhiều vòng, từ hội đồng đánh giá cấp huyện đến Hội đồng đánh giá cấp tỉnh (riêng cấp tỉnh tổ chức 2 lần đánh giá) với sự tham gia của đại diện 7 sở, ngành liên quan. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định khắt khe của Việt Nam”, ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh khẳng định.
Hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá đối với những nội dung còn vướng mắc, bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện; bổ sung các trình tự, quy định về đánh giá lại sản phẩm và thu hồi sản phẩm không đạt tiêu chí để các địa phương căn cứ thực hiện.
Du lịch nông thôn và OCOP được đưa vào chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 sẽ bao gồm nhiều chương trình chuyên đề quan trọng như: Chương trình OCOP, chương trình Bảo vệ Môi trường, chương trình chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh, chương trình Du lịch nông thôn... Trong đó, chương du lịch nông thôn và chuyển đổi số là 2 điểm mới.
Một trong những mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 là xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống. Ảnh: Báo Lào Cai.
Với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 9 nội dung, thứ nhất, trong đó đáng lưu ý là giai đoạn 2021-2025 sẽ sẽ tập trung triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội. Sẽ triển khai Chương trình OCOP gắn với lợi thế vùng miền, thành lập Trung tâm OCOP Quốc gia, phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn; đẩy mạnh sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Với chương trình chuyển đổi số, sẽ triển khai 6 nội dung, trong đó nhấn mạnh “Triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 – 2025”. Sẽ tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn và nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý cũng như tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Mặt khác, sẽ tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội. Về chương trình bảo vệ môi trường, có 7 nội dung, trong đó việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải như: phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải nhựa... theo nguyên lý tuần hoàn. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam và xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa. Mặt khác, sẽ đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời sẽ tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cải thiện vệ sinh hộ gia đình. Để triển khai hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện. Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì, hướng dẫn và phối hợp với các Bộ, ngành khác thực hiện nhiều nội dung quan trọng mang tính chất bản lề của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.