“Khi chính thức đi vào hoạt động, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) nhận bàn giao từ các huyện Mường Chà (5 xã) và Mường Nhé (10 xã, trong đó có 8 xã mới chia tách ra từ 4 xã) với 80% số hộ nghèo. Tuy vẫn là huyện nghèo, rất khó khăn, nhưng các chương trình đầu tư, chính sách hỗ trợ cùng cuộc vận động giảm nghèo của huyện đã tạo ra những thay đổi tích cực”, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết.
Phát triển chăn nuôi đại gia súc là một trong những ưu tiên của huyện Nậm Pồ để phát triển kinh tế.
Ông có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của huyện trong công tác giảm nghèo?
Theo tôi, kết quả giảm nghèo phụ thuộc nhiều vào sản xuất và thị trường; kết quả đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ, phúc lợi, chính sách xã hội. Những điều kiện đó là tiền đề để chuyển hóa tư duy của người dân từ phụ thuộc, bị động, lạc hậu sang chủ động vươn lên tìm việc làm, chuyển đổi sản xuất cho phù hợp. Vì vậy, huyện quan tâm một số yếu tố chính sau:
Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng: giao thông thuận lợi, đảm bảo điện lưới cho nhân dân; thuỷ lợi phục vụ sản xuất; các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, đầu mối thương mại phục vụ mua bán và tiêu thụ hàng hoá; cơ sở giáo dục, văn hóa, y tế. Nhu cầu đầu tư này rất lớn, không thể 5 hay 10, 15 năm đáp ứng được nên trong 4 năm qua, sự đầu tư này chú trọng vào sự thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tạo các trung tâm giao thương lớn trong huyện như: Nà Hỳ, Chà Cang, Si Pa Phìn.
Tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức tới thực tiễn sản xuất của nhân dân. Trước năm 2014, nhân dân sản xuất tự cung tự cấp. Đến nay, sản xuất của nhân dân đã gắn với thị trường, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo thị trường, từng bước hạn chế đất rừng làm nương, chuyển đổi mô hình sản xuất trên nương, nhiều nơi nhân dân đã bắt đầu quản lý rừng được giao, tăng cường sản xuất dưới tán rừng. Lao động trong huyện cũng đang từng bước tiếp cận thị trường, người lao động bắt đầu biết tìm việc làm phi nông nghiệp ở ngoài huyện (mặc dù chưa sẵn sàng đi xuất khẩu lao động). Những chuyển biến này đang mới trong quá trình chuyển động, thay đổi tư duy nên kết quả còn chưa rõ nét.
Đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và các chính sách an sinh xã hội.
Sự nghiệp giảm nghèo là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị, của từng người dân, nên Đảng bộ, chính quyền các cấp phải huy động toàn xã hội vào cuộc, tạo nên cuộc vận động sôi nổi, toàn diện, gắn giảm nghèo với XDNTM.
Đâu là những sáng tạo, cố gắng của huyện nhà, thưa ông?
Đảng bộ huyện Nậm Pồ xác định, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ những ngày đầu, huyện tập trung xác định các tiềm năng, lợi thế và tập trung khai thác nguồn lực này. Trong đó, đối với lợi thế về đất đai, huyện tập trung ngăn chặn có hiệu quả di cư tự do để phát triển rừng và chăn nuôi đại gia súc.
Đối với lợi thế về rừng, huyện tập trung làm tốt công tác giao đất giao rừng cho nhân dân hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rừng là tài sản sinh lợi của hộ gia đình và cộng đồng nên phải tập trung bảo vệ rừng cùng tài nguyên dưới tán rừng, trồng thêm các loại cây dược liệu để làm giàu thêm tài nguyên rừng.
Về sản xuất, huyện tăng cường vận động khai hoang ruộng bậc thang, phát động trồng cỏ cho chăn nuôi đại gia súc, phát giống cỏ không lấy tiền cho nhân dân; triển khai xã điểm về XDNTM - xã Chà Nưa (năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 16%).
Đầu tư, tập trung cho các công trình thiết yếu, cấp bách nhất, tạo chuyển biến căn bản về cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, đảm bảo đường giao thông đến các xã, bản thuận lợi, chỉnh trang cơ bản trụ sở xã để đảm bảo điều kiện làm việc và nâng cấp hiện đại hóa các quy trình giải quyết công việc của xã.
Xin cảm ơn ông!
Từ năm 2013 - 2017, đàn gia súc của Nậm Pồ tăng 13.342 con, diện tích đất trồng lúa nước tăng 392,1ha; sản lượng lương thực có hạt tăng 3.637,4 tấn. Diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt 58.906,08ha; đã giao 51.972,92ha rừng. Năm 2016, toàn huyện có 9.421 hộ, trong đó 67,97% hộ nghèo; năm 2017, tỷ lệ này là 64,42%. |
Đỗ Hùng (thực hiện)
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.