Thời gian gần đây, nhiều TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đang quảng cáo vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Đặc biệt, nhiều sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật làm người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc chữa bệnh khiến tiền mất, tật mang.
Liên tục cảnh báo tới người tiêu dùng
Trước thực trạng các thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo không đúng theo quy định, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã liên tục phát đi nhiều thông báo cảnh báo đến người tiêu dùng, cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cho biết, trên một số website quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sapril Collagen 2G và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe MR.Z210MG không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh.
Cục An toàn thực phẩm đã xác minh đối với tổ chức công bố với 2 sản phẩm nói trên là của Công ty TNHH phân phối Phát Việt, nhưng công ty khẳng định không thực hiện quảng cáo trên các website mà cơ quan chức năng "điểm tên".
Trong khi chờ cơ quan chức năng xác định chủ thể vi phạm, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Sapril Collagen 2G và MR.Z210MG quảng cáo vi phạm trên các website trên.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website https://dadaytuetinhchinhhang.vn quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, trên website đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này do Viện nghiên cứu Y-Dược Cổ truyền Tuệ Tĩnh, ở số 2 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện trên các website đang quảng cáo nhiều sản phẩm không đúng sự thật gây hiểu nhầm như: quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao ban long Sibiri gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Health gain tea, viêm âm tán hoàng cung, giảm cân hoàng anh, dương lực hoàn, mờ nám - sáng da vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Trước đó, qua công tác hậu kiểm và xác minh phản ánh của báo chí, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gồm: Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Busno Việt Nam (ở khu đô thị Handiresco, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Sangu trên website sangu.com.vn, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Xử phạt Công ty TNHH Hồng Sâm Hansusam (ở tòa nhà Thăng Long Ford, số 105 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) với số tiền 230 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 534,5 triệu đồng về hành vi buôn bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tinh dầu thông (Cheon Ji Su) không có giá trị sử dụng, công dụng; quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Korean red ginseng extract power trên website geasungsangin. com mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Xử phạt Công ty cổ phần Kiềm Saphia (ở ngõ 104 đường Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) 45 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Saphia alkalight, Saphia alkalixk, Saphia alkaliub, Saphia alkali balance, Saphia alkali dạ dày, Saphia alkali D-revie X50, Saphia alkali D-revie X300 trên website kiemsaphia. com mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Mới đây, 4 công ty bị xử phạt vi phạm hành chính
Xử phạt Công ty TNHH Đông y xứ Mường (số 204/4 Hoà Bình, Hà Đông, Hà Nội) 50 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Nữ xuân XM, Bổ phế XM, Dạ dày XM, Xương khớp XM, Nhất nam dương trên website dongyxumuong. com, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Loạn quảng cáo thực phẩm chức năng
Trên thực tế đã có nhiều người đã tin tưởng vào quảng cáo mua sản phẩm chức năng (TPCN), sản phẩm bảo vệ sức khoẻ nhưng dùng kết quả sử dụng không được như mong muốn.
Chị Trần Vân, ở phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã không ngần ngại bỏ ra gần 5 triệu đồng mua 10 hộp TPCN để người bố đang bị tai biến uống nhằm hồi phục cơ thể. Trên tờ rơi quảng cáo và người bán hàng đều nói, đây là loại TPCN rất hiệu quả cho người già bị tai biến mạch máu não, chỉ cần sử dụng đều đặn trong khoảng nửa tháng là tình trạng sức khỏe của người bệnh có tiến triển rất tốt, bệnh tật giảm dần. Tuy nhiên, thực tế lại không như những gì quảng cáo. Sau gần một tháng bố chị uống hết 7-8 hộp TPCN mà bệnh tình chẳng thay đổi, ông vẫn liệt nửa người và phải nằm một chỗ….
Hay trường hợp của chị Ngọc Huyền, ở phố Bảo Khánh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận thấy cơ thể bị tăng cân nhiều, hay mệt, thở dốc khi làm việc gắng sức… Xem quảng cáo trên một trang mạng xã hội về loại thực phẩm chức năng giảm cân nhanh chỉ trong vòng một tháng, trị giá 1,7 triệu đồng, chị Huyền quyết định trải nghiệm. Kết quả, cân nặng không thấy giảm mà còn khiến chị phải nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được chào bán trên mạng xã hội.
Trường hợp của chị Vân và chị Huyền chỉ là một trong số những nạn nhân bị đánh lừa bởi những thông tin quảng cáo sai sự thật của nhiều loại TPCN. Mặc dù chỉ là TPCN, nhưng các sản phẩm này được không ít nhà sản xuất, phân phối đua nhau quảng cáo thổi phồng tác dụng lên quá mức, như là một loại “thần dược” có khả năng khắc chế đối với các bệnh nan y.
Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên.
Một số bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị.
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), chỉ tính riêng trong chín tháng đầu năm 2020, đã xử phạt 45 công ty sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm, với số tiền phạt lên tới hơn 2,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu quảng cáo công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố; quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo… Những sai phạm này tồn tại chủ yếu trên không gian mạng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình quảng cáo và tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiện nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo nhiều nội dung sai sự thật.
Chưa kể có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học đóng giả bác sĩ, dược sĩ thực hiện tư vấn.
Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đã xử phạt rất nhiều cơ sở, cá nhân sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm quảng cáo đã bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng…
Để kiểm soát, dẹp “loạn” quảng cáo TPCN, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN... Trên trang web Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng thường xuyên đăng những cảnh báo các trang thông tin sản phẩm vi phạm quảng cáo. Qua đó, khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh...
Đại diện Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng khi mua các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ nhưng thấy chúng được quảng cáo với các nội dung về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh cần cân nhắc để không gặp phải các thiệt hại không đáng có, tránh "tiền mất, tật mang", đánh mất cơ hội chữa bệnh vào thời đúng thời điểm...
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.