Sáng 22/4, tại tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - nghi lễ nhằm tri ân những người con đất đảo đã từng dong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Phần Lễ thề lính trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Cách đây 3, 4 thế kỷ, hằng năm các chúa Nguyễn đều tuyển chọn 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở các phường An Vĩnh và An Hải thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vượt biển đến đảo Hoàng Sa để khai thác hải vật quý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Vào khoảng cuối thế kỷ XVI, hải đội Hoàng Sa được thành lập và được củng cố thành thuỷ quân Hoàng Sa, hoạt động liên tục suốt 3, 4 thế kỷ. Hàng vạn thủy quân đã vượt qua bão tố, sóng gầm để đo đạc thuỷ trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ, khai thác hải vật và tài nguyên biển đảo.
Trong hàng vạn người vượt biển để gánh vác sứ mệnh thiêng liêng trên biển Đông mà chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn giao phó rất ít người may mắn trở về, họ là những đội quân cảm tử.
Cũng từ đó, những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn ngày càng nhiều, hằng năm các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn đều thực hiện nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Trường Sa để chia tay, tỏ lòng tri ân và tưởng nhớ những người con đã bỏ mình trên biển để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Ông Nguyễn Tính ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn cho biết: "Từ xa xưa các bậc tiền nhân của chúng tôi đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều người chỉ có đi mà không có về. Vì vậy, để tưởng nhớ các vị tiền nhân hy sinh vì đất nước, các tộc họ ở Lý Sơn hàng năm đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, để qua đó cho con cháu biết công lao của tổ tiên mà ghi nhớ và noi theo."
Hầu hết các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn đều có người đăng lính Hoàng Sa nên lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một nghi thức mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian, thể hiện khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc và cầu mong linh hồn những người đã hy sinh được siêu thoát.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay ở huyện đảo Lý Sơn được các tộc họ và ngư dân trên đảo tổ chức theo truyền thống. Đối với người dân đất đảo, nghi lễ chính tế là một phần quan trọng, tưởng nhớ các hùng binh, các bậc tiền nhân xưa của đất đảo đã ra đi giữ gìn biển trời tổ quốc.
Ngư dân Võ Biếc ở xã An Vĩnh cho hay: Thuyền của ông và các ngư dân vừa cập cảng sáng hôm qua để về dự lễ khao lề. Ông cha đã có công xây dựng, những ngư dân như ông Biếc sẽ quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn được tổ chức hằng năm vào tháng 2 âm lịch tại các tộc họ và vào các ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch tại Âm linh tự. Nghi lễ truyền thống này ngoài yếu tố tín ngưỡng dân gian còn là lòng tự hào, là lời nhắc nhở các thế hệ nối tiếp về truyền thống cha ông trong công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước.
Theo Đinh Thị Hương/Vietnamplus
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.