Ba Vì (Hà Nội) không chỉ có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, có nguồn suối khoáng trong lành, những nông trường bò sữa, nông trường chè bạt ngàn mà còn có đặc sản dứa Suối Hai.
Nông dân Nông trường Suối Hai phấn khởi thu hoạch dứa.
“Bén duyên”
Cây dứa “bén duyên” vùng đất Ba Vì từ năm 1971, Suối Hai tuy không phải là vùng trồng dứa lớn song dứa nơi đây lại có tiếng khắp khu vực miền Bắc bởi chất lượng và mùi vị thơm ngon, như chắt lọc tinh túy của vùng đất bán sơn địa.
Nhiều người dân ở Suối Hai cho biết, giống dứa hoa theo chân những người Phú Thọ sang Ba Vì bằng đường sông, sau bao hăng trầm, đến nay, cây dứa đã góp phần mang lại cuộc sống mới cho người dân, làm giàu cho quê hương. Hiện, Nông trường Suối Hai đã chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc dứa cho gần 400 hộ gia đình nhận khoán trên đất của nông trường (tập trung ở 7 xã xung quanh khu vực Suối Hai như Thụy An, Phú Sơn, Vật Lại…) với diện tích khoảng 150ha.
Ông Đỗ Văn Kế, Đội trưởng đội sản xuất của nông trường, cho biết: “Cây dứa có vẻ hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Ba Vì nên phát triển khá tốt. Do biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây khá rõ rệt nên khả năng tổng hợp đường trong dứa lớn. Điều này giúp dứa Suối Hai ngọt, thơm hơn so với dứa trồng ở các khu vực khác”.
Trong năm, cây dứa ra hoa nhiều vụ, vụ chính ra hoa tháng 2-3, thu hoạch tháng 6-7, vụ trái ra hoa tháng 6-8, thu hoạch tháng 10-12. Điều đặc biệt là, giống dứa ở Suối Hai không bị thoái hóa, chất lượng quả luôn được bảo đảm ở những vụ sau. Sau mỗi vụ thu hoạch, cây dứa già sẽ được người dân để lại một phần để cây tự đẻ và nuôi chồi con cung cấp giống cho vụ sau; trên diện tích dứa già còn lại luân canh trồng sắn, các loại đậu đỗ để cải tạo, giúp vụ dứa sau năng suất đạt cao hơn.
Dứa Suối Hai có đặc điểm quả to, mắt tròn, ngọt, thơm, hoa bé, tỷ lệ chồi non chiếm khoảng 10% trọng lượng quả. Với nhiều năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc của người dân, trọng lượng trung bình của dứa Suối Hai đạt từ 0,7 đến 1,2kg/quả, có quả nặng tới 1,6kg. Năng suất bình quân đạt 40 - 50 tấn/ha/năm, lợi nhuận thu được gần 300 triệu đồng/ha.
Rộn ràng mùa thu hoạch
Vào vụ thu hoạch dứa, khu vực Suối Hai trở nên nhộn nhịp bởi từng đoàn xe ra vào “ăn” hàng, mùi dứa thơm thoang thoảng lan tỏa khắp vùng như níu chân du khách, những đồi dứa trải dài ngút tầm mắt phủ một màu vàng ươm khiến ai cũng thích thú và ấn tượng.
Có nhiều năm gắn bó với cây dứa, bà Chu Thị Thủy, công nhân Nông trường Suối Hai, chia sẻ, năm 2000, bà được nông trường giao cho gần 5.000m2 đất để trồng dứa, mới đầu do chưa biết nhiều về kỹ thuật chăm sóc nên sản lượng đạt thấp, giá cả lại bấp bênh, khiến thu nhập của gia đình không ổn định. Sau nhiều năm sản xuất, tích lũy kinh nghiệm, đến bây giờ bà đã “nằm lòng” mọi “tính cách” của dứa và thành thục các công đoạn chăm sóc, từ chọn chồi dứa, xử lý chồi đến cách trồng, làm cỏ, chăm bón, thu hoạch.
“Vào mùa thu hoạch, thương lái từ Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội… đổ về Suối Hai mua dứa rất đông. Nhiều người còn đặt cọc tiền trước để giữ hàng. Dứa đạt trọng lượng từ 0,5kg/quả trở lên có giá 4.000 - 6.000 đồng/quả, từ 0,7kg trở lên 5.000 - 7.000 đồng/quả; vào dịp lễ, Tết có thể lên đến 10.000 đồng/quả (0,8 - 1,2kg/quả). Với diện tích dứa như vậy, mỗi vụ bà Thủy thu về gần 60 triệu đồng.
Bà Thủy chia sẻ kinh nghiệm: “Dứa là cây dễ trồng nhưng khâu chăm sóc cũng tỉ mẩn. Khi lấy chồi con từ cây dứa già đẻ ra, xới đất trồng đảm bảo khoảng cách sao cho cây phát triển tốt nhất, đến khi cây bám rễ thì làm cỏ, bón phân cho đến khi thu hoạch”.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, hiện nay bà con vẫn phải tự tìm kiếm đầu ra cho cây dứa nên thu nhập còn bấp bênh.
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại nên cây dứa đang được trồng nhiều ở các xã, làng lân cận như Yên Thịnh, đội 4 Nông trường Ba Trại, giúp cuộc sống của người dân thêm ấm no, góp thêm cho vùng đất Ba Vì một đặc sản mới.
Hiền Thục
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.