Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 11 năm 2021 | 21:19

"Người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà!"

Chiều nay (10/11), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Các nội dung chất vấn xoay quanh vấn đề: Chăm lo cho trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch COVID-19; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm; giải pháp đơn giản hóa thủ tục để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khắc phục tình trạng phát nhầm, nhận nhầm; giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp;…

Hơn 2500 trẻ em mồ côi vì đại dịch COVID-19

Về vấn đề chăm sóc trẻ em mồ côi do bố, mẹ mất vì dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trên thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Việt Nam có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

 

img_2028.jpg

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về các vấn đề xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19,... Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã chủ động xây dựng, thực hiện các chính sách liên quan đến bảo trợ trẻ em. Mức chung, hỗ trợ trẻ em trong các làng trẻ SOS của Việt Nam hiện nay tương đối đồng bộ với thế giới, khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng cho biết, với số cháu mồ côi do dịch COVID-19, ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ các cháu tương đối tốt.

Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ tất cả các cháu mồ côi 5 triệu đồng, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được tặng sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

Phương châm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là vận động để tất cả các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu.

"Hiện nay cả 81 cháu đều được sống với người thân, trong trường hợp không có người thân chúng tôi và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tìm mẹ đỡ đầu cho các cháu. Trường hợp xấu nhất mới đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà!

Trả lời vấn đề của đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng chậm triển khai hỗ trợ người dân, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các cấp lãnh đạo đã giao Bộ đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cán bộ trong ngành đã làm ngày làm đêm, thứ bảy, chủ nhật nào cũng làm.

"Tinh thần tôi nói thẳng là: Người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà!" Theo đó, anh em đều rất quán triệt, triển khai xây dựng chính sách rất nhanh. Chúng tôi đã cố gắng hết mức, chỉ những việc vượt luật thì để lại, còn vướng mắc nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình sửa ngay, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, các chính sách theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 không thể nào thông thoáng hơn, có chính sách như hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không phải kê khai gì, chỉ chờ tiền về tài khoản. Nghị quyết 68 cũng chỉ phát hiện 2 vướng mắc và đã sửa ngay bằng Nghị quyết 126.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc triển khai có nơi còn cứng nhắc. Ông dẫn chứng, có một địa phương chỉ chi tiền ăn hỗ trợ F0 và trẻ em phải cách ly mà trình bày 3 trang giấy về vướng mắc. “Tôi phải nói, các đồng chí cứ làm đi, tiền ăn của F0 và trẻ em mà sai thì tôi chịu trách nhiệm. Từ đó địa phương mới cho thanh toán”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đã xử lý xong việc phát nhầm tiền hỗ trợ

Giải trình về thông tin tỉnh Bình Dương phát nhầm tiền hỗ trợ cho khoảng 22.000 người, Bộ trưởng khẳng định, đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc và cho biết, ngay sau thời điểm nhận được thông tin, Bộ trưởng đã liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nghiên cứu kỹ báo cáo của ngành lao động, thương binh và xã hội địa phương, đồng thời cử ngay đoàn công tác vào kiểm tra, xử lý.

Tham gia đoàn còn có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động và một số bộ, ngành liên quan… Tại địa phương, đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình, gặp những người trực tiếp phát, trực tiếp nhận. 

Bộ trưởng cho biết, con số cụ thể không phải là 22.000 người mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp. Đây là chính sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động như giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800 nghìn đồng/người.

Tuy nhiên, trong quá trình kê khai, số lượng tăng lên quá nhiều, tỉnh Bình Dương thấy bất thường đã tiến hành rà soát lại bằng máy, đồng thời mời Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội vào cuộc, cùng rà soát trên cơ sở dữ liệu mới thấy tình trạng trùng lắp.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Dương đã dừng việc này và tiến hành rà soát lại nhưng đã có 1.990 người nhận với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.

Các trường hợp này phần lớn đã hoàn trả lại vì tự nhận thấy mình nhận không đúng. Đến nay, công việc này đã giải quyết xong và 1,6 tỷ đồng cũng đã thu hồi đầy đủ.

Các chính sách đang đi đúng hướng, phát huy tác dụng

Về kết quả sau 4 tháng triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, Bộ trưởng cho biết: Trong quá trình thực hiện, tuy còn điều này, điều kia nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý.

 

bo-truong-dung-th.jpg

Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này phần đa (khoảng 50%) là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022.

Còn những chính sách cụ thể thì có hiệu quả ngay như chính sách hỗ trợ bằng Nghị quyết 116 quy mô 38 nghìn tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ trong 5 ngày thôi chúng ta đã rà soát và giải quyết hỗ trợ cho 363 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách này.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu 15/11 này giải quyết căn bản số hỗ trợ này. Bộ trưởng khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu cho thấy phát huy tác dụng.

Khuyến khích thiện nguyện nhưng phải đúng luật

Trước những bức xúc của dư luận về việc một số cá nhân làm từ thiện thiếu minh bạch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về nguyên tắc nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, gặp thiên tai, địch họa.

Nhà nước cũng quy định 2 cơ quan tham gia việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo Nghị định 64, đây là 2 cơ quan đứng ra tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao.

Vừa qua, các tổ chức cá nhân đã thực hiện việc mua, chuyển hàng đến người dân khó khăn. Chúng tôi chủ trương khuyến khích nhưng làm từ thiện phải trên cơ sở có nguyên tắc, quy định pháp luật.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 64, và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 để thay thế. Trong đó, nêu rõ cách làm, huy động bằng tiền, quyên góp hiện vật thì đều có hướng dẫn cụ thể. Bộ trưởng bày tỏ: Khi Nghị định 93 có hiệu lực, hoạt động từ thiện này sẽ đi vào nền nếp. Còn vừa qua, ai làm sai chúng ta buộc phải xử lý, dù không muốn.

Cơ quan Công an đang xác minh những “lùm xùm” tiền từ thiện

Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu về tiếp nhận giải quyết các đơn tố cáo về sai phạm trong khuyên góp từ thiện, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an đang giao cho Cục Cảnh sát hình sự tiến hành thụ lý, kiểm tra xác minh các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin của người dân về hoạt động quyên góp, nhận từ thiện, cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020 của một số nghệ sĩ để làm rõ theo quy định của pháp luật.

"Hiện nay, Cục Cảnh sát Hình sự đang phối hợp với ngân hàng tiến hành rà soát xác định những tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, đóng góp, quá trình giải ngân; phối hợp với UBND, MTTQ Việt Nam các cấp của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi… xác minh, làm rõ số tiền, hàng các nghệ sĩ đã tiến hành cứu trợ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cũng đã mời các cá nhân, tổ chức có liên quan làm việc, cung cấp các thông tin có liên quan để kết sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng cũng thông tin, Cục Cảnh sát Hình sự đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện những tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Qua rà soát tại các địa phương, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tiếp nhận 6 tố giác tội phạm của công dân có liên quan đến việc biển thủ tiền từ thiện của các nghệ sỹ. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tổ chức tiếp nhận, phân loại 6 tố giác theo đúng quy trình của pháp luật tố tụng hình sự.

“Mọi công việc đang tiến hành theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua công tác rà soát, Bộ Công an sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, các sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… theo hướng bổ sung các quy định để hoạt động này đảm bảo công khai minh bạch.

 Nguồn: chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top