Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2019 | 15:44

Nền văn hóa 4.0 và Tâm của người làm báo

Trong xu thế hội nhập, báo chí có nhiều lợi thế, tuy nhiên, người làm báo cũng phải đối mặt với nhiều chông gai, thử thách. Khó khăn lớn nhất là “vượt qua chính mình”.

1.jpg

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), tôi có dịp trò chuyện cùng PGS. Bùi Thiện Dụ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHDL Phương Đông. Câu chuyện được xoay quanh vấn đề “Tâm thế của người làm báo thời đại kỷ nguyên số - CMCN 4.0”.

Ông chia sẻ về nền văn hóa 4.0, về tâm thế người làm báo và những tố chất cần có trong con người làm báo…

Nền văn hóa 4.0

Theo PGS. Bùi Thiện Dụ, công dân bình thường trong thời 4.0 thì phải có đủ vốn kiến thức phần cứng và phần mềm tối thiểu, đặc biệt báo chí thì càng lớn hơn nữa. Nhưng cái quan trọng nhất, công dân, người làm báo phải làm chủ được văn hóa của cách mạng 4.0. Chúng ta đã có một loạt văn hóa như: văn hóa lúa nước, văn hóa nông nghiệp, văn hóa công nghiệp thời sơ khai, và hiện nay đã và đang tiến dần tới văn hóa thành phố công nghiệp hiện đại... Ở các nước phát triển, họ đã bắt đầu văn hóa công nghiệp thời hiện đại. Nền văn hóa 4.0 đòi hỏi phải có tính trung thực, tính nhân bản.

Nền văn hóa nào cũng cần trung thực và nhân bản nhưng nền văn hóa 4.0 càng quan trọng vì tác động của nó lan tỏa rất nhanh, tốc độ rất nhanh, rất rộng. Thế cho nên, trách nhiệm của người cung cấp thông tin càng lớn hơn. Ai cũng cần trung thực và nhân bản nhưng đối với nhà báo thì quan trọng hơn vì tốc độ lan tỏa rất rộng và sẽ tạo thành hiệu ứng.

 Tất nhiên, những thuộc tính khác nữa như chính xác, kịp thời … nhưng phải xuất phát từ nhân bản và trung thực. Phải nhanh nhưng chính xác. Vì hậu quả của nó khác hẳn với những nền văn hóa khác, nền văn hóa 4.0 thì tốc độ rất nhanh nên không thể điều chỉnh được. Năm 2020 là hiện đại hóa, là công nghiệp và hiện đại là để đuổi kịp các nước nhưng chúng ta không thể đi tắt được.

Có Tâm thì mới có Tầm

“Có Tâm, có Tầm ắt có vị thế”, PGS. Bùi Thiện Dụ khẳng định. Ở xã hội Việt Nam, nhà báo chân chính phải có Tâm - có Tầm. Nhà báo không có tài thì không nên làm nhà báo mà hãy chọn cho mình công việc phù hợp với khả năng.

Nhà báo phải có tài, đặc biệt là phải có bản lĩnh. Ví dụ muốn viết về một hiện tượng như tham nhũng, thì xã hội người ta cũng biết nhờ có truyền thông ( internet, Face book...). Tuy nhiên, viết thế nào, định hướng ra sao, nhà báo nào viết vào lòng dân nhất, khía cạnh tài năng và bản lĩnh được thể hiện trong bài viết đó.

Nhà báo có Tầm chính là viết làm sao để cộng hưởng với lòng dân. Cộng hưởng với hoàn cảnh xã hội, là mục tiêu, để mọi người cảm thấy đây là tiếng nói của mình và của trái tim mình, sự cộng hưởng của tình cảm và trí tuệ, để biết mình nên phanh phui một vụ việc như thế nào? Nên dừng lại ở đâu.

Nhà báo phải dũng cảm

Theo PGS. Bùi Thiện Dụ, từ bản lĩnh sinh ra dũng cảm, bởi báo chí được ví như chiến sĩ thời bình, tác nghiệp tại những điểm nóng, những nơi mà quá nhiều mặt trái của xã hội đang tồn tại… Không chỉ chịu sức ép và áp lực lớn về thời gian công việc mà đôi khi còn chứa đựng cả nguy hiểm.

Với tốc độ của truyền thông như hiện nay, thông tin phải kịp thời, chính xác… Tính chất công việc đòi hỏi người làm báo phải xông pha vào cuộc sống, qua đó góp phần củng cố sự đoàn kết toàn dân, tạo dũng khí, chí khí, tạo động lực cho công dân dám đứng lên tố cáo những việc làm sai trái của cá nhân, tổ chức nào đó và nhà báo chính là cầu nối nhằm lan tỏa rộng rãi khiến cho các thế lực đen tối phải chùn bước.

PGS. Bùi Thiện Dụ cũng nhấn mạnh: “Làm báo cũng rất cần có giác quan phân tích tình hình, phân tích các luồng thông tin đang tràn lan trên mạng xã hội, để nắm bắt đâu là thông tin hữu ích cho xã hội, đâu là thông tin không trung thực, thiếu sự kiểm chứng, tránh sa đà nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận”.

 

Ngọc Thủy – Tuệ Linh
Ý kiến bạn đọc
Top