Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 11 năm 2021 | 22:53

Ngành chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác đá trái phép

Trước tình trạng khai thác đá trái phép ở nhiều địa phương đang ngày một phức tạp, mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần vào cuộc, xử lý mạnh tay, nhưng dường như vẫn không thể hạn chế được tình trạng này.

Khai thác đá đem đi bán trái phép
 
Trên địa bàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang xảy ra tình trạng đáng báo động, khi doanh nghiệp ngang nhiên đào đồi núi trái phép để khai thác đất, đá xây dựng đi bán.
 
Những đoàn “xe vua” chạy rầm rập cả đêm lẫn ngày, gây hư hỏng đường và mất an toàn giao thông. Trong khi đó, chính quyền từ cấp huyện đến cấp xã đều nói không hay biết, cho là bà con san gạt đất để làm nông nghiệp công nghệ cao.
 
Thực trạng, tại thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), từng đoàn xe tải chở đất, đá có gắn logo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch Vụ Quốc Khánh (gọi tắt là Công ty Quốc Khánh) nối đuôi nhau chạy trên đường. Qua đó, phát hiện ngọn núi phía trong đã bị khoét hết ruột, chỉ còn phần vỏ bên ngoài, nếu đứng từ ngoài đường nhìn vào sẽ khó phát hiện. Tại khu vực khai thác rộng khoảng 3.000m2 là 2 chiếc máy múc đang cần mẫn làm việc.
 
55d1f0eb4da9a4f7fdb8.jpg
Toàn cảnh mỏ khoáng sản khai thác trái phép ở thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: TTXVN)
Những chiếc xe ben nối tiếp nhau vào ra, chở đất và đá chẻ đi về hướng các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương... phục vụ nhu cầu đổ đất, xây dựng công trình. Từ bên ngoài đi vào qua một khe nhỏ do đào núi mà có, phía bên trong mở ra một bãi đất rộng hàng ngàn m2, xung quanh bao bởi những vách lớn bị đào nham nhở, để lại những vách núi bao quanh cao từ 15-20m. Nhiều đống đá xanh chất lượng cao được tách ra từ lòng núi nằm ngổn ngang trên mặt đất.
 
Anh Đ.T.H, một người dân sống ngay bên cạnh khu vực này cho biết, anh làm vườn ở đây đã lâu. Cách đây khoảng 2 năm, nhiều người đem máy múc, máy khoan và xe vận tải vào đây khai thác đất đá.
 
Mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe chở đất đá nối đuôi nhau chạy ra. Xe chạy cả ngày đêm, gây hư hỏng đường và ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân ở đây đã phản ánh lên chính quyền xã, nhưng không có ai xử lý...
 
Thông tin báo chí, ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tu Tra cho hay, “trên địa bàn, xã không cấp phép cho đơn vị nào khai thác khoáng sản. Nơi đó là của người dân được huyện cấp phép cho san, gạt đất để làm nông nghiệp công nghệ cao, có thể còn có dôi dư chút đất đá nên họ chở đi đổ.
 
Trước đây, Ủy ban Nhân dân xã cũng đã phát hiện có Công ty Quốc Khánh chở đất, đá ra khỏi khu vực, Ủy ban Nhân dân xã đã lập biên bản xử phạt vài lần. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này không còn hoạt động tại địa bàn nữa".
1be8bfd20290ebceb281.jpg
Bên trong lòng núi đã bị khoét hết đất đá. (Ảnh: TTXVN)
Liên quan đến giấy phép san gạt, hồ sơ xử phạt những người vi phạm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tu Tra đã cung cấp một quyết định và biên bản xử phạt ông L.T.B về hành vi tự ý làm biến dạng diện tích 156m2, nhưng địa điểm vi phạm này lại ở thôn Đa Hoa chứ không phải thôn Cầu Sắt, nơi có mỏ đất đá đang hoạt động.
 
Được biết, mỏ khoáng sản trái phép trên địa bàn thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra cũng như nhiều mỏ trái phép khác trên địa bàn huyện Đơn Dương đã hoạt động từ nhiều năm nay.
 
Những người khai thác khoáng sản tại các địa điểm này cho máy móc hoạt động công khai ngày đêm. Mỗi ngày hàng trăm lượt xe vận tải lớn chở đất, đá chạy nhộn nhịp, tung bụi mù trên đường, làm các tuyến đường trên địa bàn hư hỏng nghiêm trọng.
 
Phương thức hoạt động của các doanh nghiệp này là chọn các ngọn núi, quả đồi đất xấu, không có người làm vườn, để múc đất, đào đá đem bán. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép từ nhiều năm nay mà chính quyền địa phương không biết, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
 
Mặt khác, đây cũng là nguồn đất đá để nhiều người sử dụng, đổ xuống xâm lấn trái phép lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi tại địa phương mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng.

Ngăn chặn khai thác đá trái phép

Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vừa lập biên bản vi phạm, tạm giữ một số tang vật, phương tiện là xe cuốc, xe máy đào, xe tải và các dụng cục đục đá, đồng thời tạm ngưng tất cả các hoạt động tại đây để điều tra, xử lý về hành vi khai thác đá trái phép.

Trước đó, ngày 1-11, Công an huyện đã phối hợp với UBND xã Xuân Tâm kiểm tra tại thửa đất số 8 (tờ bản đồ số 20, ấp 7, xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) và phát hiện có 3 công nhân gồm: Võ Hồng Phước (44 tuổi), Nguyễn Quốc Việt (49 tuổi), Lê Dương (36 tuổi, cùng ngụ xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) đang sử dụng máy khoan đục các tảng đá lớn thành các viên đá nhỏ. Tại hiện trường, công an phát hiện có 120 viên đá chẻ.

 

images2412855_h_nh_2_xe___o_cu_c__san_l_p__c_i_t_o____ng_v_o_khu_khai_th_c___.jpg
Xe máy đào thực hiện việc cuốc, cải tạo đường vào khu khai thác đá.

Cách hiện trường khai thác đá, lực lượng phát hiện ông Nguyễn Tuân (49 tuổi, ngụ tại TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) đang điều khiển 1 xe máy đào cuốc san đường, cải tạo lối vào khu khai thác đá.

Tiếp tục điều tra, cơ quan chức năng phát hiện cách đó khoảng 500m, có một nhóm công nhân gồm 5 người đang đang sử dụng máy khoan đục các tảng đá lớn thành các viên đá nhỏ, tại hiện trường có  60 viên đá chẻ.  Bên cạnh đó, có hai người khác đang bốc các viên đá đã khoan đục lên xe tải ben biển kiểm soát 60C-442.00 do anh Lê Văn Dương (25 tuổi ngụ TT. Gia Ray, H.Xuân Lộc) điều khiển. Trên thùng xe có 600 viên đá chẻ. Qua làm việc, tất cả công nhân đều khai nhận được người khác thuê làm việc tại đây.

Xử phạt và buộc nộp lại gần 800 triệu đồng

Vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Công ty TNHH Đá Hóa An 1 vừa bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 200 triệu đồng và buộc phải nộp lại gần 600 triệu đồng do thu lợi bất hợp pháp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh vừa ký ban hành Quyết định số 4213 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đá Hóa An 1 (địa chỉ ở DHA, C1-IDICO, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Hóa An, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản với số tiền 200 triệu đồng vì khai thác khoáng sản vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác.

 

8e1a0faab5e85cb605f9.jpg
Công ty Đá Hóa An 1 bị xử phạt và buộc nộp lại gần 800 triệu đồng


Cụ thể, Công ty TNHH Đá Hóa An 1 đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là lập bản đồ hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt thể hiện không đầy đủ theo quy định và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản; Khai thác khoáng sản vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác, với tổng khối lượng đã khai thác là 77.151,6m3; Khai thác không đúng chiều cao tầng, góc nghiêng sườn tầng.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu buộc Công ty TNHH Đá Hóa An 1 cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Cùng với đó Công ty TNHH Đá Hóa An 1 phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện vi phạm hành chính để sung công quỹ là 594 triệu đồng.

Góc nhìn pháp lý

Sự việc này đã gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi sinh và môi trường. Vậy, các đối tượng khai thác đá  trái phép, không phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Lương Thành Đạt, Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho hay, theo quy định tại Điều 59, Điều 64, Điều 82 luật Khoáng sản 2010, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải được đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trường hợp các cá nhân, tổ chức khai thác trái phép khoáng sản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Hành vi khai thác đá bạc nếu tùy vào số lượng và giá trị của khoáng sản làm căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Căn cứ Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh nếu có đủ căn cứ, có thể khởi tố vụ án hình sự theo Điều 227 Bộ luật Hình sự (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên) với khung hình phạt tiền tới 5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 7 năm.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự quy định, người nào vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trong đất liền, nội thủy mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 

21-1615278774-ls-luongthanhdat-1024x892.jpg
Luật sư Lương Thành Đạt, Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis.



Tại Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự cũng quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên.

"Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh điều tra và đây sẽ là cơ sở để tiến hành giải quyết vụ việc theo các quy định pháp luật hiện hành", Luật sư Đạt bày tỏ.

Luật sư Đạt cho rằng, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian kéo dài, nhiều điểm mà không xử lý kịp thời, trước tiền cần xác định trách nhiệm quản lý của UBND cấp huyện, UBND cấp xã ra sao. Phải đặt dấu hỏi về nguyên nhân, do buông lỏng quản lý, bao che, thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hay có vấn đề gì khác.

"Cần xử lý nghiêm người đứng đầu, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý khi để xảy ra hoạt động khai thác trái phép. Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép", Luật sư Đạt nêu ý kiến.

Cũng theo Luật sư Đạt, việc khai thác khoáng sản trái phép, bừa bãi cùng với việc khai thác quá mức không những làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước mà còn ảnh hưởng rất xấu đến môi trường xung quanh.

Đất đá thải trong khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không khí, do nhiễm bụi ở các khu dân cư ở trong vùng khai thác. Việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên, tác động đến cảnh quan, tích tụ hoặc phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng…

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top