Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2017 | 8:30

Mua hàng trực tuyến: Thị trường nông thôn đang bị bỏ ngỏ!

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây phát triển đều đặn với những bước tiến xa đã tạo điều kiện phát triển mảng mua sắm trực tuyến. Đây là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác cũng như mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp mới hướng đến thị trường các thành phố lớn mà quên mất rằng nông thôn là thị trường vô cùng tiềm năng.

Các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển mua bán trực tuyến ở thị trường nông thôn vì có rất nhiều tiềm năng.

Nông dân cũng thích

Có thể thấy, mua sắm trực tuyến mang lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng, như: tiết kiệm thời gian tối đa. Trong khi việc xếp hàng thanh toán tại các siêu thị, trung tâm mua sắm vào mỗi cuối tuần và sự đông đúc, ồn ào, chật chội đem đến nhiều mệt mỏi cho người tiêu dùng thì giờ đây chỉ với một cú click chuột hay một chạm nhẹ trên điện thoại thông minh - smartphone, người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua những mặt hàng mình yêu thích. 

Thêm vào đó, những dịp mua sắm cuối năm sẽ không còn là nỗi ám ảnh mua sắm khi người dùng có thể chủ động mua bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bất kể sáng sớm hay nửa đêm mà không lo sợ bị tắc nghẽn trong quá trình thanh toán.

Tại các thành phố lớn, cuộc sống bận rộn và hối hả, mỗi thời khắc đều là vàng bạc, mua sắm trực tuyến là giải pháp vô cùng tiện lợi và hữu ích khi ngày nay xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử cung cấp dịch vụ giao hàng siêu tốc, chính sách giao hàng 24h và cam kết minh bạch dựa trên khung giờ dự kiến, cước phí ưu đãi cũng như hoạt động cả vào thứ bảy, chủ nhật. Giá cả cũng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng. Thấu hiểu điều đó, các doanh nghiệp lớn không những mang đến mức giá cạnh tranh so với thị trường mà còn triển khai các chương trình quà tặng, ưu đãi hấp dẫn với lợi ích lâu dài. 

Nền kinh tế ngày càng phát triển đi kèm với những giải pháp thanh toán thuận tiện. Các ngân hàng đồng thời đưa ra các giải pháp thanh toán tiện ích như Mobile Banking, Internet Banking giúp cho khách hàng có thể nhanh chóng đặt mua các sản phẩm trên mạng một cách dễ dàng. 

Nếu ở các thành phố lớn, việc mua bán trực tuyến diễn ra dễ dàng thì ở nông thôn, “mua qua mạng” vẫn là điều gì đó xa vời và thiếu tính tin cậy. Từ trước đến nay, nông thôn luôn bị xem là thị trường khó tiếp cận với các trang bán hàng trực tuyến vì những nguyên nhân sau: Thứ nhất, xuất phát từ thói quen mua sắm truyền thống “sờ tận tay”. Thứ hai, người tiêu dùng tại những vùng miền này ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm công nghệ và các thông tin giảm giá của các trang bán trực tuyến.

Cuối cùng và quan trọng nhất là tâm lý mua sắm trực tuyến của nhiều khách hàng vốn được mặc định chỉ tại các thành phố lớn, hàng hóa của các trang sẽ khó được giao nhận tại vùng sâu, vùng xa. Vì thế, thị phần đầy tiềm năng này của thương mại điện tử Việt Nam hiện vẫn còn bỏ ngỏ dù ẩn chứa khá nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước.

Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn trái ngược, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc một DN kinh doanh nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhiều năm liền DN của ông chỉ chú trọng tìm kiếm thị trường nước ngoài, còn trong nước cũng chỉ tập trung vào thị trường thành thị mà bỏ qua hẳn khu vực nông thôn.

Rồi sau đó, ông nhận thấy, người tiêu dùng nông thôn cũng có nhu cầu về các sản phẩm chất lượng tốt không thua kém gì người tiêu dùng ở khu vực thành thị, vậy tại sao không quay sang thị trường này với một lượng dân số lớn giàu tiềm năng như vậy. 

Nghĩ là làm, ông Phi đã quay sang tìm hiểu thị trường nông thôn trong nước và tìm cách mở rộng kênh bán hàng đến nhiều địa phương, khu vực vùng sâu vùng xa. Kết quả, sau hơn 5 năm đi sâu vào thị trường trong nước và khu vực nông thôn, quy mô DN của vị giám đốc này đã được mở rộng hơn, doanh thu tăng lên gấp 10 lần.

“Đừng nghĩ người nông thôn họ chỉ tìm dòng sản phẩm phân khúc thấp giá rẻ, họ cũng rất chú trọng hàng chất lượng tốt, giá cao và có xuất xứ rõ ràng”, ông Phi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế không phải DN nào cũng có hướng đi giống như DN của ông Phi. Phần lớn các DN hiện nay chỉ chú trọng vào thị trường thành thị và xuất khẩu mà bỏ qua khu vực nông thôn. Điều này, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, các DN đang bỏ qua một thị trường giàu tiềm năng rất uổng phí.

Liên kết để xây dựng hệ thống bán hàng

Là một trong những đơn vị tiên phong của lĩnh vực thương mại điện tử, Lazada đang từng bước mở rộng quy mô thương mại tại vùng nông thôn và vùng sâu thông qua việc bắt tay hợp tác với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây. Thực tế, Lazada đã triển khai kế hoạch này từ năm 2015 với chương trình “Cách mạng mua sắm” kéo dài trong 1 tháng, đây chính là đợt giảm giá lớn của năm mang đến cơ hội mua sắm cho hàng triệu người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, dành cho khách hàng ở vùng nông thôn, đây là thời điểm để khách hàng tậu về những sản phẩm ao ước từ thiết bị công nghệ, điện tử gia dụng đến xe máy hay thời trang với giá vừa túi tiền.

Nhằm đem thêm nhiều lợi ích cho khách hàng, đặc biệt là với những đối tượng người tiêu dùng ở vùng sâu vùng xa, Lazada đã, đang và sẽ tiếp tục cộng tác và mở rộng hoạt động với nhiều đơn vị và các nhà bán hàng có chi nhánh tại địa bàn này. Nhờ vậy, khách hàng sẽ được hưởng nhiều lợi ích về giá thành và dịch vụ bảo hành.

Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, hiện tại, có hơn 90% hộ gia đình ở nông thôn sở hữu một chiếc tivi và 57% trong số đó có kết nối với hơn 10 kênh truyền hình. Bên cạnh đó, có hơn 90% người tiêu dùng nông thôn sở hữu một điện thoại di động và 50% trong số đó là smartphone. Không chỉ vậy, người tiêu dùng nông thôn khát khao được sống lối sống của người thành thị. Có khoảng 77% người tiêu dùng nông thôn muốn được thử sử dụng các sản phẩm mới và 95% đánh giá cao việc có nhiều loại sản phẩm để lựa chọn.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Trưởng Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho rằng, vấn đề của DN khi tiếp xúc thị trường nông thôn là phải xác định đâu là điểm cần tập trung bán hàng. Các nhà sản xuất không nên tham vọng phủ hàng hết các cửa hàng đang có ở thị trường nông thôn. “Việc hiểu rõ khách hàng nông thôn mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công” - ông Nguyễn Anh Dũng nói.

Kinh nghiệm thành công từ thị trường nông thôn, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho rằng, DN phải xây dựng chiến lược kinh doanh bằng cách xây dựng hệ thống phân phối, hệ thống bán hàng mới song song với các kênh quảng bá thương hiệu. Để khai thác tốt thị trường nông thôn, các DN khác ngành nghề nên liên kết để xây dựng hệ thống bán hàng.

Vì khi đã có hệ thống bán hàng xuyên suốt, DN sẽ ổn định sản xuất, tránh tình trạng lúc phải làm hết công suất nhưng lúc chẳng sản xuất được bao nhiêu. Như vậy vừa có đơn hàng tốt vừa giảm được chi phí quản lý. Bên cạnh đó, DN cần phải hiểu được nhu cầu, mức sống, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nông thôn để làm ra đúng sản phẩm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ với giá hợp lý.

Cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ và internet ở mọi vùng miền trên cả nước, mạng 3G và 4G ngày càng dễ tiếp cận tương thích với thiết bị di động tạo nên cơn sốt mới với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Các DN cũng nên tận dụng cơ hội và lợi thế này để thúc đẩy và mở rộng thị trường nông thôn, thậm chí xem đây là hướng đi quan trọng để nâng cao doanh số và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn.

Nông thôn chiếm 68% dân số và 54% doanh số hàng tiêu dùng nhanh, là cơ hội để DN mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên nhiều DN vẫn chưa thành công ở thị trường này, bởi mấy lý do:

Thứ nhất, chưa nghiên cứu kỹ để thấu hiểu khách hàng, từ đó chọn đúng phân khúc và sản phẩm phù hợp để tiếp thị và bán hàng. Nhiều DN thành công với những sản phẩm được ưa chuộng ở thành thị, nhưng lại thất bại ở nông thôn. Trong khi nhiều tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc, Nhật Bản lại tỏ ra nhanh nhạy khi tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng nên việc đưa hàng về nông thôn ít gặp trở ngại.

Thứ hai, thị trường nông thôn đòi hỏi đầu tư nguồn lực tốn kém, nhất là nhân sự, nên nhiều DN hạn chế thông tin, làm giảm hiệu quả kinh doanh lâu dài. Phần lớn DN theo lối tư duy cũ, lỗi thời là ủy thác cho đại lý mà thiếu “cánh tay nối dài” trong việc chăm sóc khách hàng.

Thứ ba, chưa khai thác tốt kênh truyền thông online trong khi ngày càng nhiều khách hàng sử dụng internet và smartphone. Theo điều tra, hiện nay ở nông thôn có 22,5 triệu người sử dụng Facebook và ở thành thị là 23,5 triệu người. Đó là cơ hội lớn cho DN trong việc xây dựng kênh bán hàng thông qua online, kể cả bán hàng online.

Thứ tư, nhiều DN dựa vào sự khen chê theo cách truyền miệng mà thiếu chủ động truyền thông về hàng hóa nên kết quả kinh doanh được chăng hay chớ. Thông điệp trung thực, phù hợp, không mang tính chủ quan là một yếu tố quan trọng để hàng hóa tiêu thụ tốt ở nông thôn.

Nguyễn Tố (tổng hợp)

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • HLV và TT Thanh Hoá: Giúp hội viên xây dựng thương hiệu nông sản, hướng đến xuất khẩu

    HLV và TT Thanh Hoá: Giúp hội viên xây dựng thương hiệu nông sản, hướng đến xuất khẩu

    Xác định xây dựng mã số vùng trồng, trồng trọt theo quy trình VietGAP sẽ giúp nông sản tăng sức cạnh tranh; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dễ dàng tiêu thụ, từ đó nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, Hội Làm vườn và Trang trại (HLV-TT) tỉnh Thanh Hoá đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Top