Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 9 năm 2021 | 8:32

Miền Trung ảnh hưởng thiên tai, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại

Do ảnh hưởng của cơn bão CONSON, các tỉnh miền Trung có mưa to đến rất to khiến các hồ chứa trên địa bàn đầy nước, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại. Các địa phương đang khắc phục để bảo đảm an toàn cho người và sản xuất.

Nghệ An bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước
 
Cơn bão số 5 – bão CONSON vừa qua đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta, gây mưa lớn tại các tỉnh này. Trong đó mưa lớn đã khiến nhiều hồ, đập của tỉnh Nghệ An mực nước tăng cao.
 
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa lớn nhỏ, trong đợt mưa từ ngày 8-10/9, có 38 hồ chứa đầy nước, trong đó có 18 hồ do doanh nghiệp thủy lợi quản lý, 20 hồ do địa phương quản lý.
 
Có 881 hồ chứa lớn, nhỏ mực nước đạt từ 40-70%, các hồ chứa trên chủ yếu nằm ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… Trong đó, có 2 hồ chứa lớn đạt mực nước đầy là hồ Sông Sào (Nghĩa Đàn) cao trình 73,75/75,74m, hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) đạt mực nước cao trình 16,53/21m.
 
1.jpgHồ chứa nước xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) đã đầy nước. Ảnh chụp ngày 13/9. Ảnh: Văn Trường
 
Do mưa lớn liên tiếp mực nước hồ chứa Sông Sào tăng lên, đạt ở cao trình 73,75/75,74m. Để đảm bảo công tác điều tiết nước hồ chứa trong mùa mưa lũ, trước đó, từ ngày 4-8/10 hồ Sông Sào đã cho xả 1 cửa tràn, lưu lượng xả 45 m3/s. Hiện nay mực nước lòng hồ đã trở về mức an toàn đạt cao trình 73m.
 
Để bảo đảm an toàn cho các đập, hồ nước, các đơn vị quản lý đã phân công cử cán bộ, nhân viên ứng trực, vận hành an toàn các hồ đập trong quá trình mưa lớn đang diễn ra. Ông Nguyễn Kim Thủy - Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi) cho biết: Để đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, các đơn vị thủy lợi tập trung vận hành điều tiết nước hợp lý đảm bảo an toàn hồ chứa. Trước khi xả tràn, đơn vị thủy lợi phải thông báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND cấp huyện và các xã liên quan trên địa bàn được biết nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
 
Nhiều địa phương bị cô lập do mưa bão
 
Hai huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện tình trạng ngập lụt cục bộ. Hệ thống cống tràn Sê Pu và ngầm tràn vào bản Tri, Cuôi (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa) bị sạt lở, cuốn trôi làm ách tắc giao thông. Lực lượng biên phòng đang khắc phục, làm cầu tạm để người dân lưu thông qua lại. Tại H.Vĩnh Linh, có hơn 500 ha lúa bị ngã đổ, nguy cơ mất trắng.
 
2.jpg
Đoạn tràn Ba Nga nối xã Jơ Ngây với Kà Dăng, H.Đông Giang (Quảng Nam) ngập sâu trong nước lũ.
 
 
Một số huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước lũ từ thượng nguồn đổ về chia cắt nhiều khu vực dân cư sinh sống. Tại các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, một số nơi nước lũ ngập sâu đến 1m, làm ảnh hưởng đến đi lại và cuộc sống của bà con nhân dân nơi đây.
 
Nhiều huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra tình trạng bà con dân tộc thiểu số bị kẹt lại trong nương, rẫy do không về kịp để phòng tránh mưa lũ như các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu, Hương Lộc, Thượng Lộ huyện Nam Đông. Theo lãnh đạo các huyện này cho biết, có 45 người bị kẹt trong rẫy, có 12 người bị mất liên lạc, nhưng đến nay toàn bộ số người này đã liên lạc được và an toàn.
 
Thiệt hại nhiều hoa màu của bà con nông dân
 
Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 5 đã làm cho nhiều diện tích hoa màu như ngô, lúa của bà con nông dân bị thiệt hại, tại huyệnVĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị có hơn 500 ha lúa bị ngã đổ, nguy cơ mất trắng.
 
3.jpgMột tuyến đường ở H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) bị sạt lở
 
Ở tỉnh Quảng Ngãi, bão số 5 khiến 25 nhà bị tốc mái ở các huyện Lý Sơn, Trà Bồng và Sơn Tịnh; gây ngập úng 897 ha lúa, 435 ha cây trồng hằng năm (ngô, mì) và hơn 150 ha hoa màu. Nhiều tuyến giao thông tại các huyện Bình Sơn, Ba Tơ bị hư hỏng, sạt lở nặng, nhất là tuyến quốc lộ 24 qua H.Ba Tơ. Tại Kon Tum, mưa lớn, nước lũ từ các sông suối dâng cao gây nhiều thiệt hại ở H.Tu Mơ Rông.
 
Mặc dù chân ruộng vẫn còn ngập sâu do mưa lớn nhiều ngày qua, nhưng ngay sau khi mưa có dấu hiệu giảm bà con nông dân xã Điện Quang, đã tranh thủ thu hoạch các ruộng bắp già rồi dùng ghe nhỏ và xe bò vận chuyển về nhà.
 
Ông Trần Văn Thuận ở thôn Xuân Kỳ (xã Điện Quang) cho hay, hè thu năm nay gia đình ông gieo trồng 6 sào bắp nếp trên cánh đồng Diễn Binh. Chiều qua 13.9, vợ chồng ông thu hoạch 2 sào bắp già, còn lại 4 sào bắp non (trái đang giai đoạn chín sữa) thì khoảng hơn 1 tuần nữa mới có thể thu hái.
 
4.jpg
Bà con nông dân Điện Bàn thu hoạch ngô sau bão.

 

Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn thông tin, khi cơn bão số 5 áp sát đất liền, toàn thị xã còn khoảng 67ha bắp (1.340 sào) chưa thu hoạch. Số diện tích vừa nêu tập trung chủ yếu tại các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng.
 
“Ngay sau khi mưa gió ngớt, từ sáng sớm hôm qua 13.9 đến nay, nông dân tất tả ra đồng tìm cách tiêu thoát nước cho những ruộng bắp bị ngập úng và khẩn trương thu hoạch các ruộng bắp đã già để hạn chế thiệt hại. Trong số 67ha bắp trên toàn thị xã, có khoảng 30% bắp nếp và 70% bắp lai. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên vụ này tư thương thu mua bắp nếp với mức giá giảm 25 - 30% so với hè thu năm ngoái” - ông Nguyễn Đức Chơi nói.
 
 

Bão số 5 làm 1 người tử vong và gây ra nhiều thiệt hại. Cụ thể, nạn nhân tử vong tại Kon Tum, do bị nước lũ cuốn trên đường đi làm về; tỉnh Quảng Ngãi có 5 tàu bị chìm; mưa bão làm tốc mái 59 nhà dân (nhiều nhất là Thừa Thiên-Huế 29 nhà, Quảng Ngãi 25…); gây ngập lụt, hư hỏng hơn 2.700 ha lúa và hoa màu (Quảng Bình 290 ha, Quảng Trị 450 ha, Quảng Ngãi 1.604 ha, Kon Tum 389 ha…); các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum xảy ra các sự cố công trình thủy lợi, sạt lở ách tắc nhiều tuyến đường giao thông.

 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top