Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 3 năm 2016 | 11:14

Nghệ An: Lập dự án sinh thái để... xúc đất bán?

Dự án du lịch sinh thái được cấp phép với diện tích hàng chục hecta tại hai xã Nghi Hưng, Nghi Yên (Nghi Lộc - Nghệ An) đã được triển khai gần 10 năm nay nhưng chỉ làm được một hạng mục là “đào đất để làm đường”. Câu chuyện lập dự án làm sinh thái để bán đất đang gây xôn xao dư luận bởi sự mập mờ.

>> Giấy phép hết hạn vẫn... khai thác

Quyết định số 4741/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An cho phép Công ty CP Du lịch sinh thái Nghệ An lập quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái tại xã Nghi Yên

Dự án gần 10 năm...

Ngày 22/11/2007, ông Nguyễn Đình Chi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 4741/QĐ-UBND cho phép Công ty CP Du lịch sinh thái Nghệ An lập quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái tại xã Nghi Yên, diện tích 31,3ha. Ngày 26/11/2008, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Chi tiếp tục ký Quyết định số 5253/ĐT phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái tại 2 xã Nghi Yên và Nghi Hưng. Như vậy, tính từ thời điểm quyết định của UBND tỉnh Nghệ An có hiệu lực đến nay, dự án mới làm được một hạng mục là khai thác đất, hạ độ cao để làm đường.

Một người dân xã Nghi Hưng cho biết: “Họ lập dự án làm du lịch sinh thái nhưng thực chất là khai thác đất để bán cho các dự án trên địa bàn mà đặc biệt là Khu kinh tế Đông Nam. Khi khu kinh tế này có dấu hiệu chững lại thì khu sinh thái cũng không có máy móc, không khai thác đất làm đường như họ nói. Chúng tôi nghĩ họ chỉ lợi dụng làm sinh thái để bán đất, đến khi hết đất hoặc các dự án ở Khu kinh tế Đông Nam xong thì họ tuyên bố phá sản”.

Ông Hoàng Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Hưng, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần đình chỉ dự án khi chưa có đầy đủ các văn bản cấp phép. Đến thời điểm này, họ chỉ đào đất, bạt ta luy để bán đất cho các dự án trong khu vực”.

Công trình như một bãi chiến trường...

Xe cỡ lớn đưa đất ra khỏi hiện trường của dự án. 

... Một hạng mục

Mục 4, Điều 1 của Quyết định số 5253 ghi rõ, công trình số 1 cổng vào, công trình số 2 bãi đậu xe, công trình số 3 nhà điều hành 2 tầng, công trình số 4 nhà hàng, công trình số 5 nhà dịch vụ, công trình số 6 nhà nghỉ 3 tầng, công trình số 7 nhà nghỉ 3 tầng, công trình số 8 chòi nghỉ, công trình số 9 hồ nước bến thuyền, công trình 9, 10, 11, 12, 13, 14 đều trồng cây quý hiếm như lim, lát, gõ đỏ, huê, keo. Quyết định là vậy nhưng đến thời điểm này, công trình chỉ là một bãi chiến trường, một hạng mục đang triển khai ồ ạt là làm đường. Điều đáng nói là, nhiều xe của các công ty đang triển khai lấy đất một cách rầm rộ, không trạm cân hay có bất cứ một hình thức kiểm tra định lượng nào, cứ đổ đầy là ra khỏi bến để nhường chỗ cho xe khác.

Một người dân ở gần khu du lịch sinh thái này thắc mắc: “Họ làm ngày làm đêm, xe chở đất, đá ầm ầm ra khỏi bãi, trời mưa thì trơn trượt, trời nắng thì bụi mịt mù, máy móc ầm ầm khiến cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng đáng kể”.

Khi phóng viên tiếp cận khu công trường đang thi công của dự án, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi thiết kế của dự án này rất lạ, đường được vạch núi để xây dựng và cây cối cũng như các công trình được phê duyệt trong Quyết định 5253 chưa được triển khai, chỉ có nhiều xe cỡ lớn được tập kết để đưa đất ra khỏi hiện trường của dự án. 

Tính đến thời điểm này, lượng đất, đá được chuyển ra khỏi dự án là rất khó kiểm soát. Đề nghị các ngành chức năng huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An sớm vào cuộc, làm rõ sự khuất tất này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tiếp đến dự án này ở bài viết tiếp theo.

Lam Thăng Tuấn

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top