Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 14:19

Mong mỏi thoát những “cái thiếu” trước thềm năm học mới

Chỉ còn hai tuần nữa học sinh cả nước sẽ tưng bừng bước vào năm học mới.

Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều địa phương vẫn đang chật vật với nỗi lo làm thế nào để đáp ứng đủ cơ sở vật chất cho học sinh trước tình trạng nhiều trường quá tải. Hậu Covid-19, kinh tế khó khăn cũng khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu về các khoản thu và mua sách giáo khoa.

Mong mỏi của thầy,cô giáo

Từ ngày 1/8, giáo viên (GV) Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Bon  (Phù Yên - Sơn La) đã đến trường, chính thức chuẩn bị các công việc cho năm học mới. Hiệu trưởng Cầm Văn Thân cho biết, cùng với việc bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, thầy cô cũng rà soát cơ sở vật chất các điểm trường để có phương án tu sửa; vận động, tuyên truyền phụ huynh học sinh (HS) mua sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học mới.

Trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng cho khoảng 80% HS ở bán trú; 20% còn lại, nhà trường kết hợp với phụ huynh hợp đồng với nhà dân xung quanh, bảo đảm các em có chỗ ở phù hợp.

 

bảo-đảm-học-sinh-vùng-khó-khăn-có-đầy-đủ-sách-vở-đến-trường-là-trách-nhiệm-không-chỉ-của-riêng-ngành-giáo-dục.jpg
Bảo đảm học sinh vùng khó khăn có đầy đủ sách vở đến trường là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành Giáo dục.

 

Thầy Cầm Văn Thân chia sẻ, tin vui khi đã hoàn thiện phòng tin học với 30 máy tính. Vì chỉ có điểm lẻ ở cấp tiểu học nên năm học mới, HS lớp 3 sẽ được chuyển hết về học tại trường trung tâm để các em được thụ hưởng điều kiện dạy học tốt nhất. Với lớp 7, mọi điều kiện đã sẵn sàng vì đã có thời gian chuẩn bị từ triển khai chương trình mới lớp 6.

“Trước năm học mới, chúng tôi mong muốn được quan tâm, đầu tư thêm để tu sửa cơ sở phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học, vì với đặc thù của trường, nguồn xã hội hóa hầu như không có. Thêm nữa, mong sẽ được bố trí sớm nhất đội ngũ GV Tin học, Ngoại ngữ để sẵn sàng triển khai chương trình mới với lớp 3 tới đây”, thầy Cầm Văn Thân mong mỏi.

Với đặc thù 100% HS dân tộc, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Bon gặp khó trong việc huy động HS để bảo đảm tỷ lệ ra lớp cao nhất. Cùng với đó, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, đặc biệt các điểm trường lẻ đã xuống cấp; trang thiết bị dạy học phục vụ cho Chương trình GDPT 2018 cũng chưa đáp ứng đầy đủ...

Đối mặt với “3 thiếu”

Thầy Lưu Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân (Yên Bình - Yên Bái), cho biết, chỉ còn ít tuần nữa là năm học mới bắt đầu, bên cạnh chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nhà trường hết sức lo ngại khi thiếu GV đứng lớp, cũng như thiếu hụt lực lượng nhân viên làm việc tại các vị trí trong trường.

“Quy định một lớp học cấp trung học phổ thông có 2,25 GV, tuy nhiên, nhà trường không đủ điều kiện để đạt định mức do thiếu GV. Cụ thể, hiện trường có tổng 40 GV ở các môn học, thiếu 1 GV dạy Toán và 1 GV dạy tiếng Anh.

Mọi năm, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cắt cử GV của trường khác về trường để bổ sung nguồn lực giảng dạy. Tuy nhiên, do vị trí địa lý trường ở vùng cao, điều kiện kinh tế hạn chế nên khó thu hút giáo viên.

Bên cạnh “bài toán” thiếu GV môn Toán và tiếng Anh, vấn đề thiếu trang thiết bị dạy học cũng khiến nhà trường lo lắng. Những thiết bị dạy học trước đó không đáp ứng đủ khi áp dụng chương trình mới. Do đó, nhà trường mong muốn sớm được cấp trang thiết bị để thầy cô kịp tập huấn, làm quen, không bỡ ngỡ khi vào năm học”, thầy Lưu Trung Kiên chia sẻ.

Một thực trạng lo ngại nhiều năm qua là nhà trường thiếu trầm trọng đội ngũ nhân viên thư viện và y tế học đường. Do không có nhân viên y tế nên những trường hợp học sinh ốm đau, không may xảy ra tai nạn thương tích trong trường, sẽ không có đủ cơ số thuốc, nhân viên chuyên môn để kịp thời sơ cấp cứu mà phải đưa ra các bệnh viện lân cận.

 

gdvn-1-4437.jpg
Nhiều địa phương vẫn đang chật vật với nỗi lo làm thế nào để đáp ứng đủ cơ sở vật chất cho học sinh?

 

Tăng cường xã hội hóa, hỗ trợ công cuộc đổi mới

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai giảng dạy SGK các lớp 3, 7 và 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ SGK phục vụ nhu cầu của GV, HS theo số lượng các địa phương đăng ký.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết: Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, địa phương đã hoàn tất công tác lựa chọn SGK theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV đang được bồi dưỡng và hiện đã hoàn thành 6 mô-đun; còn lại 3 mô-đun thời gian tới sẽ hoàn thành, bảo đảm đội ngũ đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Về khó khăn, ông Đỗ Tường Hiệp chia sẻ, Đắk Lắk thuộc miền núi, địa bàn rộng; có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non, tiểu học. Các trường vùng thuận lợi cơ sở vật chất đáp ứng phần tối thiểu; nhưng trường ở vùng sâu, vùng xa thì còn nhiều khó khăn, đặc biệt thiết bị dạy học chỉ đáp ứng được một phần để triển khai chương trình mới. Với GV, địa phương đã bảo đảm được đội ngũ dạy ở tiểu học; còn GV dạy môn tích hợp, môn Âm nhạc ở THPT cần phải có sự chuẩn bị tiếp theo. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, đặc biệt là vùng khó.

“Ngành GD&ĐT sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh để có chủ trương đầu tư cơ sở vật chất; tăng cường xã hội hóa, đặc biệt trong kiểm định chất lượng và công nhận trường chuẩn quốc gia để huy động các nguồn lực cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ, tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, đáp ứng tốt nhất khi triển khai chương trình mới. Đẩy mạnh truyền thông để mọi người hiểu đổi mới chương trình, SGK là cần thiết, quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc của toàn xã hội để hỗ trợ cho công cuộc đổi mới này.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục gắn với đổi mới quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá… Phân cấp mạnh về quản lý, nêu cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục…”, ông Đỗ Tường Hiệp chia sẻ.

Cùng với nỗ lực của địa phương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk mong muốn Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sớm bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD&ĐT còn thiếu; bổ sung biên chế GV Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật để bảo đảm số lượng GV thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh kịp thời khắc phục khó khăn trong câu chuyện thừa, thiếu giáo viên, mong muốn chung của nhiều lãnh đạo trường trung học phổ thông của tỉnh Yên Bái là, những học sinh lớp 10 người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn được hỗ trợ về kinh phí để mua SGK Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Vừa qua, Sở GD&ĐT yêu cầu trường lập danh sách 3 HS có hoàn cảnh khó khăn để nhận SGK Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng thực tế, số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn rất nhiều, do đặc thù nhà trường ở miền núi. Mong muốn của trường là ngành GD&ĐT có thêm những chỉ tiêu tặng SGK để chung tay chia sẻ, giúp HS khó khăn có đầy đủ sách để học trước thềm năm học mới”, thầy Lưu Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân chia sẻ thêm.

Thầy Nguyễn Bá Khương Hiệu trưởng trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) cũng cho hay: “Điều lo lắng nhất là những vấn đề phát sinh khi năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10, lại thêm việc thay đổi với môn Lịch sử. Những khó khăn ban đầu là không thể tránh khỏi. Nhưng tôi tin với sự quan tâm của các cấp quản lý, nỗ lực của tập thể nhà trường, rào cản sẽ được tháo gỡ dần và mọi việc sẽ ngày càng tốt lên”.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top