Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 1 năm 2020 | 18:23

Ngư dân sẵn sàng cho chuyến biển đầu năm

Sau Tết Nguyên Đán 2020, chọn ngày tốt, nhiều ngư dân đã chuẩn bị đủ mọi thứ, sẵn sàng cho ngày ra quân chuyến biển đầu năm.

Khác với năm trước, năm nay do ảnh hưởng gió mùa nên ngư dân Nghệ An xuất hành chuyến biển đầu năm muộn hơn. 

 

bien-999-n-an-tin-tuan-12201.jpg

 Ngư dân đang chuẩn bị  cho chuyến vươn khơi đầu năm tại cảng cá Lạch Quèn. Ảnh Việt Phương

 

Tại cảng cá Lạch Quèn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) sáng mồng 4 Tết, không khí chuẩn bị ra khơi đã nhộn nhịp hẳn lên, khi các tàu tiếp đá lạnh, nhiên liệu và lương thực, thực phẩm đang tấp nập ven bờ.

Lão ngư Hồ Hữu Đông chủ tàu NA 90524 TS công suất máy trên 900 CV, xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Trong tháng Giêng, những ngày 4, 5 và 6 là tốt nhất, đối với ngư dân xuất hành đầu năm, nhưng do hôm nay ảnh hưởng gió mùa, biển động, nên sáng mồng 5 mới xuất hành.

Trong sáng mồng 4, tàu tiếp nhận 500 cây đá, trên 2 nghìn lít dầu và một số nhu yếu phẩm khác, cả 14 thuyền viên của con tàu đã sẵn sàng tư trang.

Dự kiến chuyến biển đầu năm sẽ đánh bắt trên vùng biển Vịnh Bắc bộ, với nghề chụp 4 sào, trong khoảng thời gian 9 ngày sẽ quay về, để anh em ăn Rằm tháng Giêng.

Ông Chu Văn Tấn - Trưởng Cảng cá Lạch Quèn cho hay: Sáng Mồng 4 Tết, đã có một số chủ tàu đến đăng ký xuất cảng vào chiều nay, và sáng mồng 5.

Đặc thù của ngư dân ở đây là làm chủ những con tàu to, máy lớn, nên mỗi chuyến ra khơi từ 8 - 12 ngày mới về. 

Theo ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), ra Tết, ngư dân chọn ngày tốt để làm lễ cầu ngư, tập trung tại bến cá, sau đó trên mỗi con tàu, ngư dân làm lễ xuất bến để ra khơi, chứ không theo một ngày cố định nào.

Cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu), lão ngư Nguyễn Văn Mạnh ở xóm Yên Quang, xã Diễn Ngọc đang kiểm tra con tàu sau những ngày nghỉ Tết, cho rằng: Đáng lẽ chuyến biển đầu năm xuất hành lúc 1 giờ sáng ngày mồng 4 Tết, đến 11 giờ trưa mang hải sản về cảng.

Nhưng do đang có gió mùa nên dự kiến đến ngày mồng 6 tháng Giêng ngư dân Diễn Châu mới chính thức làm lễ đánh bắt chuyến đầu năm.

Đặc thù của tàu cá Diễn Châu phần lớn là tàu thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ, thời gian đi về trong ngày nên hải sản tươi ngon.

Mùa biển mới, ngư dân Nghệ An cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, họ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau để vừa đánh bắt, phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân Hà Tĩnh háo hức bám biển đầu năm

Như thường lệ, cứ bắt đầu từ ngày mồng 3 – 4 Tết, ngư dân Hà Tĩnh lại “gác” Tết, theo con thuyền rẽ sóng vươn khơi đánh bắt hải sản.

 

ht-66-bien1.jpg

 Ngư dân “gác” Tết, chuẩn bị nguyên liệu để ra khơi

 

Sau vài ngày vui xuân đón Tết với gia đình, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên (Nghi Xuân) đã chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm sẵn sàng cho chuyến biển “mở hàng”.

Nhưng năm nay gió mùa Đông Bắc đúng vào dịp Tết, đành phải chờ khi trời yên, biển lặng.

Ông Mạnh chia sẻ: Tết đối với ngư dân vùng bãi ngang chỉ vỏn vẹn 2 ngày. Ngày nào không được đi biển đánh bắt hải sản là nhớ lắm, cứ day dứt trong người. Mồng 3 Tết tôi đã đưa lưới ra vá, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu sẵn sàng cho chuyến đi biển đầu năm.

Không chỉ Xuân Yên mà những ngư dân ở vùng bãi ngang huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đều háo hức “mở hàng” vào những ngày đầu năm.

Ngư dân Trần Ngọc Quý – thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) cho hay: Năm nay, do thời tiết bất lợi nên đội tàu xa bờ ở đây xuất bến muộn. Dù được ở nhà ăn Tết với gia đình thêm vài ngày, nhưng tâm trạng luôn hướng về “mẹ” biển. Dường như nghề đánh bắt hải sản đã ăn vào máu thịt nên ai cũng muốn ra khơi với nhiều “lộc biển”.

“Theo dự báo, trời vẫn đang mưa rét, biển động, nhưng ngư dân chúng tôi đã chuẩn bị dầu, nước ngọt và các nhu yếu phẩm theo kế hoạch. Cứ khi nào trời yên, biển lặng là cho thuyền nổ máy vươn khơi” - anh Quý cho biết thêm.

Mồng 4 tết, tại Cảng cá Cửa Sót ở xã Thạch Kim (Lộc Hà), không khí chuẩn bị ra khơi cũng đã bắt đầu nhộn nhịp, khi một số tàu đang tiếp thêm nhiên liệu và lương thực, thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến, cho biết: Từ ngày mồng 3 – 4 Tết, Công ty đã cung ứng hàng trăm lít dầu và một số nhu yếu phẩm cho tàu cá ở đây.

Ngư dân sẽ vươn khơi khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, với nghề đánh bắt cá thu, cá bạc má... Chuyến đi này dự kiến hơn một tuần sẽ trở về, để anh em đoàn tụ với gia đình vào ngày rằm tháng Giêng.

Háo hức vươn khơi, bám biển là tâm trạng chung của bà con ngư dân Hà Tĩnh. Mong rằng, những ngày tới mưa thuận, gió hòa, để chuyến biển đầu năm mang lại nhiều may mắn cho ngư dân.

Họ sẽ tiếp tục đoàn kết, hăng say đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường... hứa hẹn một năm mới bội thu, thắng lợi.

Bình Định: Nhiều tàu cá “trúng lộc” đầu năm

Sau nhiều ngày ra khơi đánh bắt hải sản trong những ngày Tết, đến thời điểm này, các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Ðịnh đã đón nhiều  tin vui, và đây là cơ sở để kỳ vọng một năm đánh bắt thủy sản nhiều thắng lợi.

 

bđ-33-ca2.jpg

Cảng cá nhộn nhịp hơn sau chuyến biển xuyên Tết

 

Tàu cá BÐ 97189 - TS làm nghề lưới vây ánh sáng, của ngư dân Võ Trung, xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), xuất bến tại cảng cá Tam Quan, từ ngày 19 tháng Chạp, đến vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa, để khai thác thủy sản.

Vừa ra khơi được vài ngày, đã trúng ngay luồng cá nục, cá hố, cá sòng… Nên tàu đã quay vào cảng cá Đà Nẵng, ngày 28 tháng Chạp, để bán cá, kết quả đã thu được hơn 100 triệu đồng.

Anh Trung phấn khởi: “Vừa mới ra khơi đã trúng ngay luồng cá lớn, nên tàu quay về bờ để bán cá, song, cận Tết giá thủy sản giảm, thu nhập không cao, nhưng anh em rất phấn khởi.

Bán cá xong, tàu tiếp tục vươn khơi, đến nay cũng đã đánh bắt được hơn 6 tấn cá, mực. Dự kiến, ngày mùng 6 tháng Giêng, tàu sẽ cập bờ tại Đà Nẵng, sau đó anh em bạn thuyền sẽ về nhà đón Tết muộn”.

Còn ngư dân Nguyễn Hoàn, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), chủ 4 tàu cá, khai thác thủy sản xa bờ, cho biết: “Dịp Tết này, 3/4 tàu câu cá ngừ đại dương của tôi, đã đón Tết trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Đến nay, cả 3 tàu đánh bắt được gần 20 con cá ngừ đại dương, ước đạt hơn 7 tạ. Sản lượng chưa cao,, nhưng như vậy cũng xem như có lộc đầu năm rồi! Chúng tôi vẫn còn bám biển đến mùa trăng tháng Giêng mới vào bờ”.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, phụ trách cảng cá Quy Nhơn, từ cận Tết đến nay, cảng vẫn chưa đón các tàu cá đón Tết trên biển về bờ.

Năm nào cũng vậy, đến trăng tháng Giêng, cảng cá Quy Nhơn mới trở nên nhộn nhịp, bởi tàu cá vừa xuất bến đi biển, vừa cập cảng trở về sau Tết.

Sáng 29/1 (mùng 5 Tết), tại Trạm bờ Quy Nhơn, đặt tại Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), anh Nguyễn Hồng Quân, cán bộ Chi cục Thủy sản, đang trực Trạm bờ, liên tục thông báo, bản tin về diễn biến gió mùa Đông Bắc, trên hệ thống ICOM, để các tàu cá của ngư dân trong tỉnh nắm bắt thông tin, có biện pháp xử lý kịp thời.

Chỉ tay về mô hình những tàu cá số hiệu Bình Định, hiện lên trên màn hình máy tính, tại khu vực vùng biển Hoàng Sa trên bản đồ vệ tinh, anh Quân cho hay: “Tàu cá khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển phải mở thiết bị giám sát hành trình 24/24. Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá, sẽ kết nối với Trạm bờ, và hiện lên trên bản đồ trong máy tính, mô hình tàu cá và số hiệu.

Qua đó, chúng tôi biết được tọa độ, hướng di chuyển của tàu cá, khai thác thủy sản trên biển của ngư dân, để theo dõi, quản lý. Đang vụ khai thác chính của các tàu câu cá ngừ đại dương, nên phần lớn tàu cá của ngư dân trong tỉnh, đều tập trung ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa và giữa Hoàng Sa - Trường Sa”.

Toàn tỉnh có 1.480 tàu cá/khoảng 7.500 ngư dân vươn khơi, đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên biển; trong đó có khoảng 1.000 tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương, vì thời điểm này đã bước vào vụ khai thác chính.

Đến nay, cả tỉnh có hơn 1.536/3.300 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, giám sát tàu cá.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá Bình Định phân công cán bộ, nhân viên túc trực trong các ngày Tết, đảm bảo thông tin liên lạc, hỗ trợ ngư dân khi có thời tiết xấu trên biển; duy trì các tổ thường trực để quản lý tàu cá xuất, nhập cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản…

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo lộ trình, đánh bắt không vi phạm vùng biển nước ngoài, nhằm góp phần thực thi Luật Thủy sản, và góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top