Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 7 năm 2020 | 13:55

Người dân Hà Tĩnh căng mình chống hạn

Ruộng nẻ, giếng cạn, cây héo úa, nắng nóng kéo dài suốt hơn 1 tháng qua khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, Hà Tĩnh đang “căng mình” với nhiều giải pháp chống hạn cứu các loại cây trồng trước thời tiết cực đoan...

tr36.jpg
Hồ đập trơ đáy.

 

Cả tháng không mưa, “cây khô, người héo”

Nắng nóng kéo dài ở Hà Tĩnh, điển hình là tại các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Khê…, nhiệt độ có thời điểm lên tới 40 độ. Sáng trời chưa tỏ mặt người nhưng ánh nắng chói chang đã rọi thẳng vào nhà. Từ TP. Hà Tĩnh chúng tôi mất hơn 1 giờ đồng, luồn lách qua nhiều km đường đất lổm nhổm ổ trâu, ổ gà mới đến được “chảo lửa” Hương Khê.

Tính đến thời điểm này, nắng nóng đã khiến 942ha cam, bưởi bị thiếu nước, tập trung tại các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Lâm và Hương Liên. Trong đó, 7ha bị héo chết không có khả năng phục hồi tại các xã Hương Thủy, Phúc Trạch, Lộc Yên.

Nắng nóng cũng đã làm cho 200ha lúa hè thu tại các xã Hương Xuân, Hương Long, Hương Bình, Hương Lâm, Hương Liên... bị thiếu nước. Hầu hết 1.500ha ngô, đậu sinh trưởng kém do nắng hạn.

Chị Nguyễn Thị Định, thôn Tiền Phong, xã Hương Trà (Hương Khê) buồn bã nói: “Nhà có hơn 4.000m2, với khoảng 5.000 gốc chè sắp thu hoạch. Gần một tháng nay nắng nóng kéo dài, không một giọt mưa, khiến nhiều gốc chè bị vàng lá khó có thể hồi phục. Những gốc chè này đều có tán to, rễ chắc, nếu thời gian tới không có mưa xuống chắc sẽ mất trắng vụ thu hoạch năm nay”.

Ở xã Hương Trà, chè là cây trồng chủ lực, giúp người dân có thu nhập ổn định. Địa phương này có diện tích trồng chè lớn nhất huyện miền núi Hương Khê, với 170ha. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài suốt hơn 1 tháng qua khiến cây chè “khát nước” trầm trọng, nhiều diện tích chết cháy không thể hồi phục.

Ông Trần Văn Hòa, Phó giám đốc Xí nghiệp chè 20.4 cho hay, hạn hán kéo dài khiến toàn bộ diện tích trồng chè bị thiếu nước tưới. Hiện có khoảng 5ha chè chết cháy, không thể cứu được. Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài thì diện tích chè bị chết cháy sẽ tăng lên, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Theo ông Hòa, các hồ đập trên địa bàn chỉ còn đáp ứng đủ tưới cho khoảng 50% diện tích trồng chè, số còn lại chỉ trông chờ vào trời mưa.

Không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất, nắng nóng kéo dài còn làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân vì thiếu nước sinh hoạt.

 

tr37a.jpg

Ruộng đồng nứt nẻ vì cả tháng trời không có mưa.

 

Hiện, đã có khoảng 600 giếng nước của các hộ dân cạn trơ đáy, tập trung ở các xã  Hương Lâm (400 hộ); Hương Liên (100 hộ); Điền Mỹ (70 hộ)… và con số này đang tiếp tục gia tăng từng ngày.

Đợt hạn thế kỷ này, người dân Hương Khê rất vất vả, nhưng cán bộ ở đây cũng vất vả không kém. Đứng trên “đỉnh” hạn, họ đang có nhiều nỗi lo: lo thiếu nước tưới cho ruộng, lo nước sinh hoạt cho người và gia súc. Cái lo thường trực nữa là lo cháy rừng, bởi Hương Khê hiện có 147 công trình hồ đập lớn, nhỏ, nhiều hồ như Khe Mui (Hương Lâm), Mục Bài (Hương Xuân), Khe Trẹ (Phú Gia), Ông Vờm (Lộc Yên) đều đang trong tình trạng “mực nước chết”. Đập nước Sông Tiêm - một công trình thủy lợi được xây dựng khá kỳ công, tạo nguồn sinh thủy nuôi hàng trăm hecta ruộng trên đất Hương Khê, nhưng bữa nay, “bầu sữa nước” này đang cạn dần.

Nhiều giải pháp cứu người, cứu cây

Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, chính quyền đã hướng dẫn các hộ dân cách phòng chống hạn cho cây cối, hoa màu; đồng thời khuyến cáo mọi người hạn chế ra đường để tránh sốc nhiệt cũng như chú ý nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn.

Để chống hạn, huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp như tấp ủ gốc, tưới nước; tìm kiếm, bổ sung thêm các nguồn nước như đào giếng, huy động máy bơm từ các sông suối gần vườn cây để chống hạn.

 

tr37.jpg
Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều diện tích chè ở Hương Trà, Hương Khê bị khô héo...

 

Với diện tích cam, bưởi lớn nhất huyện, nông dân xã Thượng Lộc (Can Lộc) đang dùng nhiều phương pháp để bổ sung nước và chất dinh dưỡng, giúp cây đặc sản vượt nắng nóng.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, thông tin: “Nắng nóng khắc nghiệt, việc chăm sóc cây đặc sản càng vất vả. Bà con đang tập trung tưới tiêu cho gần 300ha cam, bưởi, trong đó có 200ha đã cho thu hoạch. Năm nay, tỷ lệ ra hoa, đậu quả của cam Thượng Lộc ít hơn năm ngoái khoảng 15% nên việc chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đóng vai trò quan trọng nếu muốn đạt năng suất cao. Hiện đang là giai đoạn quả phát triển, rất cần nước, do vậy địa phương cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên bám nắm tình hình, hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc, cung cấp độ ẩm giúp cây khỏe, quả tốt”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, công tác chống hạn đang được các địa phương triển khai quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trước dự báo trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục nắng nóng gay gắt kéo dài 10 - 20 ngày tới, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp chống hạn, kỹ thuật cho cây trồng vụ hè thu.

“Để chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, các công ty thủy lợi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức đắp chặn các trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch để giữ nước. Mặt khác, bơm tát, lắp đặt thêm các máy bơm dã chiến, thực hiện phương án chuyển nước tạo nguồn từ các hồ chứa để chống hạn”, ông Thanh nhấn mạnh.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top