Cuộc sống của hơn 200 hộ dân ở buôn Cư Juốt và thôn Cư Bang, xã Cư Pơng (Krông Búk - Đắk Lắk) đang bị đảo lộn do mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Phương Triều Đại. Mới đây, người dân lại thêm hoang mang, lo lắng khi nguồn nước giếng đào bị ô nhiễm không thể sử dụng được.
Cả làng chịu khổ
Chúng tôi tìm về buôn Cư Juốt đúng lúc nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Phương Triều Đại đang hoạt động, mùi hôi thối nồng nặc bao trùm cả khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân buôn Cư Juốt, bức xúc: Từ khi nhà máy chế biến mủ cao su này được xây dựng và đi vào hoạt động (năm 2009), cả làng phải chịu khổ. Hàng ngày mùi hôi thối, bụi khói từ nhà máy theo gió xộc vào khu dân cư khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn”.
Bà Lê Thị Liễu, nhà ở ngay trước nhà máy chế biến mủ cao su, than thở: “Do mùi hôi thối và khói thải từ nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường buộc những người sinh sống xung quanh nhà máy suốt ngày phải đóng cửa kín mít và đeo khẩu trang cả khi ngủ. Do hàng ngày hít phải mùi hôi thối và khói của nhà máy chế biến mủ cao su nên người trong buôn, nhất là người già, trẻ nhỏ hay mắc bệnh về đường hô hấp”.
Hồ chứa nước thải của nhà máy chế biến mủ cao su Phương Triều Đại bốc mùi hôi thối nồng nặc
Theo phản ánh của người dân buôn Cư Juốt, họ đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện yêu cầu công ty có biện pháp hạn chế mùi hôi thối, thế nhưng nhiều năm nay mức ô nhiễm ngày càng tăng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến việc học hành của con em địa phương. Nằm cách nhà máy chế biến cao su gần 300m là phân hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, xã Cư Pơng, nơi học tập của khoảng 100 học sinh. Lo sợ học tập trong môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhiều gia đình đã xin chuyển con em mình đến học ở trường khác cách xa nhà máy, dù việc đưa đón con đi học vất vả và tốn kém hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, phân hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh cho biết: Do sợ con em mình học trong môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhiều phụ huynh đã xin chuyển các cháu đến nơi khác học tập, vì vậy số lượng học sinh tại phân hiệu ngày càng giảm.
Người dân bức xúc cho rằng, nguồn nước thải của nhà máy chế biến mủ cao su Phương Triều Đại chưa được xử lý thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường
Nhà máy đạt chuẩn về môi trường?
Chúng tôi nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty Phương Triều Đại để làm rõ phản ánh của người dân địa phương về tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến mủ cao gây ra, nhưng đều bị né tránh.
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, họ đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, thế nhưng khi trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Cư Pơng Y BLưn Mlô, cho rằng, UBND xã chưa nhận được đơn thư của người dân gửi lên phản ánh tình trạng gây ô nhiễm của nhà máy chế biến mủ cao su mà chỉ nghe qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Búc 2 lần phối hợp với UBND xã Cơ Pơng và đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy chế biến mủ cao su của công ty này. Trong các cuộc kiểm tra này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Búk đều cho rằng nhà máy chế biến mủ cao su đạt các tiêu chuẩn về môi trường (!?).
Làm việc với phóng viên, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Búk, Y Thin Mlô, cho biết, nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Phương Triều Đại xây dựng trước khu dân cư và huyện đã nhiều lần xuống kiểm tra cũng như phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. Khi kiểm tra, các thông số đo đạc, kiểm tra môi trường của sở thì đều đạt tiêu chuẩn. Còn việc người dân tự ý đưa mẫu nước đi kiểm nghiệm và không đạt tiêu chuẩn thì huyện không biết. Kết quả kiểm nghiệm nước của người dân chưa đủ căn cứ để có thể khẳng định nước này có phải do nhà máy này gây ra hay không. Thông thường, để khẳng định có ô nhiễm hay không chủ yếu dựa vào quan trắc và kiểm nghiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường mới chính xác.
Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Vũ Văn Mỹ cho biết, việc người dân phản ánh thông tin nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Phương Triều Đại gây ô nhiễm môi trường bây giờ huyện mới nắm được. Từ trước đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra ghi nhận các chỉ tiêu về môi trường đều đạt. Do huyện thiếu các máy móc thiết bị nên không thể một mình đứng ra kiểm nghiệm, quan trắc để có kết quả cụ thể mà những việc này đều do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Nếu lần này người dân phản ánh, kết quả kiểm tra nhà máy gây ô nhiễm môi trường thì huyện sẽ kiên quyết xử lý, yêu cầu ngừng hoạt động nhà máy.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk cần vào cuộc và kiểm tra xem người dân ở đây phản ánh đúng hay không? Nếu Công ty Phương Triều Đại vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm, vì hiện nay bảo vệ môi trường là vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm.
Anh Thi – Thành Nhân
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.