Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch Covid-19 sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho việc lưu thông, cung ứng các yếu tố đầu vào.
Gỡ vướng và tạo điều kiện lưu thông nông sản
Ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan ban hành quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch Covid-19.
Nội dung Quyết định số 3430/QĐ-BNN-VP về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch Covid-19 do Bộ trưởng Lê Minh Hoan ký ban hành ghi rõ, tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Cụ thể: Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan xây dựng các phương án duy trì sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cao nhất trong khu vực sản xuất để đảm bảo thúc đẩy mạnh hơn nữa sản xuất, chế biến tại các tỉnh chưa bị hoặc nguy cơ dịch bệnh Covid-19 chưa cao, tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tổ công tác cũng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho việc lưu thông, cung ứng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
Nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.
Theo Quyết định, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Phát huy hiệu quả cao
Được biết, thời gian qua, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổ công tác 970) đã góp phần giúp nhiều địa phương gỡ rối vướng mắc trong lưu thông, vận chuyển nông sản.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, tính đến ngày 25/7, đã có 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970. Trong đó, rau củ có 85 đầu mối, trái cây 102, thủy hải sản 157, lương thực 24 và các mặt hàng khác 20 đầu mối.
Theo tổ công tác 970, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến ngày 31/7 của 388 đầu mối đăng ký qua đơn vị này là dồi dào và đang có dấu hiệu dư thừa ở nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.
Theo đó, nhóm rau củ tăng đột biến ở sản lượng khoai lang tím và khóm; dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu; nhóm trái cây có sản lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn với lượng cung từ các đầu mối trên 700 tấn/ngày. “Nhãn và chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vì các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn”, Tổ công tác 970 cho biết.
Trong khi đó, thủy sản ghi nhận sản lượng tăng nhanh của tôm, cua, cá nước mặn. Còn số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít, nhưng có dấu hiệu dư thừa của thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Tổ công tác 970 đưa ra dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng và nhãn ido, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước lợ cung sẽ vượt cầu.
Trong khi đó, ở khía cạnh tiêu thụ, ông Tùng cho biết, Tổ công tác 970 đã trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Số đơn hàng giao dịch thành công được ghi nhận ban đầu là 24.
Tuy nhiên, khi được hỏi về số lượng cụ thể, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, do trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chưa có con số thống kê cụ thể. "Nhưng cách đây ít ngày, có một hợp tác xã bán một ngày trên 200 tấn rau", ông Nam dẫn chứng và nói rằng, vấn đề tổ công tác đã thực hiện được, đó là đã kết nối được bên cung ứng và tiêu thụ.
Còn về tình hình chăn nuôi, báo cáo của Tổ công tác 970 cho biết, tình hình chăn nuôi của các địa phương tương đối ổn định với nguồn cung lớn.
Theo đó, các vựa cung cấp lợn thịt ở tỉnh Đồng Nai mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con, trong đó, tiêu thụ nội tỉnh chỉ trên 1.300 con và còn lại xuất ra thị trường các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh; lượng gà thịt của Đồng Nai xuất ra thị trường mỗi ngày cũng khoảng 100.000 con, trong đó, tiêu thụ nội tỉnh chỉ 5% và 95% cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Tổ công tác 970 dẫn báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết, đến ngày 25-7, lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh tương đối ổn định, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ có giảm so với trước thời gian thực hiện giạn cách xã hội.
Tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ ở Nam bộ đạt khoảng 5,09 triệu tấn. Trong đó, ước 6 tháng cuối năm, sản lượng thủy sản 19 địa phương này đạt 2,9 triệu tấn, trung bình mỗi tháng sản xuất được khoảng 483.000 tấn.
Trong bối cảnh bị tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giảm (vì chủ yếu dùng cho nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…) nên sản phẩm thủy sản đáp ứng đủ tiêu dùng và xuất khẩu. Các hoạt động vận chuyển tôm giống, thức ăn thủy sản tại các tỉnh Nam bộ cơ bản đã thông suốt.../.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…