Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 3 năm 2018 | 20:49

Ngang nhiên chiếm đất của Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cần xử lý nghiêm

Sau Tết, Công ty Cao su Hà Tĩnh chưa kịp trồng lại diện tích cao su bị đổ gãy do bão số 10/2017 thì từ ngày 1 - 5/3, gần 100 người dân thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh ngang nhiên đưa keo lên trồng.

Năm 2017, tâm bão số 10 đổ bộ vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó có hàng trăm hecta cao su bị đổ gãy. Để kịp thời khắc phục những thiệt hại do bão gây ra, nhằm tiếp tục ổn định đi vào sản xuất, Nông trường Cao su Kỳ Lạc (thuộc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh) tiến hành thanh lý số cây cao su bị đổ gãy; đồng thời phát dọn 31ha để trồng tái canh rừng nguyên liệu. Thế nhưng, trong khi Công ty chưa kịp trồng thì từ ngày 1- 5/3, xuất hiện trên 100 người dân thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc thi nhau cướp đất, đào hố trồng keo trên diện tích 31ha do Công ty quản lý. 

csu5.jpg

 Gốc, cành cao su thanh lý chưa hết đất đã bị chiếm để trồng keo

 Biến đất công thành đất tư?       

Năm 2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Công ty Cao su Hà Tĩnh 1.390ha đất hoang hóa tại xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh) để trồng mới cao su và trồng cây lâm nghiệp. Đến năm 2004, tại Quyết định số 713-QĐ/UB-NL3, Cty được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích trên. Sau khi nhận bàn giao đất, doanh nghiệp đầu tư trồng cao su và cây lâm nghiệp. Thời kỳ đầu cây cao su phát triển tốt nhưng quá trình sinh trưởng gặp phải thời tiết khắc nghiệt, gây thiệt hại lớn nên năm 2009 Cty làm các thủ tục giao trả lại cho chính quyền địa phương gần 600ha. Diện tích còn lại Cty quản lý, sử dụng là 798,09ha. Trong đó, cao su hơn 231ha; rừng trồng nguyên liệu 418,2ha; đất phi nông nghiệp 12,5ha và đất khác hơn 135ha.

Cuối năm 2017, cơn bão số 10 quét qua Kỳ Lạc đã làm đổ gãy hàng chục hecta cao su tại các lô 3.1, 3.2, 3.3, 3.4 thuộc tiểu khu 402. Để khắc phục hậu quả, Cty Cao su Hà Tĩnh tiến hành thanh lý diện tích cao su bị thiệt hại; đồng thời, khai hoang 31ha để trồng tái canh rừng nguyên liệu. Thế nhưng, Cty chưa kịp trồng thì từ ngày 1-5/3/2018, gần 100 người dân thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc ngang nhiên đưa keo lên trồng trên diện tích do Cty quản lý.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng giám đốc Cty Cao su Hà Tĩnh, bức xúc: “Tranh chấp đất nhỏ lẻ chúng tôi đã từng gặp và xử lý rất dễ dàng nhưng ngang nhiên lấn chiếm quy mô lớn, có tổ chức như thế này thì chúng tôi chưa từng thấy”.

Cụ thể, sáng 1/3, 32 người dân thôn Lạc Thanh đưa keo vào trồng tại lô 3.1, tiểu khu 402. Phát hiện sự việc, Cty phối hợp với chính quyền xã, lực lượng công an tuyên truyền, vận động ngừng việc chiếm đất nhưng người dân không chấp hành. Trong ngày này, có khoảng 7ha bị lấn chiếm. Ngày 2/3, số người tham gia trồng keo trên đất của Cty Cao su Hà Tĩnh tăng lên 90 người. Đến ngày 3/3, đoàn làm việc của Cty và chính quyền huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Lạc, Công an huyện tiếp tục lên hiện trường tuyên truyền, vận động nhưng bất thành, diện tích bị lấn chiếm trong ngày 3/3 tăng thêm 5ha.

“Trước khi đoàn làm việc đến, bảo vệ Cty thực hiện trách nhiệm của mình đã nhổ khoảng 0,1ha keo người dân trồng và chặt gãy khoảng 2.500 cây trồng trái phép trên đất Cty. Sự việc trở nên phức tạp nên chúng tôi đã lập biên bản theo yêu cầu của dân. Biên bản này cũng nêu rõ, trong quá trình chờ cơ quan chức năng giải quyết, người dân và Cty không được trồng keo trên diện tích đã khai hoang. Tuy nhiên, những ngày sau (4-5/3), bà con vẫn tiếp tục bất chấp pháp luật đem keo lên trồng kín 31ha đất của Cty”, ông Nguyễn Khánh Toàn nhấn mạnh. 

cs8.jpg
Quyết định cấp giấy CNQSDĐ tại xã Kỳ Lạc cho Cty

Ông Nguyễn Thái Toàn, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc, khẳng định, việc một bộ phận người dân thôn Lạc Thanh trồng cây trên đất đã cấp cho Nông trường cao su Kỳ Lạc là sai. “Đất đã cấp cho Cty thì Cty sử dụng, dân vào trồng trên đất của Cty là sai”, ông Toàn nói.

Lãnh đạo Cty Cao su Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện theo quan điểm của địa phương là tuyên truyền, vận động, tránh để xảy ra xung đột nhưng vụ việc không có biến chuyển. Tỉnh Hà Tĩnh cần xử lý dứt điểm vụ việc này, tránh để xảy ra tiền lệ xấu”. Đồng thời cho biết, Cty Cao su Hà Tĩnh sẵn sàng đền bù phần cây đã nhổ và trả tiền giống cây, công trồng cho người dân. Còn nếu tỉnh có chủ trương khác, muốn thu hồi đất thì cũng phải có ý kiến rõ ràng, Cty sẵn sàng thực hiện.

Sau khi vụ việc xảy ra, Cty Cao su Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. UBND tỉnh ngay sau đó ban hành văn bản, chỉ đạo UBND huyện Kỳ Anh chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương và chủ rừng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật về quản lý đất đai, nghiêm cấm việc tự ý lấn chiếm đất trái pháp luật. Đồng thời, tổ chức lực lượng ngăn chặn kịp thời các đối tượng vi phạm; lập biên bản vi phạm, xử nghiêm, bắt buộc những kẻ xâm phạm phải khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho Cty Cao su Hà Tĩnh. 

ht.jpg
UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý kiến nghị của Cty Cao su Hà Tĩnh.

Nếu cần sẽ cưỡng chế

Đó là khẳng định của ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh về giải pháp xử lý vụ việc trên. Theo đó, lý do người dân biện minh cho hành động sai phạm trên là vì năm 2009 Cty Cao su Hà Tĩnh trả lại hơn 600ha đất rừng cho UBND xã nhưng xã không thông báo đến dân; nguyên nhân tiếp theo là Cty Cao su Hà Tĩnh trồng keo được thì dân cũng trồng keo được.

Ông Nguyễn Thái Toàn khẳng định, sau khi Cty cao su trả đất, xã đã giao lại hết cho bà con. Tổng diện tích xã giao đến thời điểm này là hơn 2.400ha; bình quân mỗi hộ có 2ha đất sản xuất. Riêng thôn Lạc Thanh, diện tích bình quân/hộ cao nhất toàn xã. Còn lý do Cty cao su trồng keo, người dân hiểu rất rõ việc đưa keo lên trồng trên đất doanh nghiệp quản lý là sai nhưng họ vẫn làm. “Quan điểm của xã là sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc này”, ông Toàn nói.

Trao đổi qua điện thoại, Trưởng thôn Lạc Thanh Lê Đại Thành nhấn mạnh: “Dân tuy có bức xúc nhưng việc đem keo lên trồng trên đất Cty cao su là sai hoàn toàn. Tôi cho rằng, giải quyết việc này phải làm theo đúng tinh thần chỉ đạo cấp trên. Quyền lợi nào thuộc về dân thì chia cho dân, còn đất giao cho Cty có bìa đỏ thì phải để Cty quản lý, sử dụng”. Ông Thành cũng cho biết, những diện tích đất Cty cao su Hà Tĩnh trả lại vào năm 2009, xã và thôn đã làm thủ tục chia cho dân sản xuất.

Hiện, Công an xã Kỳ Lạc đã vào cuộc điều tra làm rõ các đối tượng nghi vấn, cầm đầu. Tuy nhiên, phía Công an huyện Kỳ Anh cho rằng: “Vụ việc mới xảy ra nên đang nằm ở mức nắm tình hình. Cơ quan điều tra chưa vào cuộc nhưng nếu có vấn đề phức tạp, có dấu hiệu tội phạm, sẽ vào cuộc điều tra ngay, tránh để xảy ra điểm nóng, gây mất an ninh trật tự”.

Được biết, khoảng tuần qua, chính quyền huyện Kỳ Anh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân xã Kỳ Lạc trả nguyên trạng diện tích đất lấn chiếm của Cty Cao su Hà Tĩnh. Theo ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện, chính quyền địa phương mong muốn người dân tự giác khắc phục sai phạm nhưng nếu tuyên truyền, vận động không thành,  lực lượng chức năng sẽ thực hiện cưỡng chế.

“Hơn 798ha đất khu vực dân trồng keo thuộc thẩm quyền quản lý của Cty Cao su Hà Tĩnh. Theo Luật Đất đai, doanh nghiệp được quản lý, sử dụng và sản xuất, kinh doanh. Việc người dân tự ý vào trồng keo trên phần đất này khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Huyện Kỳ Anh sẽ xử lý nghiêm vụ việc, tinh thần là sai đến đâu xử lý đến đó, đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo đồng thuận để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển”, ông Bùi Quang Hoàn nói.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng giám đốc Cty Cao su Hà Tĩnh, cho biết: “Theo quy định pháp luật, Cty không phải đền bù hay thỏa thuận gì với người dân nhưng chúng tôi sẵn sàng tính giá trị công lao động, cây giống để chi trả cho bà con. Vụ việc đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty, nay UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo rất cụ thể, đề nghị huyện Kỳ Anh và các lực lượng chức năng xử lý dứt điểm vụ việc trong thời gian sớm”.

 

 

 

Anh Bình
Ý kiến bạn đọc
Top