Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 11 năm 2020 | 20:19

Nghĩ về nghề “đưa đò thầm lặng”

Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của cô giáo chủ nhiệm dạy tôi lớp 12 về nghề sư phạm, là nghề của “những người đưa đò thầm lặng”, gian nan, vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào, vì sau mỗi chuyến đưa đò ấy, học trò của mình trưởng thành.

“Người đưa đò” khi đất nước gian khó
 
Vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, tôi trở về thăm lại ngôi trường cũ mang tên danh nhân Nguyễn Gia Thiều, nơi mà hơn 60 năm trước, vào những năm 1957 – 1963 đương kim Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có 6 năm liền gắn bó học tập và rèn luyện.
 
tongbithu3_dpht.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và người thầy của mình.

 

Trong bầu không khí vô cùng xúc động khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kể lại những kỷ niệm không thể nào quên khi đang là học sinh lớp 9B, 10B do thầy giáo Lê Đức Giảng làm chủ nhiệm, Tổng Bí thư vui mừng khi trong buổi lễ kỷ niệm này, thầy Giảng của ông cũng có mặt, mặc dù thầy đã trên 90 tuổi.
 
Trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng khi trở lại ngôi trường xưa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không quên nhắc lại tên của những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình, yêu thương quý mến mình, đặc biệt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nhắc lại cả tên của những người bạn thân thiết với mình, đến nay không còn nữa, người bạn thân đó của ông đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất Đất nước.
 
Trên đất nước này không chỉ có riêng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, mà rất nhiều ngôi trường khác có những lãnh đạo cao nhất đã được dạy dỗ, học tập, rèn luyện và trưởng thành, sau này gánh vác những trọng trách quan trọng. Những thầy, cô giáo đó thật tự hào vì học sinh của mình đã trở thành những nguyên thủ quốc gia, những anh hùng, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ… đem lại niềm tự hào, rạng danh cho Tổ quốc.
 
Sự nghiệp của “những người đưa đò” là dành hết tâm huyết, tuổi trẻ, sức lực và trí tuệ của mình để trở những con thuyền tri thức, cập bến tương lai, trở những thế hệ học trò được dạy dỗ, để trưởng thành cả về nhân cách, trí tuệ, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
Sự nghiệp của “những người đưa đò” trước kia trong gian khó, khi cả dân tộc “cùng nhau ra trận”, các thế hệ học trò được các thầy, cô dạy dỗ, hun đúc lên tinh thần yêu quê hương, đất nước nối bước tiếp nhau ra chiến trường, chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
 
Những thế hệ của “những người đưa đò” khi xưa yêu thương học trò như yêu thương chính con đẻ của mình, nhường cơm sẻ áo, lo cho học trò từng bữa ăn, giấc ngủ. Như thầy giáo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bảo trò ở lại ngủ cùng thầy vì nhà quá xa, trong đêm đông giá rét, hai thầy trò cùng đắp chung một tấm chăn mỏng, lạnh quá nên cả hai thức cho đến sáng.
 
dsc_1519.JPG
Tác giả và cô giáo chủ nhiệm năm xưa.

 

Như cô giáo của tôi, có chồng làm trong lực lượng công an, thường xuyên đi công tác, mọi việc chăm sóc, nuôi dạy con cái đều do cô giáo của tôi làm cả, ấy vậy mà cô vẫn dành thời gian cho chúng tôi, dạy bảo chúng tôi, mỗi lần lên lớp là một lần cô khuyên nhủ và mong muốn cho chúng tôi trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội. Sự nghiệp của “những người đưa đò” khi xưa là thế.
 
Đến “Người đưa đò” ngày nay “cõng chữ lên non”
 
Tôi đã được đọc về cô giáo Trần Thị Thu Trang với hành trình gắn bó công tác "gieo chữ" lên miền núi của cô, nay đã bước sang năm thứ mười tại xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nơi cô Trang dạy học, thuộc vùng sâu xa nhất huyện lị và là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Thái. Học sinh Trường Tiểu học Bó Mười B đều là người dân tộc Thái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
Đối với giáo viên cắm bản vùng cao, công việc lo lắng nhiều nhất là vận động học sinh tới trường. “Dù có những lớp học ngay tại bản, nhưng muốn học sinh đến lớp thì giáo viên vẫn phải đến nhà để thuyết phục bà con. Thế nên, dù là dạy tại điểm trường hay lớp trong bản thì công tác vận động đồng bào đi học là vất vả nhất”, cô Trang chia sẻ.
 
dayhocvungcao-giaoduc-net-vn-529.jpg
Con đường đến trường của cô giáo vùng cao.

 

Thời gian vận động học sinh đi học nhiều nhất, bận rộn nhất là cách một tháng trước ngày tựu trường. Đây cũng là thời điểm thường có những cơn mưa lũ “ghé thăm” bản làng. “Đường đi vào bản vất vả lắm, ngày nắng thì trơ sỏi đá, ngày mưa thì bùn quấn bánh xe không đi nổi. Trực tiếp đi vào bản mới thấy thương học sinh phải vượt qua những chặng đường ấy tới trường.
 
Mình đi vào bản vận động vài ba bận còn thấy cực, nghĩ đến cảnh đây là con đường các em đi học hàng ngày, không thể không xót xa”, cô Trang tâm sự.
 
Nhiều lúc đến nhà mình phải cam kết với phụ huynh cho con đi học, đảm bảo con không bị bỏ đói, con học được chữ, con biết đọc, biết viết. Mình xem các em học sinh như con đẻ thì không lý gì những đứa trẻ không tin tưởng mình như một người mẹ thứ hai, cô Trang kể lại.
 
Đến nay, công việc “cõng chữ lên non” của cô giáo Trang đã bước sang năm thứ mười. “chỉ cần những điểm trường ở bản như Bó Mười luôn đủ sĩ số, đầy ắp tiếng cười đối với giáo viên như mình bõ công đánh đổi” đó là suy nghĩ của cô Trang.
 
Hay như chuyện của cô giáo trẻ Vi Thị Lệ gắn bó với nghề giáo ưa thích từ tấm bé của mình, với những học trò nhỏ mà cô hết mực yêu thương ở vùng núi cao miền Tây xứ Nghệ quê hương. Năm 2018, Lệ ra trường và xin được làm giáo viên cắm bản tại Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Năm học này là năm thứ ba cô giáo trẻ Vi Thị Lệ gắn bó với ngôi trường này.
 
bna_co_giao_tre_vi_thi_le_voi_hoc_sinh_cua_minh_anh_thanh_cuong3344411_2102020.jpg
Cô giáo trẻ Vi Thị Lệ với học sinh.
“Em yêu nghề giáo từ nhỏ và quyết tâm đeo đuổi với nghề. Nhưng thật sự, có những vất vả ngoài sức tưởng tượng, đó là những khó khăn về thời tiết mưa nắng thất thường, đường xá đi lại vùng cao thường xuyên sạt lở đất, đá vùi lấp, trơn trượt. Điều kiện sống lại kham khổ, không điện, không nước, không chợ; về hoạt động dạy và học cũng vậy, khi người dân vùng cao chưa quan tâm đến nhiều việc học của con em... Song “nhọc nhằn” nhất vẫn là đồng lương không giúp bọn em đủ sống với nghề. Bản thân em vào những ngày nghỉ vẫn “tập tành” kinh doanh bán hàng online. Mua hàng dưới xuôi bán cho bà con trên này và ngược lại”, cô giáo Lệ chia sẻ.
 
Còn rất nhiều cô giáo, thầy giáo khác vẫn đang miệt mài với công việc của “những người đưa đò” trên khắp mọi miền của đất nước, họ gặp  rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong sinh hoạt hang ngày, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chế độ đãi ngộ cho các thầy, cô giáo này những cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
 
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các thầy cô giáo
 
Từ ngày 01/7/2020, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành với nhiều quy định đáng chú ý, trong đó có đề cập đến nhiều chính sách đãi ngộ nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đội ngũ nhà giáo, giáo viên. Đội ngũ giáo viên và người làm công tác giáo dục kỳ vọng với những quy định của Luật, sự nỗ lực của Bộ chủ quản và sự quan tâm của toàn xã hội, việc thực hiện chính sách đãi ngộ sẽ có tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta.
 
Mới đây, tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo viên và sinh viên các trường sư phạm, nhất là chế độ tiền lương nhằm tạo động lực cho giáo viên yên tâm công tác, thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm.
 
Đồng thời, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục.
 
Song song với đó, rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học.
 
Ưu tiên bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp, giảng viên sư phạm chủ chốt để thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.
 
Ngoài ra, cần thiết rà soát mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư, phát triển nhanh trường, cụm lớp; bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày nhất là ở vùng khó khăn, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non và tiểu học…
 
Rất nhiều những chính sách được Đảng và Nhà nước ban hành để động viên, khuyến khích và tuyên dương những công lao và thành tích của các thế hệ thầy giáo, cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc, những chính sách này thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp “trồng người” coi “hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”.
 
Một quốc gia muốn phát triển nhất định phải có một nền giáo dục phát triển, ở đó tài năng của đất nước sẽ được bộc lộ, thể hiện và được đào tạo để trở thành những công dân, nhà khoa học, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Muốn vậy phải có đội ngũ những “người đưa đò” tâm huyết và có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà. Mong sao những “người đưa đò” sẽ phát huy truyền thống và tiếp bước các thế hệ thầy giáo, cô giáo đi trước để chung tay xây dựng Đất nước ta ngày càng giàu mạnh.
 
           
           
           
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top