Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 4 tháng 3 năm 2018 | 9:2

Ngư dân đón “lộc biển” đầu năm

Bất kể tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân ven biển hay làng chài, tất cả đều “trúng đậm” một mùa lộc biển đầu Xuân mới 2018…

 Khánh Hòa: Đánh bắt xa bờ sản lượng cao, giá tăng

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) cho biết, đến thời điểm này, hầu hết trong số khoảng 50 tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa của ngư dân trên địa bàn tỉnh, rời cảng đi khai thác trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã trở về. Trong chuyến biển này tất cả các tàu cá đều có lãi khá, đạt sản lượng cao, giá cá tăng hơn so với các chuyến biển trước.


Cụ thể, đối với các tàu câu cá ngừ đại dương, sản lượng ngư dân khai thác ít nhất 15 con/tàu; về giá cả, hiện nay, các nậu vựa thu mua với giá trên 125.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với các chuyến biển trước. Đối với cá ngừ sọc dưa, hầu hết các tàu đều đạt sản lượng từ 15 - 20 tấn; giá bán cũng tăng khá cao, gần 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, phần lớn các tàu cá đều có lãi từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

 Quảng Bình:  Cá nặng đầy khoang…

Sau chuyến ra khơi đầu năm mới, ngư dân các xã vùng biển Quảng Bình vui mừng đón những con tàu cập bờ với khoang thuyền đầy ắp cá. Khởi đầu thuận lợi này sẽ hứa hẹn một năm mới bội thu "lộc biển"... 

Ngay từ ngày mùng 2 Tết, ngư dân các xã biển đã ra khơi. Sau chuyến “khai xuân”, khắp các vùng biển trở nên tấp nập, rộn ràng cảnh mua bán, tàu nối tàu, cá ăm ắp đầy khoang.

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Lý, một thương lái lâu năm ở xã Đức Trạch (Bố Trạch) luôn có mặt ở bến cá từ tờ mờ sáng để đón những chuyến tàu ra khơi đầu năm cập bến. Chị Lý cho biết, những tàu ra khơi trong ngày Tết chủ yếu là tàu đi lộng (đánh bắt gần bờ). Năm nào cũng vậy, những người đi lộng trong vùng đều chọn ngày đẹp để ra khơi lấy may. Nếu chuyến đầu được nhiều cá thì ắt cả năm sẽ bội thu, gặp nhiều may mắn.

"Năm ngoái bão to, năm nay chắc chắn cá nhiều, kinh nghiệm ông cha đi biển để lại, nên từ sáng mồng 3 Tết tui cùng mấy thương lái quanh vùng đều có mặt từ sớm để thu mua. Năm nay, chủ yếu là cá trích, nhưng hơi nhỏ, đợi khoảng nửa tháng nữa sẽ có cá to. Mớ thu mua đợt này bọn tui phân loại đem phơi làm cá khô hoặc làm nước mắm là ngon nhất", chị Lý cho biết. 

qb-21.jpg Những chuyến biển đầu năm thuận lợi, hứa hẹn một năm bội thu

Khi những chiếc thuyền nan mới cập bờ, ngư dân Lê Dung, thôn Bàu Bàng, xã Đức Trạch (Bố Trạch) nhảy xuống thuyền cùng người nhà gỡ cá trích khỏi lưới để kịp chuyến chợ đầu năm. Nhanh nhẹn gỡ từng con cá tươi rói ra khỏi lưới, ngư dân Lê Dung vui mừng cho hay, năm nay bận việc nhà nên ra khơi hơi muộn so với bạn thuyền. 

Thuyền của anh bắt đầu chuyến biển đầu năm từ mồng 6 Tết lúc 3 giờ sáng và cập bến lúc 7h30 sáng; vùng biển đánh bắt cách bờ khoảng chừng 5 hải lý. Chuyến biển đầu năm, anh Dung thu về hơn 4 tạ cá trích.

“Đối với mỗi ngư dân, chuyến đi biển đầu năm rất quan trọng. Khai xuân đầu năm mà trúng đậm như thế này thì phấn khởi lắm. Hy vọng cả năm trời yên biển lặng, ngư dân sẽ ăn nên làm ra, thu được nhiều cá tôm để cuộc sống thêm no đủ”, anh Dung phấn khởi nói.

Anh Lê Trung Hiếu, Trưởng thôn Bàu Bàng, xã Đức Trạch (Bố Trạch) cho biết, trong những ngày Tết, món cá tươi ngon rất được người dân ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Vì thế, cá trích được thương nhân thu mua ngay tại bến với giá giao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, cao hơn ngày thường khoảng 10%-20%.

Cả thôn Bàu Bàng có khoảng 40 thuyền nan đi lộng. Có nhiều nan đã đi được từ 2 - 3 chuyến và tổng thu nhập của hộ cao nhất tầm 15 triệu và ít nhất cũng được 7 triệu đồng. Đây được xem là khoản thu lớn đối với những ngư dân đi lộng nơi đây....

Được biết, hiện nay, số lượng nan đi lộng của xã Đức Trạch tập trung nhiều ở thôn Nam Đức, Đức Trung và Bàu Bàng. Bắt đầu từ ngày mùng 2 tết đến ngày mồng 4 Tết, mỗi ngày lượng cá trích được ngư dân nơi đây đánh bắt được lên đến cả chục tấn.

Những ngày đầu năm mới, vùng biển xã Nhân Trạch luôn tấp nập kẻ mua người bán. Chuyến biển đầu năm đã trúng đậm "lộc biển", những khuôn mặt đen sạm không giấu được niềm vui sướng hiện lên từng khuôn mặt. Lom khom bên khoang thuyền máy, anh Ngô Xuân Mẫn, thôn Nhân Hải, xã Nhân Trạch đang cùng bạn thuyền của mình hối hả gỡ từng lớp cá trích áp chặt trong lưới.

Theo anh Mẫn, mùa cá trích thường bắt đầu từ tháng Chạp năm cũ đến tháng 5 âm lịch năm mới. Cá trích gồm có nhiều loại, như: cá trích bầu, cá trích suôn và cá trích trứng, nhưng được ưu chuộng nhất vẫn là cá trích trứng vì loại này nhiều thịt, thơm và béo bùi rất ngon. Sau mùa cá trích, ngư dân đi lộng lại chuẩn bị ngư lưới cụ để bắt đầu mùa cá khác.

Theo chị Nguyễn Thị Vân, người chuyên thu mua cá ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch), muốn ăn cá trích ngon, vị ngọt lịm, ngay từ khi các nan cá cập bến, nhiều ngư dân đào các hố cát, nhóm lửa,  nướng cá và cùng ăn thưởng thức lộc đầu năm, cùng tiếp hàng thu mua cho kịp buổi chợ sáng.

 Phổ Thạnh: Ruốc biển “trúng đậm”

 Liên tiếp trong hơn 10 ngày qua, ngư dân xã Phổ Thạnh, Đức Phổ (Quảng Ngãi) đánh bắt được lượng lớn ruốc biển. Trúng mùa, được giá, những ngư dân làng chài này đã có một mùa mở biển đầy vui tươi, khí thế, hứa hẹn một năm nghề biển no đủ.

 

qn-1.JPG

                         Ruốc biển được mùa, ngư dân phấn khởi

Từ sáng mùng 3 Tết Mậu Tuất, khi tiếng trống mở biển vang lên, những chiếc tàu đánh cá rẽ sóng ra khơi trong khí thế tưng bừng và sau đó 1 ngày trở về với đầy ắp ruốc tươi. Một đêm trên biển ấy, trung bình mỗi tàu cá ở Phổ Thạnh vây lưới được 2 tấn ruốc tươi. Giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, thu khoảng 40 triệu đồng. 

Ngư dân Nguyễn Thái, thôn Thạnh Đức 1, chủ tàu cá QNg 94119TS cho biết: “Mỗi ngày đánh được khoảng 2,4 tấn, thu gần 45 triệu đồng. Trừ hết chi phí, chia cho anh em đi bạn 1.500.000 đồng/người. Đầu năm, lộc biển đạt thế là vui lắm rồi”.

Được mùa ruốc, cảng cá Thạch Bi ở Phổ Thạnh rộn rã bất kể ngày đêm mỗi khi tàu cá về. Bà Nguyễn Thu Hương, chủ cơ sở chế biến hải sản Thanh Mai (Phổ Thạnh) cho biết: “Mỗi ngày cơ sở thu mua từ 5 – 7 tấn ruốc tươi về chế biến thành các sản phẩm ruốc khô, mắm ruốc, ruốc muối chua. Công nhân phải tăng ca, hàng làm ra đến đâu xuất bán đến đấy. Biển được mùa, người làm nghề khơi, nghề bờ gì cũng có thu nhập, phấn khởi lắm”.

Tại xã Phổ Thạnh, hiện tại có một số cơ sở thu mua, chế biến hải sản sạch vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa. Ruốc thu mua để chế biến xuất khẩu là ruốc loại 1, to và tươi, sạch, giá thu mua khoảng 30.000 đồng – 37.000 đồng/kg.  

Theo ngư dân đi biển, thường mùa ruốc về vào tháng Chạp năm trước và kéo dài đến tháng Giêng năm sau. Thế nhưng năm nay, sang Giêng ruốc mới về, thì có lẽ sang tháng Hai mới hết ruốc. Vậy là ngư dân Phổ Thạnh sẽ còn có nguồn thu nhập cao từ ruốc. Mở biển được mùa, lòng ngư dân như mở hội.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top