Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2017 | 2:21

Ngư dân Vĩnh Trường bỏ nghề hàng loạt

Phường Vĩnh Trường (TP.Nha Trang -  Khánh Hòa) có 29.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 70% sinh sống bằng nghề bám biển, đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, gần đây  nguồn lợi thủy sản gần bờ đang suy giảm và có nguy cơ cạn kiệt nên nhiều ngư dân phải bỏ nghề.

Nhiều ngư dân Vĩnh Trường không đủ điều kiện để được  vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi.

Chúng tôi đến phường Vĩnh Trường vào một buổi sáng tháng Tám, chứng kiến  nhiều ngư dân phải bỏ nghề, bỏ xứ kiếm sống mà cảm thấy xót xa. Những chuyến tàu ra khơi rồi trở về tay không khiến không ít ngư dân lâm cảnh nợ nần, có chủ tàu phải bán tàu trả nợ,  có người phải bỏ nghề đi biển để làm công việc khác như: Phụ hồ, buôn bán, xe ôm, lên rừng làm rẫy, vào Nam làm công nhân.

Ông Trần Văn Bảy, 60 tuổi, ở tổ dân phố Trường Thọ, cho biết: “Gia đình có 5 đời theo nghề đi biển. Trước kia, mỗi tháng, gia đình tổ chức khoảng 20-25 chuyến tàu ra khơi đánh cá, cứ tối đi sáng về, chuyến nào cá cũng đầy khoang, bữa ít nhất được 5 - 7 tạ, nhiều thì 2-3 tấn. Hiện nay, hải sản gần bờ ngày càng khan hiếm, do đó, mỗi tháng tôi chỉ ra khơi khoảng 10 chuyến, có tháng 6 - 7 chuyến ra khơi thất thu, không đủ chi phí tiền dầu, có chuyến gặp may thì được 5 tạ, 1 tấn cá tạp, cá cơm. Mà giá cá cơm thì thấp, cơm xanh chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cơm trắng 15.000 -17.000 đồng/kg. Ngoài trả lương cho lao động trên tàu, còn phải lo tiền dầu, tiền mua sắm lưới, tiền bảo dưỡng tàu…Cứ thua lỗ mãi thế này, chỉ có nước bán tàu trả nợ và bỏ nghề thôi”.

“Chưa bao giờ tôi thấy nghề đánh bắt cá lại khó khăn đến thế! Ra khơi rồi về tay không là chuyện thường nhật, bạn tàu gắn bó với tôi đã bỏ đi gần hết, 4 con trai của tôi cũng có ý định lên bờ tìm việc khác. Trước đây, tổ dân phố Trường Thọ có  42 ghe, tàu đánh bắt hải sản, nhưng hiện chỉ còn lèo tèo 7 chiếc, trong đó 3 chiếc theo nghề đánh bắt mành chong đèn, 5 chiếc theo nghề đánh bắt lưới rút thưa. Nhiều ngư dân đã bỏ nghề, bán tàu hoặc cho tàu nằm bờ”, ông Bảy phàn nàn.

Anh Nguyễn Tấn Hùng, chủ tàu đánh cá ở tổ dân phố Trường Sơn, ngậm ngùi: “Tôi bán tàu, bỏ nghề cá để chuyển sang chạy xe thồ rồi, vì đi biển thu nhập thấp, có tháng về tay không.  Chạy xe thồ một tháng kiếm cũng được 3 - 4 triệu đồng, ít tiền nhưng được ở gần nhà, bên vợ, bên con. Bỏ nghề đi biển, trong người cũng thấy khó chịu lắm, nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo phải chịu vậy thôi”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường,  cho biết: “Sáu tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác hải sản của phường ước đạt 2.700 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, địa phương có 430 tàu thuyền các loại, trong đó, có 332 tàu cá đánh bắt hải sản, 98 tàu dịch vụ thu mua hải sản. Do ngư dân đánh bắt theo cách hủy diệt, thiếu bền vững; môi trường thay đổi, ô nhiễm nguồn nước nên nguồn thủy sản ven bờ giảm sút. Các nghề đánh bắt cá gần bờ như: mành chong đèn, lưới rút trũ, giã cào bay, mành rút thưa gặp rất nhiều khó khăn do hải sản cạn kiệt. Ngư dân người thì bán thuyền lên bờ kiếm việc làm, người làm thêm nghề câu để bù chi phí hoặc chuyển sang ngư trường các tỉnh bạn”.

Cũng theo ông Học: Trước đây, mỗi sáng sớm, cảng cá Vĩnh Trường tấp nập người mua kẻ bán, còn nay cảng đã đóng cửa, người mua kẻ bán thưa thớt. Sản lượng đánh bắt của ngư dân liên tục giảm sút, ước tính mỗi năm giảm 7 - 10%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ngư dân, công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương cũng gặp khó. Phường có hơn 3.800 hộ dân, trong đó có 163 hộ nghèo, 960 hộ cận nghèo. Nếu khó khăn này không được tháo gỡ thì tỷ lệ hộ nghèo có nguy cơ tăng lên.

“Trước tình hình đó, UBND phường Vĩnh Trường giao cho Hội Nông dân phường vận động ngư dân chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang liên kết đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, phần lớn ngư dân vẫn chưa được vay vốn để đóng tàu đánh bắt cá xa bờ do không có tài sản thế chấp, việc vay 5-10 tỷ đồng từ ngân hàng là rất khó. Hiện, trên địa bàn phường mới có 2 gia đình được vay vốn đóng tàu cá công suất lớn, 43 tàu cá được hỗ trợ với tổng kinh phí 28 tỷ đồng.Ngư dân muốn vươn khơi chỉ còn biết “ngồi chờ” sự hỗ trợ vốn của Nhà nước”, ông Học trần tình.

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, UBND tỉnh Khánh Hòa cần có kế hoạch hỗ trợ, quan tâm đến ngư dân nhiều hơn nữa; tổ chức nhiều hơn những lớp tập huấn tại chỗ cho ngư dân, giúp họ tiếp thu, tiếp cận công nghệ, đồng thời kiến nghị ưu tiên cho vay vốn đóng tàu vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển quê hương.

Xuân Hướng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top