Vậy là đã tròn một năm ngày nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng), nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, nguyên Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu về cõi vĩnh hằng. Với 91 năm sống, trên 70 năm cống hiến, ông Nguyễn Ngọc Trìu đã để lại những nền móng cơ bản cho nền nông nghiệp, nhất là mảng kinh tế vườn. Giờ đây, chắc hẳn ở một nơi xa, ông có thể yên tâm mơ về những khu vườn vĩnh cửu.
Ông Nguyễn Ngọc Trìu (thứ hai từ phải sang) cùng với đoàn cán bộ lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam thăm trang trại trồng bưởi Diễn ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu HLV
Nhiều năm làm phóng viên mảng nông nghiệp, tôi có vinh dự được đi công tác cùng các vị lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành nông nghiệp và may mắn có một số lần “thâm nhập thực tế” cùng ông Nguyễn Ngọc Trìu, khi ông là Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam.
Lần đó (hồi năm 2005), tôi là một trong số ít phóng viên đi cùng ông từ Hà Nội lên dự hội nghị tổng kết công tác của Hội Làm vườn tỉnh Sơn La. Ấn tượng đầu tiên của tôi - một phóng viên trẻ mới vào nghề, đó là một vị Chủ tịch đã 80 tuổi nhưng sức khỏe vô cùng dẻo dai, am tường về ngành nông nghiệp. Khi đi thăm mô hình trồng cây dó bầu xen sắn ở bản Hìn, phường Chiềng An (TP.Sơn La), mặc dù mô hình ở nơi địa hình đồi dốc, trơn trượt, nhưng ông vẫn phăm phăm leo lên đồi, hăng hái trao đổi với chủ trang trại Lò Văn Pâng để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình trồng cây dó bầu – một loại cây rất mới ở Sơn La thời điểm đó. Qua câu chuyện với Chủ tịch, tôi phần nào hiểu được những tâm huyết, mong muốn của ông đối với lĩnh vực kinh tế trang trại và mô hình VAC (vườn – ao – chuồng), với khát khao mong muốn bà con nông dân có thể làm giàu từ nghề vườn, bắt vườn tạp phải cho hoa thơm trái ngọt, bắt từng ao hoang, bờ giậu, đồi núi trọc phải “đẻ” ra tiền…
Từ hơn 30 năm trước, khi đó ông Nguyễn Ngọc Trìu đang là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, rồi Phó thủ tướng Chính phủ, ông đã ấp ủ ý tưởng thành lập một tổ chức hội nghề nghiệp để tập hợp những người có đam mê làm nghề vườn. Về ý tưởng này, ông Trìu cho biết, xuất phát từ mô hình “vườn cây – ao cá” của Bác Hồ, ông muốn cùng nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển thành một mô hình đa dạng hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn: Vườn – ao – chuồng (VAC). Theo đó, mô hình này không chỉ giúp nông dân đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, tự cung tự cấp thực phẩm cho gia đình, mà còn có sản phẩm đưa đi tiêu thụ. Đặc biệt, mô hình VAC có thể giải quyết tốt bài toán về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường, khi toàn bộ chất thải trong quá trình chăn nuôi có thể dùng bón cho rau màu, cây ăn trái. Và qua thực tế sản xuất hiện nay, người ta càng thêm khâm phục trí tuệ, đầu óc nhìn xa trông rộng của ông khi vấn đề an toàn thực phẩm vẫn luôn “nóng” trong từng bữa ăn của mỗi gia đình…
Khi Hội Làm vườn Việt Nam được thành lập (năm 1986), ông Nguyễn Ngọc Trìu đã luôn theo sát từng bước đi của Hội và kịp thời phát hiện những khó khăn, gian khó, động viên những nhân tố, điển hình mới trong phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại và tham gia vận động nhiều chính sách, cơ chế có lợi cho hoạt động của Hội. Nhờ đó, tổ chức Hội Làm vườn Việt Nam dần lớn mạnh, vươn tỏa khắp cả nước với gần 1 triệu hội viên.
Với mục tiêu ban đầu là đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn của mỗi gia đình, giờ đây mô hình VAC đã vượt ra khỏi những mảnh vườn, vuông ao chật hẹp, trở thành một loại hình kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu và mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước. Khi nền kinh tế đất nước chuyển sang kinh tế hàng hóa, ông Nguyễn Ngọc Trìu lại đi khắp nơi chỉ đạo các cấp hội, vận động bà con hội viên phải mở rộng quy mô VAC, đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, chuyển sang sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn, GAP để có thu nhập cao hơn…
Trong hơn 20 năm làm Chủ tịch Hội, tuổi đã cao ông vẫn tâm huyết với sự nghiệp “xóa đói giảm nghèo và làm giàu” cho nông dân. Ông đã đi khắp các vùng của đất nước, từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Ông từng ăn “mèn mén” với đồng bào H’mông, từng ngủ nhà sàn với đồng bào Thái, ở nhà Rông với đồng bào Tây Nguyên để tham quan, đánh giá những mô hình kinh tế điển hình của hội viên, động viên những sáng kiến và nỗ lực của họ, đến đâu ông cũng được đồng bào quý mến trân trọng.
Khi nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa và hội nhập, ông xác định: “Phải mở rộng quy mô VAC, tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng đầu tư vốn và cho phép thuê thêm lao động để mở rộng các trang trại thành VAC sản xuất hàng hóa” có giá trị thu nhập cao, vận động hội viên và hộ nông dân sản xuất nông sản thực phẩm theo hướng GAP để nâng cao giá trị sức cạnh tranh của sản phẩm, tiêu thụ tốt cả ở trong nước và nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ông Nguyễn Ngọc Trìu, sinh ngày 2/10/1926, quê quán xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá IV, V, VI; nguyên: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương (nay là Ban Kinh tế Trung ương); Đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII; Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam; Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. |
Ông nói: “Người nông dân làm nông nghiệp ở nông thôn phải làm giàu từ kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Nông nghiệp được cơ giới hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa, thương mại hóa góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn ngày một đổi mới và phát triển”.
Quả đúng như ông nói, tiềm năng kinh tế VAC, kinh tế trang trại trên mọi miền đất nước là vô cùng lớn. Từ mô hình kinh tế nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, giờ đây kinh tế VAC đã có bước phát triển vượt bậc, lên quy mô hàng hóa, đúng như kỳ vọng của vị chủ tịch giàu tâm huyết. Từ vùng vải thiều trải dài từ Thanh Hà (Hải Dương) đến Lục Ngạn (Bắc Giang) đến vùng vườn nhãn lồng Phố Hiến (Hưng Yên); từ vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bình Thuận đến những miệt vườn sum suê hoa trái ở Tiền Giang, Đồng Tháp,… Kinh tế VAC hình thành ngay cả ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phức tạp, khó khăn, với những “ biến thể” độc đáo như: vườn treo, vườn ụ, vườn giàn, vườn trên vùng cát,...
Khi còn trên dương thế, ông từng trăn trở về sự phát triển, về hướng đi mới của tổ chức HLV, của mô hình kinh tế VAC sao cho phù hợp với tiến trình phát triển chung của nền kinh tế. Ông mong nông sản của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thương trường quốc tế, đảm bảo chất lượng và lớn mạnh về số lượng. Giờ đây ước mơ của ông đã và đang trở thành hiện thực khi những trái vải, nhãn, thanh long, xoài, chuối của nông dân Việt đã đến được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ,… Chắc chắn mô hình kinh tế VAC sẽ còn lớn mạnh và phát triển hơn nữa bởi tiềm năng đất đai còn nhiều, bởi sức sáng tạo, sự cần cù của nông dân là bất tận.
Khánh Nguyên
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.