Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 1 năm 2019 | 15:9

Ngày xuân về Cổ Đạm nghe hát Ca trù

Tôi bước đi trong hàng dương lặng lẽ để thấy những đổi thay trên mảnh đất Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sắp sửa vào Xuân. Cổ Đạm, cái tên làng gợi nhiều liên tưởng.

Và trong ý nghĩ của riêng tôi, bao giờ Cổ Đạm cũng hiện lên rõ nét nhất, tròn trịa nhất bởi miên man, dìu dặt từng khúc trầm phổ bởi buông lơi, níu kéo từng điệu Ca trù…

 

catru2.jpg
Dòng chảy Ca trù vẫn được các thế hệ ở Cổ Đạm gìn giữ và phát triển.

Đất Ca trù

Chuyện kể rằng, xưa dưới chân núi Hồng Lĩnh có chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thủy với tiếng hát cây đàn.

Có lần chàng đi sâu vào núi Ngàn Hống gặp được hai vị tên là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quài, được tiên ông cho một mẩu gỗ ngô đồng và bản vẽ cây đàn. Về nhà, chàng theo mẫu làm thành cây đàn gọi là đàn đáy; khi cất lên, chim, cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe. Với cây đàn, chàng đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát làm say đắm lòng người mà ngày nay vẫn gọi là Ca trù.

Có lần, chàng đến châu Thường Xuân (Thanh Hóa). Viên quan châu ở đây tên là Bạch Đình Sa có nàng con gái tên gọi Bạch Hoa, tuổi tròn đôi mươi mà chưa biết nói. Khi nghe tiếng đàn Đinh Lễ, cô gái đang ăn cơm liền lấy đũa gõ vào mâm theo nhịp tiếng đàn. Quan châu cho mời Đinh Lễ vào nhà đàn hát và khi dứt tiếng đàn, Bạch Hoa cất lên được tiếng nói.

Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng. Từ đó đất này thịnh hành lối hát gọi là Ca trù. Vào thế kỷ XVII, Ca trù rất thịnh hành và đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ, Ca trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ. Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, Ca trù chìm lắng dần. Cuối thập niên 1990, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo về Ca trù và từ đây Ca trù Cổ Đạm được khôi phục và bước vào giai đoạn phát triển mới.

Ngày 1/10/2009, UNESCO công nhận Ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những năm tiếp theo, được nhiều ban, ngành quan tâm khôi phục, Ca trù dần có được hơi thở và sức sống mới.

Ngấm vào máu, thịt người dân

Tôi đến Cổ Đạm vào một ngày chớm Xuân. Ở đây dễ dàng nhận thấy Ca trù vốn đã ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ tấm bé, trẻ con đã được học Ca trù, lớn lên một chút thì có thể tham gia biểu diễn Ca trù ở một số sân khấu nghiệp dư. Về già thì đem những lời ca, tiếng hát truyền dạy cho con cháu. Dòng chảy Ca trù ở Cổ Đạm cứ thế mà chảy mãi, thách thức cả bom đạn chiến tranh.

Trong những con ngõ nhỏ của làng Cổ Đạm, ngọn lửa tình yêu với Ca trù vẫn còn cháy âm ỉ. Thời gian qua, huyện Nghi Xuân đã nỗ lực trao, truyền, đào tạo hát Ca trù cho giới trẻ, trường học, xây dựng Ca trù trong tour du lịch trải nghiệm nông thôn mới… Tất cả những điều này đã góp phần làm “sống dậy” niềm yêu thích Ca trù cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ở Cổ Đạm, Ca trù được coi trọng đến mức, nhiều khi được đem ra làm chuẩn mực để đánh giá người con gái. Muôn đời vẫn vậy, nếu người con gái nào mà biết hát Ca trù, mà phải hát thật hay, thật đặc sắc thì gia đình coi như có phúc. Đó là tài sản vô giá về tinh thần, nơi mà người ngoài nhìn vào có thể đánh giá được nhân cách, phẩm hạnh của người con gái. Khi về nhà chồng, đó cũng là tài sản hồi môn thật giá trị.

Tôi hỏi người dân ở Cổ Đạm, anh chị vẫn theo đuổi niềm đam mê này chứ? Tất nhiên rồi, với chúng tôi, Ca trù đã ăn sâu vào huyết quản. Không chỉ vì đam mê, chúng tôi hát vì trách nhiệm với tiền nhân, phải giữ gìn truyền thống văn hóa quê hương.

Ấy ai tháng đợi năm chờ mà người ngày ấy, bây giờ là đây/Hồng hồng tuyết tuyết/Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/Mười lăm năm thấm thoát có xa gì/Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…

Trong nắng ấm, những thanh âm liêu trai của Ca trù như dẫn dụ, như hờn trách, buông lơi, như níu kéo, quyến rũ không dứt ra được.

Tôi ngoái ra ngoài, mặt trời đã nhuộm hồng không gian mùa Xuân. Tiếng đàn và tiếng hát như muốn bay lên, thoát ra ngoài phạm vi chúng tôi đang ngồi. Mà kì thực, nó đã từng vươn mình ra thế giới, được hội đồng công nhận UNESCO chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top