Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 1 năm 2018 | 7:59

Một công trình lãng phí tiền tỷ

Với mục tiêu sản xuất giống cây cam, quýt và hồng không hạt chất lượng tốt, đáp ứng từ 70 đến 80% diện tích trồng mới từ năm 2015, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình tại hai vườn ươm trên địa bàn với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các hạng mục công trình đều bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, hư hỏng, lãng phí lớn.

Hệ thống nhà lưới được xây mới tại vườn ươm Cao Kỳ đến nay vẫn bỏ hoang.

Công trình xây xong... bỏ đó

Ngày 31-10-2011, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 2053/QÐ-UBND phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình sản xuất giống cam, quýt và hồng không hạt tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015. Tổng mức đầu tư là hơn 13,7 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng cơ bản hơn 9,3 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa tám nhà lưới, hai nhà kho và nhà đóng bầu, hệ thống điện, nước, đường giao thông, hàng rào và các công trình phụ trợ khác ở Vườn ươm xã Huyền Tụng (TP Bắc Cạn) và Vườn ươm Cao Kỳ (huyện Chợ Mới); vốn sự nghiệp hơn 4,4 tỷ đồng dùng để mua, chăm sóc vườn cây đầu dòng nhằm phục vụ cho việc khai thác mắt ghép hằng năm, xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống...

Mục đích đầu tư là rõ ràng và công trình cũng đã hoàn thành vào năm 2016, nhưng đến nay các hạng mục công trình xây dựng đều bỏ hoang, một số hạng mục thậm chí xây dựng không đúng quy cách được phê duyệt, sử dụng sai mục đích. Ðến Vườn ươm Cao Kỳ, chúng tôi thấy có tổng cộng sáu nhà lưới, trong đó có ba nhà lưới được đầu tư mới đều đang bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, lưới bị rách, nhà kho và nhà đóng bầu không sử dụng, hệ thống cấp nước gần như không hoạt động, rãnh thoát nước có biểu hiện hư hỏng. Ðáng chú ý, sáu nhà lưới (dùng để trồng cây đầu dòng lấy mắt ghép) đều không có quạt thông gió D500 mm ở hai đầu như phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Tương tự như vậy, hai nhà lưới được xây mới ở Vườn ươm xã Huyền Tụng cũng không có quạt thông gió ở mỗi đầu như phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Thạc sĩ Ðỗ Thị Thử, Phó phòng Kế hoạch (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn) được giao phụ trách Vườn ươm xã Huyền Tụng từ tháng 1-2017 thấy cả hai nhà lưới cỏ dại mọc um tùm gây lãng phí thì thuê người quét dọn dùng để... nuôi chim bồ câu, nhà còn lại dùng để... trồng hoa, rau xanh, nhà kho và nhà đóng bầu thì dùng để nuôi gà.

Việc tất cả các công trình được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để phục vụ việc sản xuất giống cây cam, quýt, hồng không hạt tại Vườm ươm Cao Kỳ và Vườm ươm xã Huyền Tụng với giá trị lên đến gần 10 tỷ đồng bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn, đã làm dư luận bức xúc.

Không có khả năng sản xuất giống

Thực tế các công trình được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để sản xuất giống cây cam, quýt và hồng không hạt từ khi xây dựng xong đến nay bỏ hoang dường như đã được dự báo trước. Bởi một số công trình xây dựng được coi là không cần thiết, lãng phí. Phụ trách Vườn ươm Cao Kỳ Ma Thị Xuân cho biết: "Việc xây dựng nhà kho và nhà đóng bầu là thừa, vì không ai vận chuyển đất vào nhà để đóng bầu, sau đó lại vận chuyển ra ngoài trời sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Các nhà lưới không có quạt thông gió, các ô trồng, chăm sóc cây giống đầu dòng được xây dưới đáy, bề rộng chừng 50 cm, dài khoảng 1,5 m, sâu 40 cm thì rất khó chăm sóc, cây giống không phát triển được, thậm chí mùa nắng nóng cây giống sẽ chết". Khi được giao quản lý, sử dụng Vườn ươm Cao Kỳ, không có vốn, chỉ có một mình, không biết làm thế nào để phát huy hiệu quả vườm ươm cho nên chị Xuân đã từng xin nghỉ việc.

Nên nói thêm là, những năm qua, Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh Bắc Kạn đã được vay 680 triệu đồng từ ngân sách tỉnh để làm vốn sản xuất, kinh doanh giống cây trồng rừng như keo, mỡ. Tuy nhiên, do không có năng lực, kinh doanh thua lỗ, đến nay Trung tâm vẫn còn nợ ngân sách tỉnh 450 triệu đồng và không có khả năng chi trả. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị này (tám người) được Nhà nước trả lương hằng tháng, nhưng chủ yếu làm công tác quản lý, hành chính, văn phòng, phục vụ, khả năng sản xuất cây giống và tiếp cận thị trường rất hạn chế. Việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp là keo, mỡ được coi là rất đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao mà đơn vị này còn làm ăn thua lỗ thì việc sản xuất giống cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật cao, quy trình nghiêm ngặt thì có lẽ là ngoài khả năng của đơn vị này. Vì thế, lý do mà UBND tỉnh Bắc Kạn chưa cấp hơn 4,4 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh Bắc Kạn để sản xuất giống cây cam, quýt, hồng không hạt, là do đơn vị này không có năng lực sản xuất giống. Hoạt động không có hiệu quả cho nên Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh Bắc Kạn đã bị giải thể, sáp nhập vào Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn từ đầu năm 2017, thời điểm các công trình sản xuất giống cam, quýt và hồng không hạt do Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư vẫn chưa quyết toán được.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn Ðỗ Xuân Việt chia sẻ: "Khi giải thể, sáp nhập Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh vào Trung tâm Khuyến nông, chúng tôi phải "gánh" nhiều hậu quả. Ðó là khoản nợ lớn mà Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh vay ngân sách đến nay không có khả năng chi trả; các công trình sản xuất giống cam, quýt và hồng không hạt là tài sản lớn nhưng đều "đắp chiếu". Vì hệ thống nhà lưới chưa phù hợp với quy trình sản xuất cây giống, việc lưu trữ cây giống đầu dòng để lấy mắt ghép rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật, công sức, vốn đầu tư lớn, trong khi nhu cầu giống trên địa bàn hiện nay không lớn như mấy năm trước và không thể cạnh tranh với các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. Có lẽ chúng tôi phải chuyển đổi công năng các công trình sản xuất giống cam, quýt và hồng không hạt sang làm việc khác để đỡ lãng phí nguồn vốn được đầu tư".

Việc các công trình sản xuất giống cam, quýt và hồng không hạt đến nay chưa được quyết toán mà đã có những biểu hiện hư hỏng, xuống cấp, lắp đặt thiếu hạng mục so với báo cáo kinh tế - kỹ thuật được phê duyệt đã gây bức xúc dư luận. Ðề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc tổ chức thiết kế, phê duyệt, đấu thầu, áp dụng đơn giá, xây dựng các hạng mục công trình một cách minh bạch, khách quan, trên cơ sở đó làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan trước khi có quyết định phê duyệt quyết toán đối với công trình không hiệu quả này nhằm tránh thất thoát, lãng phí thêm.

Theo Thế Bình/Nhân Dân

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top