Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ được nhiều nông dân Hậu Giang thực hiện, bởi mô hình không chỉ mang thu nhập khá, nhẹ công chăm sóc mà còn bổ sung nguồn dinh dưỡng có lợi cho ruộng ở vụ sau.
Phong trào nuôi cá ruộng lúa
Năm nay, bà Trần Thị Thu Cúc, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, dành trên 2,5ha ruộng thả nuôi cá. Bà đã thả 50kg cá giống các loại như: mè Vinh, mè trắng, cá trê, cá chép… Do nước lên sớm nên bà đã thả nuôi cách đây 1 tháng, đàn cá phát triển khá tốt. Ngày nào bà cũng ra ruộng để kiểm tra bờ, lưới bao, nhất là sau những đêm mưa lớn.
Không chỉ bà Cúc mà nhiều hộ nuôi xung quanh cũng phấn khởi và hy vọng vào vụ thu hoạch tới vì nghe dự báo nước lũ lên sớm và nhiều hơn mọi năm.
Tại xã Phụng Hiệp, không khí thả nuôi của người dân cũng sôi nổi không kém, bởi năm nay nhiều hộ có thói quen sản xuất lúa vụ 3 chuyển sang thả nuôi cá ruộng. Ông Nguyễn Trung Trị là một trong số nhiều hộ mới thả nuôi cá ruộng ở ấp Mỹ Thuận 1. Ông Trị thả nuôi 30kg cá giống, gồm cá mè Vinh, mè trắng và cá rô phi trên diện tích hơn 2ha.
Cũng ở cùng ấp, ông Mai Hùng Chiến đã có nhiều năm làm lúa vụ 3 và qua vài mùa nuôi cá cho biết: “Lợi nhuận khi nuôi cá có khi còn cao hơn làm lúa. Trong khi nuôi cá, gia đình còn có thời gian rảnh để trồng rau màu hoặc làm công việc khác kiếm thêm thu nhập”.
Có kinh nghiệm nuôi cá ruộng 3 năm, ông Nguyễn Văn Y, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, chia sẻ: “Những năm trước, tôi thả hơn 15kg cá giống trên diện tích hơn 1ha ruộng. Sau hơn 3 tháng nuôi, thu lợi nhuận 12-15 triệu đồng. Nếu có đợt giá cá thấp thì đem làm mắm để bán cũng có thu nhập, không lo chuyện lỗ vốn”.
Theo ông Y, nuôi cá ruộng không tốn chi phí nhiều cho thức ăn vì tận dụng được lúa chét, rong tảo, sinh vật phù du có sẵn trên ruộng. Đầu vụ, ông cũng như nhiều hộ nuôi xung quanh phải đặt hàng trước 1-2 tuần mới có con giống mang về.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phụng Hiệp, nhận định: Nuôi cá ruộng tốn ít chi phí, nuôi được nhiều đối tượng khác nhau và mang lại lợi nhuận khá nên được nhiều người áp dụng. Năm nay, diện tích nuôi cá ruộng ở địa phương tăng do nước lũ về sớm và nhiều. Nếu có điều kiện, bà con nên chuẩn bị ao riêng, vừa để ương cá trước khi thả ra ruộng vừa để trữ cá trong trường hợp giá thấp.
Chú trọng “đầu ra”
Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp, diện tích đã thả nuôi cá ruộng trên địa bàn đạt gần 2.500ha và còn tăng do nhiều người đang hoàn tất thả nuôi vào cuối tháng. Ngoài Phụng Hiệp, 2 huyện Châu Thành A và Long Mỹ là hai địa phương có diện tích nuôi cá ruộng lớn ở Hậu Giang. Nuôi cá trên ruộng là mô hình dễ thực hiện, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn cung cấp phân hữu cơ cho vụ lúa kế tiếp, thay vì sản xuất lúa vụ 3 tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tình hình mưa bão diễn biến thất thường, dễ xảy ra ngập úng. Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý: Thường xuyên kiểm tra lưới bao xung quanh, hệ thống cống bọng, gia cố bờ bao để hạn chế sinh vật ăn cá vào ruộng và tránh tình trạng thất thoát cá trong suốt quá trình nuôi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tâm, Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, ngoài tuân thủ đầy đủ các biện pháp kỹ thuật để tránh thủy sản thất thoát ngoài tự nhiên trong suốt quá trình nuôi, người dân cũng cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin, nhu cầu thị trường để chọn loại cá nuôi thích hợp, có đầu ra ổn định ở thời điểm thu hoạch để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.