Mường Chà là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên.
Học sinh Trường PTDTBT tiểu học Ma Thị Hồ trồng rau phục vụ cho chính bữa ăn của mình.
Thầy Đinh Khắc Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, cho biết, để nâng cao chất lượng dạy và học, những năm gần đây, quy mô và hệ thống trường lớp được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn. Hiện, toàn huyện có 45 trường thuộc Phòng quản lý với 708 lớp và 14.803 học sinh, trong đó có 16 trường mầm non, 16 trường tiểu học và 13 trường THCS.
Đặc biệt, ngành rất quan tâm xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Toàn huyện hiện có 17 trường PTDTBT (THCS có 9, tiểu học có 8 trường) với 6.499 học sinh và 25 trường có học sinh bán trú, trong đó tiểu học 14 trường, THCS 11 trường; số học sinh bán trú tại các xã đặc biệt khó khăn là 3.507 em (tiểu học 1.571 em, THCS 1.936 em) , góp phần duy trì tốt kế hoạch phổ cập giáo dục, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc.
Các đơn vị trường đã cố gắng trong việc tăng cường tiếng Việt và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án dạy tiếng Thái tại 2 trường, 6 lớp, 121 học sinh; tiếng Mông tại 5 trường, 28 lớp, 636 học sinh.
Cùng với việc dạy chữ, các trường có học sinh bán trú và các trường PTDTBT đã quản lý tốt việc ăn ở sinh hoạt của học sinh; thường xuyên kiểm tra đôn đốc học sinh vệ sinh cá nhân và vệ sinh khu nội trú; xây dựng và tổ chức thực hiện theo thời gian biểu hàng ngày nâng cao chất lượng học tập, đảm bảo tốt hơn việc ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh nội trú; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ, tạo sân chơi cho học sinh bán trú; hướng dẫn học sinh tự tổ chức lao động sản xuất nhằm cải thiện bữa ăn, mua sắm đồ dùng sinh hoạt cho học sinh.
Ngoài ra, Phòng còn chỉ đạo các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, xây dựng môi trường học tập thân thiện, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp..., những việc làm đó đã góp phần không nhỏ trong việc huy động học sinh ra lớp và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Riêng với công tác phổ cập giáo dục, ngay từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường tổ chức điều tra cập nhật dữ liệu vào phần mềm phổ cập; kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập cấp xã, xây dựng hệ thống hồ sơ đảm bảo đúng quy định; tự kiểm tra các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập, lập hồ sơ đề nghị UBND huyện kiểm tra công nhận.
Hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà có 1.574 cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên. Số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 100%, không có giáo viên dưới chuẩn về trình độ chuyên môn.
Thầy Nghĩa cho biết thêm, những điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của ngành là, đã có 20 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Trong năm học 2016-2017 sẽ có thêm 4 trường nữa đạt chuẩn, trong đó có 2 trường THCS, 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non. Ngoài ra, huyện Mường Chà cũng đạt chuẩn phổ cập THCS từ năm 2008, đến nay vẫn được duy trì (trong đó có 10/12 xã đạt mức độ 2; 1 xã đạt mức độ 1; 1 xã đạt mức độ 3), với mục tiêu năm 2017 huyện đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Tuy nhiên, do số trường học có cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn quốc gia còn chiếm tỷ lệ cao (25/45 trường), các trường này đa số tập trung ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi nên việc huy động học sinh ra lớp ở một số đơn vị chưa đạt chỉ tiêu, kế hoạch. Tuy vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Mường Chà quyết tâm khắc phục khó khăn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, góp phần vào ước mơ xây dựng một tương lai tươi sáng cho những người con vùng đồng bào dân tộc.
Bích Ngọc