Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 7 năm 2020 | 23:15

Lợn lậu lại “nóng” trên tuyến biên giới Tây Nam

Lợi dụng tình hình khan hiếm, chênh lệch giá so với thị trường Campuchia, gần đây tình trạng buôn lậu lợn qua một số tỉnh ở ĐBSCL có dấu hiệu gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn.

bộ-đội-biên-phòng-an-giang-phát-hiện-bắt-giữ-vụ-vận-chuyển-lợn-lậu.jpg
6 tháng đầu năm 2020, Bộ đội Biên phòng An Giang bắt 13 vụ vận chuyển lợn lậu, với 176 con, tổng trọng lượng hơn 12,3 tấn.

 

Diễn biến phức tạp

Huyện An Phú (An Giang), có đường biên giới dài 42,5km, với 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ, địa hình đồng ruộng bằng phẳng, nhiều sông, kênh, rạch, đường mòn, lối mở, thuận tiện cho việc qua lại biên giới bằng đường sông và đường bộ. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển lợn lậu.

Theo ông Đoàn Bình Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, lượng lợn nhập lậu đi qua địa bàn trung bình từ 200 - 300 con/ngày, đêm. Lợn được tập kết tại các khu vực trên tuyến biên giới Campuchia, chờ điều kiện thuận lợi sẽ vận chuyển qua biên giới theo các kênh rạch, đường mòn. Trong quá trình vận chuyển luôn có lực lượng canh gác để báo tin né tránh.

Huyện An Phú đã đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc nhập lậu lợn qua biên giới. Đồng thời, đề nghị Chi cục Chăn nuôi và thú y thiết lập lại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 91C để kiểm soát từ An Phú qua TP. Châu Đốc.

Ngày 13/7, Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, BĐBP Đồng Tháp tiến hành tuần tra, mật phục trên sông Tiền tại địa phận ấp 1 xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp phát hiện 1 xuồng máy chạy từ hướng Campuchia vào Việt Nam. Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xuồng máy chở 20 con lợn (mỗi con có trọng lượng khoảng 80kg), tổng trọng lượng hơn 1,5 tấn.

Làm việc với lực lượng chức năng, đối tượng khai nhận tên Nguyễn Văn Được ở xã Vĩnh Hội Đông, (An Phú, An Giang) vào 23 giờ ngày 12/7/2020, đối tượng qua Campuchia chở 20 con lợn về Việt Nam đến khoảng 1 giờ 20 phút vừa qua biên giới thì bị lực lượng BĐBP bắt giữ.

Hiện, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước đã tịch thu tang vật, phương tiện hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc và bàn giao toàn bộ cho Ban chỉ đạo 389 huyện Hồng Ngự điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà (Cục Hải quan Đồng tháp) cho biết, mới đây trên kênh Tân Thành, cách sông biên giới Sở Hạ khoảng 800 mét về hướng Tân Hồng, thuộc khu vực ấp Thị, xã Thông Bình (Tân Hồng, Đồng Tháp), đơn vị chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang một chiếc phà gỗ chạy từ hướng biên giới sông Sở Hạ về hướng thị trấn Sa Rài huyện Tân Hồng. Trên phà chở 40 con lợn sống, trọng lượng trên 4 tấn, trị giá ước tính trên 320 triệu đồng.

Hai người trên phà là ông Trần Văn Dẽ và Lê Thành Tính cùng ở xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp khai nhận, số lợn trên được thuê vận chuyển từ khu vực sông biên giới Sở Hạ, tại bến lúa đường nước Mười Sương (thuộc địa phận Camphuchia) sau đó đi theo đường kênh Tân Thành (bửng Năm Hăng) về hướng thị trấn Sa Rài thì bị lực lượng kiểm soát kiểm tra bắt giữ.

 

hơn-4-tấn-lợn-nhập-lậu-từ-campuchia-về-việt-nam-bị-bắt-giữ.jpg
Hơn 4 tấn lợn nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà (Cục Hải quan Đồng tháp) bị bắt giữ. 
 

Riêng chủ hàng đã nhảy xuống kênh bỏ trốn khi bị lực lượng chức năng phát hiện, yêu cầu dừng phà để kiểm tra. Toàn bộ số lợn trên không có giấy tờ gì chứng minh hợp pháp, Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà đã ra quyết định tạm giữ và phối hợp với lực lượng chức năng điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường ngăn chặn lợn lậu

Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành chức năng đã phát hiện bắt giữ 26 vụ vận chuyển lợn lậu với tổng số lợn 229 con, trong đó, lực lượng biên phòng tỉnh bắt giữ 13 vụ với 176 con. Ngành chức năng đã xử phạt vi phạm chín vụ vận chuyển lợn với tổng số tiền hơn 56 triệu đồng.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh, do giá lợn hơi tại Việt Nam cao hơn tại Campuchia cho nên tình trạng nhập lậu lợn từ Campuchia vào nước ta ngày càng nhiều. Việc xử lý lợn nhập lậu gặp khó khăn do các địa phương khó tìm quỹ đất để tiêu hủy cũng như không bố trí được nguồn kinh phí cho công tác tiêu hủy lợn vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đội Biên phòng An Giang bắt 13 vụ vận chuyển lợn lậu, với 176 con, tổng trọng lượng hơn 12,3 tấn. Ngoài ra, còn phối hợp với Hải quan bắt 4 vụ, với 75 con, trọng lượng gần 7 tấn. Từ lời khai của các đối tượng buôn lậu lợn bị bắt giữ cho thấy, giá lợn giữa Việt Nam và Campuchia chênh lệch vài chục nghìn đồng/kg. Do vậy, cứ một tấn lợn hơi nhập lậu thành công các đối tượng buôn lậu sẽ thu về hàng chục triệu đồng.

 

can-bô-đôn-biên-phong-cưa-khâu-quôc-tê-thương-phươc-lây-lơi-khai-cua-chu-phương-tiên-vân-chuyên-lơn-lâu-anh-nguyên-phu-quy.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước (BĐBP Đồng Tháp ) lấy lời khai Nguyễn Văn Được chủ phương tiện vận chuyển lợn lậu vào lúc 23 giờ ngày 12/7, (Ảnh: Nguyễn Phú Quý).

 

Theo đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã và đang “căng sức” thực hiện nhiệm vụ kép trên tuyến biên giới. Toàn tuyến biên giới có 136 chốt Biên phòng; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu.

Hiện nay, hoạt động buôn lậu lợn của các đối tượng rất tinh vi, thay đổi nhanh theo tình hình và bất chấp mọi hậu quả, răn đe của pháp luật. Có trường hợp bị phạt hành chính đến 35 triệu đồng nhưng vẫn tiếp tục tái phạm vì lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển lợn lậu rất quá lớn.

Việc vận chuyển lợn lậu diễn ra từ khoảng 23h đến 3h sáng hôm sau. Các đối tượng vận chuyển thường dùng vỏ lãi chở từ 5-10 con lợn, len theo các kênh, rạch luồn qua biên giới và cập bến tại bất kì vị trí nào thuận tiện dọc theo các tuyến đường, để tránh lực lượng chức năng. Trong quá trình vận chuyển các đối tượng thường cử người theo dõi lực lượng chức năng để kịp né tránh.

Trước tình trạng buôn lậu lợn có diễn biến phức tạp, ngày 13/6, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng từ các nước vào Việt Nam.

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam…       

Hoàng Văn (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top