Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 11 năm 2021 | 10:17

Mùa hoa Tết, người trồng mai... hồi hộp

Chỉ hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, nhà vườn trồng hoa ở Phú Yên, Bình Định đang tích cực chăm sóc mai để cho ra những chậu hoa đẹp phục vụ thị trường.

Tuy nhiên, lượng hoa năm nay sẽ giảm mạnh do người dân trồng cầm chừng, không dám đầu tư vì sợ dịch bệnh Covid-19 khó tiêu thụ.

Tích cực chăm sóc, tạo thế cho mai

Đang chăm sóc vườn hoa mai của gia đình để chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán - 2022, ông Nguyễn Văn Hà (Bình Kiến, TP. Tuy Hoà, Phú Yên) chia sẻ: “Năm ngoái gia đình trồng 1.500 chậu mai nhưng nay giảm còn 700 chậu. Ngoài ra, còn gần 1.500 gốc mai nữa còn nhỏ nên phải qua sang năm tôi mới bán được. Thời gian này, gia đình đang tích cực chăm sóc để mai phát triển tốt”.

Theo ông Hà, mấy năm trước, lượng mai nhiều, gia đình không đủ nhân công làm, phải thuê thêm lao động chăm sóc, tạo dáng để cho ra những chậu mai đẹp. Nhưng năm nay, lượng mai giảm nên chỉ có vợ chồng và đứa con trai phụ làm. Hiện nay, công đoạn cắt tỉa cành nhánh đã xong, chỉ còn chờ đến cuối tháng 11 âm lịch sẽ nhặt lá mai để chờ hoa bung nở. Dự định vậy nhưng việc nhặt lá còn phải phụ thuộc vào thời tiết; bởi nếu nhặt lá sớm mà trời nóng thì mai nở sớm; còn trời lạnh mà nhặt lá trễ, mai lại không nở kịp.

Tương tự, chị Võ Thị Hạnh, người trồng mai trong vùng, cũng tâm sự: Số mai tồn đọng năm ngoái trong vườn nhà tôi khoảng 500 cây, dự kiến được tiêu thụ trong dịp cuối năm nay. Với số lượng trồng ít hơn mọi năm nên các chủ vườn tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng hoa với hy vọng bán được giá. Cái dễ của hoa mai khác với cây quất hoặc hoa cúc là ở chỗ, nếu năm nay bán không được thì mình đem về nhặt lá dưỡng cây, tưới nước, bón phân để bán năm sau, nhưng sẽ tốn chi phí nên phần nào bà con cũng giảm diện tích trồng.

Theo chị Hạnh, năm vừa rồi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhà vườn tiêu thụ không được, hàng có ra được cũng rất chậm nên năm nay không dám mạnh dạn trồng số lượng nhiều như mọi năm.

 

20210125_101339.jpg
Nông dân trồng hoa mai buộc định vị các cành mai để tạo dáng cho cây.

 

Nỗi lo “đầu ra”

Chỉ sẻ với phóng viên vì sao lượng hoa mai năm nay tất cả các vườn hoa đều giảm, ông Nguyễn Văn Hà bộc bạch, ngoài nỗi lo về thời tiết bất lợi do bão lũ xảy ra liên tục, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã phần nào ảnh hưởng đến kinh tế cũng khiến người trồng hoa lo lắng về sức tiêu thụ hoa Tết - không có “đầu ra”.

“Vào thời điểm này năm trước, thương lái từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh về vườn đặt cọc hoa mai Tết, nhưng năm nay thì chưa thấy bóng dáng ai, cũng không có cuộc điện thoại nào. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên họ e ngại sức tiêu thụ chậm dẫn đến lỗ. Tôi còn nhớ như in dịch bệnh Covid-19 năm ngoái không diễn ra phức tạp nhưng mai Tết ế không tả nổi”, ông Hà buồn rầu nói.

Theo ông Nguyễn Bình Huân, người trồng mai ở xã Hoà Kiến (TP. Tuy Hòa), năm nay thời thiết thất thường, thường xuyên mưa lũ, nên lá mai già sớm hơn. Để khắc phục điều này, nhà vườn trồng mai đang tích cực chăm sóc bằng cách bón thêm phân, phun thuốc để bảo vệ nụ, giúp lá không rụng. Đồng thời, để kịp cho thương lái đến chọn mai đặt hàng, nhà vườn tập trung ở khâu chỉnh đọt, tạo tán cây, sửa cành, nhánh và phun thuốc ngừa sâu bệnh.

“Chúng tôi trồng mai từ bao đời nay, “sinh nghề tử nghiệp” với cây mai, nên nếu không tiếp tục trồng mai thì không biết làm nghề gì khác. Vì vậy, tùy tình hình từng năm mà nhà vườn tăng giảm số lượng cho phù hợp. Tính chi li tất cả các khoản đầu tư cho một chậu mai trong 1 năm thì giá bán ra phải từ  400.000 đồng đến  1 triệu đồng/chậu, tuỳ loại (chưa tính cây giống và công nhà chăm sóc). Nếu không tiêu thụ được thì trắng tay là cái chắc, bởi các khoản chi phí, như chậu, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giá ngày càng tăng cao”, ông Huân nói.

Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên, cho biết, nhà vườn trồng mai tại Phú Yên chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Nghề trồng hoa mai Tết đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân ở địa phương nhiều năm nay nhưng 2 năm gần đây, do tác động từ dịch Covid-19 khiến người trồng thất thu. Hy vọng dịch được kiểm soát để nhà vườn có cái Tết đủ đầy.

Hồi hộp kỳ vọng vụ hoa Tết

Nhiều chủ vườn “vựa mai” thị xã An Nhơn (Bình Định) cũng hết sức lo lắng, nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thì thị trường tiêu thụ mai trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 sẽ ảm đạm hơn năm ngoái. Mai không bán được, đồng nghĩa sẽ còn lưu vườn, công sức và tiền của đầu tư cho những cây mai từ đầu năm đến nay của các chủ vườn sẽ lại trở nên “công cốc”.

Trong khi đó, thị xã An Nhơn hiện có khoảng 1.500 hộ dân trồng mai cảnh trên diện tích 145 ha với khoảng 2 triệu chậu mai  nhiều độ tuổi, tập trung tại các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh và phường Bình Định. Có nhà vườn chuyên trồng mai bonsai, có nhà vườn chuyên trồng mai chợ.

Chưa kể những ngày cuối tháng 10 vừa qua, trên địa bàn thị xã An Nhơn có mưa lớn kéo dài, khiến nước sông Kôn dâng cao, tràn vào làm ngập nhiều ruộng mai. Trong những ngày này, anh Lê Văn Phúc ở xã Nhơn Phong phải cấp tập di chuyển 1.500 chậu mai dự kiến  xuất bán trong Tết Nguyên đán  từ ruộng lên chỗ cao hơn để tránh ngập lũ mà lòng đầy kỳ vọng, mai không bị hư hại.

Ông Đặng Trường Sanh, nguyên Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Thị xã An Nhơn cho biết: Mai cảnh trồng ở thị xã An Nhơn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường miền Bắc và miền Nam vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Dù năm nay kinh tế suy thoái, dịch bệnh chưa được khống chế, nhưng nhà vườn vẫn nỗ lực chăm sóc để có những cây mai đẹp nhất, cho hoa đúng độ và hy vọng mai cảnh có một vụ Tết “ấm hơn”.

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top