Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 2020 | 14:59

Nan giải chuyện rác ở Hương Khê

Đi trên trục đường chính vào trung tâm thị trấn Hương Khê (Hương Khê - Hà Tĩnh) bắt gặp điểm tập kết rác nằm chất đống hai bên đường nồng nặc mùi hôi thối, ruồi muỗi bay nhặng.

Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Bao giờ mới có lời giải cho bài toán rác thải ở Hương Khê?

 

tr28.jpg
Phối cảnh dự án khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê nhưng thiếu đi sự quyết liệt của chính quyền, sự đồng thuận của bà con nhân dân địa phương nên dự án vẫn… đang nằm trên giấy.

 

Rác bủa vây phố núi

Theo phản ánh của người dân thị trấn Hương Khê, vài ngày không được thu dọn thì rác ở đây cứ chất đống chẳng khác nào những ngọn núi nhân tạo. Trời mưa nước chảy đen ngòm ra đường, còn trời nắng thì bốc mùi nồng nặc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Bà Trần Thị Hoàn, TDP 11, bức xúc: “Sống ở gần trung tâm hành chính của huyện mà bãi tập kết rác nằm cách nhà chưa đầy 30m. Hàng ngày luôn bị tra tấn mùi hôi thối, ruồi nhặng tấn công. Nhà cửa làm kiên cố ở đây giờ chẳng lẽ chuyển đi nơi khác, kêu mãi cũng chẳng ai nghe. Hồi năm ngoái nghe nói xây dựng nhà máy xử lý rác, mừng quá, nhưng tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải, thời gian qua, UBND huyện và UBND thị trấn Hương Khê đã trích ngân sách để thuê các đơn vị môi trường chở rác đi xử lý; số tiền thuê xử lý rác từ đầu năm 2018 đến nay hơn 3,5 tỉ đồng.

“Đây là số tiền phải bỏ ra rất lớn so với điều kiện thu ngân sách của huyện. Điều đáng nói, đây cũng chỉ mới là giải pháp tạm cho bài toán xử lý rác thải trên địa bàn Hương Khê”, Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê Nguyễn Xuân Quyền cho biết.

Theo tính toán, lượng rác thải trung bình năm của giai đoạn 2019 – 2033 của thị trấn Hương Khê và 8 xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Thủy, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình) khoảng 7.535 tấn/năm (20,6 tấn/ngày).

 

tr29.jpg
Rác thải nằm ngổn ngang bên hành lang trục đường Hồ Chí Minh qua thị trấn huyện Hương Khê.

 

“Hiện, lượng rác thải này chưa có giải pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Do đó, việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung tại địa bàn là rất cần thiết và cấp bách”, ông Quyền cho biết thêm.

Vì sao chưa có lời giải?

Cuối năm 2017, UBND huyện Hương Khê khảo sát, lập dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vùng Khe Nác, xã Gia Phố. Tuy nhiên, quá trình triển khai không được người dân đồng thuận vì lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Đầu năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện Hương Khê tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy.

Theo đó, khu xử lý có tổng diện tích 14.143m2, sử dụng Lò đốt SANKYO GF 1500 công suất 1.000kg/giờ, công nghệ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư 23.317 triệu đồng.

Dự án được phê duyệt, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải đã có hướng xử lý. Nhân dân khấp khởi vui mừng, chính quyền địa phương thở dài nhẹ nhõm. Thế nhưng... vì những vướng mắc không đáng có, sau gần 2 năm, công trình vẫn nằm trên... giấy!

“Tôn trọng ý kiến của người dân, UBND huyện đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng sang khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy (vị trí số 1). Mọi công đoạn chuẩn bị: Báo cáo nghiên cứu khả thi; đánh giá tác động môi trường; thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; lựa chọn nhà thầu, bồi thường, hỗ trợ GPMB đã được UBND tỉnh phê duyệt”, Phó trưởng BQL Xây dựng cơ bản huyện Hương Khê Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Thế nhưng, khi bắt tay triển khai, dự án lại phải tạm dừng vì người dân phản đối, cho rằng vị trí đó không phù hợp, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Theo đó, một số hộ dân 2 xã Hương Thủy, Gia Phố đề nghị chuyển vị trí vào vùng Trọ Khướu - Trao Tráo thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy (vị trí số 2 - cách vị trí đã được phê duyệt khoảng 400m).

 

tr29a.jpg
Trung bình mỗi ngày, riêng thị trấn Hương Khê thải ra 12 - 13 tấn rác nhưng không có “đầu ra” nên phải chất đống bên đường.

 

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN&MT cùng UBND huyện Hương Khê đã mời Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị độc lập) để trực tiếp khảo sát, đánh giá khách quan giữa 2 vị trí nêu trên.

Giải pháp công nghệ đã được khẳng định, vị trí xây dựng đã được xác định với đầy đủ các luận cứ khoa học, công tác giải phóng mặt bằng đã xong. Thế nhưng, khi nhà thầu bắt tay vào thi công công trình Khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê thì một số người dân lại tiếp tục ngăn cản với lý do: “không đảm bảo môi trường”.

Dù rằng, yếu tố đó đã được các ngành chuyên môn và cao nhất là Viện Công nghệ Môi trường của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khảo sát, đánh giá và loại trừ. Phải chăng, đây chỉ là nguyên cớ mà họ cố vin vào để phục vụ cho mục đích khác?!

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn khẳng định: “Đây là khu xử lý chất thải rắn với đầy đủ quy trình, công nghệ tiên tiến chứ không phải là bãi tập kết rác nên vấn đề an toàn môi trường luôn đảm bảo. Những thông tin này, chính quyền địa phương đã cung cấp đầy đủ đến tất cả các hộ dân và được đại đa số người dân trên địa bàn đồng thuận. Vì vậy, điều cần nhất lúc này là sự chia sẻ, đồng thuận của người dân địa phương để dự án sớm triển khai đúng tiến độ”.

Đã gần 3 năm trôi qua, dự án đã có, thế nhưng chỉ vì thiếu đi sự quyết liệt của chính quyền, đối với sự ngăn cản thiếu căn cứ của bộ phận nhỏ người dân địa phương nên bài toán xử lý ô nhiễm rác thải trên địa bàn Hương Khê đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Rác vẫn chất đống hai bên đường rất phản cảm và người dân sống cạnh bãi tập kết rác “bất đắc dĩ” vẫn khổ sở vì ô nhiễm môi trường..

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng 5 gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

Top