Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành bản hùng ca mỗi khi tháng 7 về.
Huyền thoại về 10 đóa hoa bất tử và những trang sử hào hùng thời kỳ chống Mỹ nơi địa danh linh thiêng này đã trở thành địa chỉ đỏ để nhân dân cả nước thể hiện lòng tri ân của mình.
Chiều định mệnh
Trong cuộc kháng chiến trường chinh chống Đế quốc Mỹ xâm lược, Hà Tĩnh vừa là hậu phương của tiền tuyến miền Nam, vừa là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc; Ngã ba Đồng Lộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Từ tháng 4 đến tháng 10/ 1968, Đế quốc Mỹ đã đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc gần 1.900 lần với trên 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi tháng đế quốc Mỹ ném bom 28 ngày, có ngày 103 lần với trên 800 quả bom. Bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây phải gánh chịu 3 quả bom tấn.
Tại mảnh đất lửa Đồng Lộc và Ngã ba Đồng Lộc, hàng ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Tận cùng của nỗi đau thương, mất mát đó là khoảnh khắc định mệnh lúc 16 giờ 40 phút, ngày 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Các chị ra đi ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, để hoá thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.
Sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP và hàng ngàn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, TNXP và nhân dân tại Ngã ba huyết mạch là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng; khích lệ lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân diệt giặc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghĩa cử tri ân cao đẹp
Đã 51 năm đi qua, Đồng Lộc (Can Lộc) hôm nay không phải là vùng đất chết, nay, những đồi thông đã phủ kín xanh mướt như che đầu những vết tích của chiến tranh. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay thơm mùi lúa mới, tuyến đường vào Nam thời chống Mỹ nay đã thênh thang rộng mở, Ngã Ba Đồng Lộc giờ đã đổi mới xanh tươi.
Những ngày này, hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ, 51 năm Chiến thắng Đồng Lộc, hàng vạn du khách lại về với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Cựu chiến binh Thái Thanh Tùng ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết: “Năm nào vợ chồng tôi cũng về thăm quê hương. Mỗi lần đi qua, dẫu vội vàng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tranh thủ ghé về đây để thắp nén nhang cho đồng hương, cho những người đã ngã xuống và cũng để chứng kiến sự thay đổi, hồi sinh của vùng tọa độ chết một thời”.
Về Đồng Lộc không chỉ để thu nhận kiến thức lịch sử, không chỉ để thể hiện lòng biết ơn tiền nhân, có rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã dành cho Ngã ba Đồng Lộc những nghĩa cử tri ân cao đẹp. Đó chính là những đóng góp về vật chất để Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trùng tu, tôn tạo và xây dựng thêm những hạng mục, công trình làm thay đổi hoàn toàn diện mạo, tạo nên sức thu hút cho ngã ba huyền thoại này.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, cho biết: “Trong những tháng đầu năm 2019, Khu di tích đã đón tiếp hơn 170 nghìn lượt khách đến tham quan, tri ân các anh hùng liệt sỹ. Nhiều năm nay, Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ tâm linh có sức hút đối với nhân dân và du khách quốc tế. Ngoài các hạng mục, công trình được cấp ngân sách, nhiều điểm tham quan ở đây được trùng tu, xây dựng nhờ nguồn đóng góp xã hội hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019) và kỷ niệm 51 năm ngày chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018), Hà Tĩnh đã dành hơn 6,3 tỷ đồng tặng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn; nhiều hoạt động kỷ niệm quy mô lớn như: Lễ cầu siêu các liệt sĩ; Chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử”; Truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng… |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.