Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 8 năm 2021 | 13:5

Lời giải bài toán tiêu thụ nông sản ở Đắk Lắk: Kết nối qua nền tảng số

Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, một số loại nông sản, sản phẩm của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) ở Đắk Lắk đã được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để trực tiếp mua bán, giao dịch với khách hàng.

01.jpg
Sầu riêng ở một số địa phương của Đắk Lắk đang bước vào thu hoạch rộ. Ảnh: Minh Thuận

Đưa nông sản vào vùng dịch 

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đắk Lắk đối diện áp lực tiêu thụ khi nông sản vào vụ thu hoạch. Báo cáo của ngành Nông nghiệp cho thấy, địa phương dự tính có hơn 103.000 tấn sầu riêng và khoảng 40.000 tấn bơ phải thu hoạch, tổ chức tiêu thụ trong vài tháng tới. Cao điểm đầu mùa mưa, các loại trái cây đặc trưng này của tỉnh sẽ đồng loạt chín rộ; ngoài ra, còn một lượng lớn các loại rau - củ - quả, nhất là các loại rau quả thực phẩm dinh dưỡng không có điều kiện bảo quản và chế biến trong dân. Điều này đặt ra yêu cầu phải tìm nguồn tiêu thụ rất cao cho nông dân.

Ngành Công Thương Đắk Lắk cho biết, đã lên kế hoạch kết nối với các đầu mối thị trường, tìm kiếm các chuỗi cung ứng để chủ động giúp nông dân tìm đầu ra cho các loại nông sản, song do dịch bệnh, tiến trình xúc tiến vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Một lượng lớn nông sản, rau củ của Đắk Lắk không thể thuận tiện đưa về tiêu thụ ở khu vực phía Nam, do phần lớn các tỉnh, thành đều đang phải “khóa cửa chống dịch”, tạm cắt đứt nhiều chuỗi cung ứng.

Bài học từ 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi những ngày qua cho thấy, kênh kết nối cho hướng thương mại này là các hiệp hội, tổ chức địa phương ở vùng dịch. Chẳng hạn, để hỗ trợ người dân gốc Quảng tại vùng dịch TP.Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, Hội đồng hương Quảng Nam đã chủ động kết nối chính quyền và Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, nghiên cứu đưa luồng hàng hóa rau củ từ Quảng Nam vào vùng dịch. Việc phối hợp tổ chức các xe chở nông sản từ vùng quê vào vùng dịch thật ra không có nhiều trở ngại, chỉ cần xác định “một hành trình, hai điểm đến”.

Theo đó, chỉ cần đặt một bãi tập kết tuân thủ tốt các yêu cầu phòng dịch tại khu vực đông đồng hương Quảng Nam là có thể đưa ngay nông sản vào, sau đó phân phối lại theo từng nhóm đơn hàng cho các khu dân cư, chung cư… tại chỗ. Hiện nay, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đang từng bước triển khai cách làm này.

Kinh nghiệm này, đối chiếu với Đắk Lắk, là rất khả thi để triển khai, bởi có nhiều đơn vị vận tải, kinh doanh nông sản địa phương vốn có quan hệ kết nối tiêu thụ, có bãi tập kết ở TP. Hồ Chí Minh.

Tiêu thụ qua sàn TMĐT

Trong lúc nhiều tỉnh, thành gặp khó  trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương thì việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thông qua nền tảng số, ứng dụng TMĐT được coi là giải pháp thiết thực, hỗ trợ đắc lực  nông dân, DN giải bài toán đầu ra cho sản phẩm.

Tích cực hưởng ứng chương trình này, cuối tháng 7 vừa qua, 22 DN, HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành làm các thủ tục, đăng ký tham gia bán sản phẩm trên hai sàn TMĐT là Sendo.vn và Voso.vn.

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, hiện có 4 DN, gồm: Công ty TNHH Êđê Cafe (huyện Krông Ana), HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc), HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) và Công ty TNHH Coffee G20 Việt Nam (TP. Buôn Ma Thuột) đã chính thức mở bán sản phẩm trên sàn TMĐT Sendo.vn thông qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Từ đầu tháng 8, sản phẩm cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan của Công ty TNHH Êđê Cafe chính thức được mở bán trên sàn Sendo.vn với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng hấp dẫn.  Ông Y Pot Niê, Giám đốc Công ty TNHH Êđê Cafe, chia sẻ, sau 6 ngày mở bán, công ty đã nhận được 5 đơn hàng, giúp DN cải thiện tình hình tiêu thụ trong đại dịch và càng khích lệ đơn vị hoàn thiện quy trình để chủ động kết nối đầu ra cho sản phẩm, kinh doanh hiệu quả trên sàn TMĐT.

 

02.jpg
Ông Y Pot Niê, Giám đốc Công ty TNHH Êđê Cafe theo dõi các sản phẩm của đơn vị
đang được bán trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn.

 

Cần nắm bắt thời cơ

Theo đại diện nhiều sàn TMĐT, công ty tư vấn về phát triển TMĐT thì Đắk Lắk có nhiều thế mạnh, tiềm năng để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, nhất là các mặt hàng nông sản như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, trái cây…

Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MCC Group (đối tác quản lý tài khoản của Amazon), cho hay, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương Đắk Lắk triển khai các hoạt động hỗ trợ DN của tỉnh, từng bước đưa sản phẩm lên bán tại các sàn TMĐT toàn cầu. Trong số đó, Công ty TNHH MTV Xuất - nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã hoàn tất thủ tục đăng ký thành công, trở thành DN hợp tác bán hàng trên sàn TMĐT Amazon. Dự kiến, trong tháng 9 tới sẽ ra mắt gian hàng và đưa các sản phẩm nông sản chủ lực của Công ty TNHH MTV Xuất - nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk như: cà phê nhân đặc sản, cà phê rang xay, cà phê túi lọc, cà phê hòa tan, hồ tiêu… lên bán trên sàn Amazon.

Theo nhận định của Sở Công Thương Đắk Lắk, thị trường có nhiều biến động vì dịch Covid-19, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để TMĐT đến gần hơn với người tiêu dùng.

Thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các DN, HTX của tỉnh, phù hợp với bối cảnh hiện tại như: xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ DN, HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; hướng dẫn 22 DN, hộ kinh doanh, HTX đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như Sendo.vn, Voso.vn, Tiki.vn; đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến và thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để các DN mua bán trên sàn TMĐT; tổ chức tập huấn trực tuyến về phát triển TMĐT và chuyển đổi số cho 85 DN...

 

“Một số sản phẩm, nông sản được bán trên các sàn TMĐT đã giúp DN, HTX có nhận thức đầy đủ hơn về phương thức kinh doanh mới này, góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số trong đơn vị mình", ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, nhận xét.

 

Điều này nhằm tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm của địa phương bên cạnh kênh phân phối truyền thống, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm và giúp người dân các địa phương khác trong nước có thể mua sản phẩm một cách nhanh chóng, kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong nước và quốc tế đòi hỏi nỗ lực lớn của DN, HTX, người sản xuất. Bản thân DN, HTX, người sản xuất phải chú trọng làm ra sản phẩm có chất lượng, đồng đều, đáp ứng yêu cầu về đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh, nhất là chuyển đổi số.                   

 

 

PV
Ý kiến bạn đọc
Top