Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 2020 | 14:16

Ngành Du lịch nỗ lực hồi phục sau Covid 19

Trong khi Việt Nam cơ bản ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh tại khu vực và thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thì du lịch nội địa chính là đòn bẩy vực dậy ngành du lịch.

vuon-trai-cay-can-tho-10.jpg
Các địa phương cần chú trọng, kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch. Trong ảnh: Du lịch miệt vườn ở Cần Thơ hút khách.

 

Thiệt hại nặng nề

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 - 2018, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần hai lần, từ 8 triệu lượt lên 15,5 triệu lượt và tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới; khách nội địa cũng tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lượt lên 80 triệu lượt vào năm 2018; đóng góp 8,4% vào GDP. Năm 2019, tiếp tục đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, lượng khách quốc tế đạt trên 18,008 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, với mức tăng 16,2% so với năm 2018.

Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 cũng lên đến 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018. Với những bước tiến vượt bậc đó, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm rất mạnh, từ khoảng 1,9 triệu lượt vào tháng 1 xuống chỉ còn hơn 400.000 lượt vào tháng 3. Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ “ra lệnh” tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3, nên lượng du khách đến nước ta liên tục giảm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người; trong tháng 5 chỉ đạt 22,7 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm tới 98,3% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam (có ý kiến cho rằng, trong tháng 4 và tháng 5, không có khách nước ngoài đến Việt Nam với mục đích đi du lịch). Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các địa phương đẩy mạnh du lịch nội địa

Để thu hút khách du lịch nội địa, thực hiện chiến lược phục hồi nền kinh tế ngay trong và sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch các địa phương đã và đang nỗ lực mở cửa trở lại các dịch vụ, khu vui chơi giải trí, tổ chức các festival, quảng bá các điểm du lịch của địa phương.

Là thành phố trẻ nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là vùng đất mới giàu tiềm năng du lịch so với các tỉnh, thành trong khu vực, thời gian qua, Cần Thơ đang nỗ lực tập trung khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

TP. Cần Thơ đã xây dựng tour - tuyến du lịch mới đưa vào khai thác trên địa bàn: Bến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng - Trạm dừng chân Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ Ecolodge; triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”. Tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả các công trình, di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư gắn với phát triển du lịch như Đền thờ Châu Văn Liêm, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền…

Tương tự, tỉnh Lào Cai  cũng vừa công bố chương trình kích cầu du lịch “Mùa hè Sa Pa năm 2020”, có 82 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành và du lịch trên địa bàn sẽ tham gia chương trình kích cầu du lịch trong dịp hè năm 2020 với tên gọi “Mùa hè Sa Pa 2020”.

Chương trình diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội hoa hồng và rượu vang Sa Pa; Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2020; Giải Marathon vượt núi quốc tế VMM tại Sa Pa; Giải Marathon vượt núi Bắc Hà lần thứ nhất 2020; Festival tinh hoa Lào Cai tại thành phố Lào Cai; Lễ hội mùa thu Y Tý tại huyện Bát Xát; Giải đua xe đạp quốc tế với tên gọi: Một đường đua 2 quốc gia Lào Cai - Việt Nam - Hồng Hà - Trung Quốc.

 

tr36.jpg
Movenpick Resort Cam Ranh thu hút đông khách du lịch nội địa.

 

Không chỉ các ban ngành hỗ trợ địa phương đẩy mạnh du lịch nội địa, các doanh nghiệp cũng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

Nói về sự dè dặt của khách du lịch, một số chuyên gia cho rằng, lo ngại về sức khoẻ là nguyên nhân chính gây ra tâm lý hoang mang cho khách hàng. Do vậy, các địa phương cần có biện pháp để trấn an tâm lý du khách.

Sở Du lịch cần phối hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp chống dịch trong tình hình mới như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở; đeo khẩu trang và bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc… Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành và điểm tham quan du lịch nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho du khách.

Liên kết để cùng bứt phá

Để phát triển du lịch bền vững, việc tạo ra mối liên kết du lịch giữa các địa phương với nhau là một giải pháp tối ưu ngay lúc này.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. HCM, tiềm năng phát triển du lịch của vùng Đông Nam bộ rất lớn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, sự gắn kết, liên kết giữa các địa phương chưa cao. Các địa phương cần chú trọng, kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch xây dựng, làm mới những sản phẩm hiện có để phục vụ khách du lịch tốt hơn.

Các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết, mỗi địa phương trong vùng đều có những nét riêng, tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn. “Nhiều điểm đến quen thuộc như làng bưởi Tân Triều, tòa thánh Cao Đài, núi Bà Đen, khu căn cứ Tà Thiết, Trung ương Cục Miền Nam, biển Vũng Tàu... khi kết nối lại sẽ giúp sản phẩm không bị trùng lặp. Mỗi điểm đến sẽ phát huy được hết giá trị và tạo nên hứng thú cho du khách”, ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện TST, thành viên trong đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm liên kết cho biết.

Đề cập đến giải pháp để hoạt động liên kết du lịch đạt hiệu quả hơn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù hơn, tổ chức đón các đoàn khảo sát khám phá các điểm du lịch mới; yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch làng nghề, sinh thái ở khu vực ngoại thành.

“Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điểm đến, ngành Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa, ẩm thực; hoạt động vui chơi cộng đồng; tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch để tăng tính tương tác với du khách khi đến Hà Nội”, ông Trần Trung Hiếu cho biết.

 

 

Nguyễn Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng 5 gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

Top