Sau cơn bão số 7 vừa qua, dự kiến cơn bão số 8 sẽ trực tiếp đổ bộ vào nước ta vào ngày 14/10, trong khi không khí lạnh tràn về sẽ gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Trung bộ.
Để tránh những thiệt hại, BCĐ phòng chống lụt bão các tỉnh miền Trung đã có chỉ đạo khẩn.
Nghệ An ban hành công điện ứng phó mưa bão
Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa ban hành Công điện số 37/CĐ-UBND ngày 13/10/2021 gửi: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Các Công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh về việc tập trung ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão.
Công điện yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh phải theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để có những ứng phó kịp thời, kiểm tra kiểm soát các phương tiện neo đậu tại các khu neo đậu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; triển khai các phương án sơ tán, bảo vệ dân khi cần thiết; kiểm tra các ngầm, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt; nghiêm cấm người dân đánh bắt cá ở các sông suối, hồ đập.
Công điện cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình, chủ động ứng phó với tình hình mưa bão.
Người dân chủ động phòng chống bão
Đứng trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8 đang tiến vào đất liền thuộc các tỉnh Bắc Trung bộ, ngư dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh bão. Vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng của người dân, đồng thời bảo đảm an toàn cho tài sản cơ sở, vật chất.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết, để đối phó với cơn bão số 8 đang di chuyển vào Nghệ An, huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động phòng chống bão. Đến chiều 13/10, đã có 100% tàu thuyền, bè mảng trên địa bàn huyện (trên 300 chiếc) về bờ neo đậu, đồng thời huyện triển khai các giải pháp đối phó với bão theo chỉ đạo của tỉnh và tình hình cụ thể của địa phương.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản cho biết, trước đó ngư dân đã di chuyển tàu thuyền về tránh bão số 7, nên hiện nay 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Nghệ An đang neo đậu vào vị trí an toàn để tránh bão số 8 Nghệ An, hiện chỉ còn một số tàu thuyền nhỏ đang hoạt động gần bờ, tuy nhiên trong chiều nay cũng phải di chuyển vào vị trí neo đậu an toàn để tránh bão. Nghệ An hiện có 3.438 phương tiện/17.190 lao động.
Người nuôi tôm ở Hà Tĩnh chủ động ứng phó với bão số 8
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8 đang tiến vào đất liền trong đêm 13/10, người nuôi tôm ở Hà Tĩnh đã chủ động gia cố các đầm nuôi tôm để ứng phó với mưa bão.
Gia đình anh Trần Công Chung (thôn Đồng Giang, xã Thạch Khê, Thạch Hà) đang nuôi 2 hồ tôm với 20 vạn con giống, tổng diện tích gần 1.000 m². Với kinh nghiệm 6 năm nuôi tôm, khi nghe tin bão số 8, anh Chung đã cho công nhân đóng cọc, giăng lưới toàn bộ hồ để giảm thiểu thiệt hại nếu không may bão vào.
Anh Chung cho biết: Nuôi tôm chi phí cao, lại hay bị rủi ro dịch bệnh nếu không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, nhiệt độ, môi trường. Chúng tôi có 5 hồ nhưng mùa này thiên tai, thời tiết bất thường nên chỉ thả nuôi 2 hồ. Lứa tôm này mới thả nuôi hơn 1 tháng nên càng cần được chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, khi có tin bão, tôi đã chủ động các biện pháp để ứng phó. Ngoài giăng lưới để tránh tôm tràn ra ngoài nếu nước dâng cao, chúng tôi cũng bổ sung canxi, khoáng để ổn định độ PH cho nước trong hồ.
Ngoài ra, các hộ nuôi trồng đã chủ động thực hiện các biện pháp giằng néo, khoanh lưới xung quanh hồ, bổ sung dưỡng chất tăng đề kháng cho tôm… để giảm thiệt hại.
Ông Lê Thanh Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: “Toàn huyện có hơn 300 ha nuôi tôm, tập trung ở các xã: Cương Gián, Xuân Liên, Xuân Phổ, Cổ Đạm. Vừa qua, địa phương đã tuyên truyền, chỉ đạo để các hộ thực hiện các phương án ứng phó mưa bão, chú trọng các biện pháp kiểm tra, gia cố ao hồ nuôi; bổ sung khoáng chất, vitamin để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường; dự phòng nước mặn để bơm vào hồ nuôi khi cần".
Theo thông tin từ Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 6.539 ha diện tích đang nuôi thuỷ sản với sản lượng ước khoản 3.113 tấn chưa thu hoạch; trong đó, diện tích nuôi tôm khoảng 1.662 ha, sản lượng 1.273 tấn.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, trước tình hình mưa bão, người nuôi tôm cần lưu ý nạo vét kênh mương; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, bờ bao; chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống ao hồ, hạ tầng khi có tình huống xấu xảy ra...
Kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão số 8
Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, các địa phương ở Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp ứng phó như: kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản, đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Ngày 11/10, huyện Kỳ Anh đã có công điện và phân công các đoàn công tác chỉ đạo địa phương triển khai khẩn cấp các giải pháp ứng phó với mưa bão. Đến cuối chiều 11/10, 100% tàu thuyền của huyện Kỳ Anh với 585 chiếc của ngư dân các xã: Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang sẽ về nơi trú ẩn an toàn.
Ở các vùng nuôi trồng thủy sản Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Hải, chính quyền đang vận động, hỗ trợ người dân chủ động thu hoạch, né tranh thiên tai; triển khai các giải pháp tiêu úng bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương cũng đang kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Các xã miền núi chủ động triển khai các biện pháp đề phòng sạt lở đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn của thị xã Kỳ Anh (hơn 1.390 phương tiện tàu thuyền với 4.364 lao động) đã được nắm bắt thông tin, diễn biến, đường đi của bão số 8.
Sáng 12/10, Đồn Biên phòng Đèo Ngang đã huy động 15 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ di chuyển tàu thuyền cùng ngư lưới cụ của ngư dân ở thôn Đông Sơn, Đông Yên (xã Kỳ Lợi) và thuyền của một số hộ dân xã Kỳ Nam vào nơi tránh trú an toàn.
Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Địa phương đã có các công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với bão số 8 và hoàn lưu sau bão.
Theo đó, chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn và bảo vệ các vùng nuôi thủy, hải sản trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn các phương tiện trong khu neo đậu đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; chủ động kiểm tra, rà soát các công trình tiêu thoát lũ trên địa bàn...".
Tại huyện Cẩm Xuyên đã ban hành lệnh cấm biển đối với tất cả tàu thuyền từ 9h sáng 12/10. Hiện nay, 882 tàu thuyền của 7 xã ven biển huyện Cẩm Xuyên đã về neo đậu tránh trú bão an toàn.
Địa phương cũng giao các xã khẩn trương rà soát ngay các hộ dân, trang trại ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét, lũ ống; thông tin ngay cho người dân để chủ động ứng phó với các tình huống; cử cán bộ theo dõi sát từng vùng, tuyệt đối không được để các tình huống bất ngờ có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát; bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8,huyện Nghi Xuân đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Đến thời điểm này, có 815/815 tàu thuyền đã về neo đậu tại Cảng cá Xuân Hội, âu thuyền tránh trú bão tại xã Xuân Hội và các địa phương ven biển.
Ông Lê Thanh Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Hiện nay, các hoạt động chuẩn bị ứng phó với bão số 8 đã cơ bản sẵn sàng. Đặc biệt, các địa phương đã chuẩn bị thuyền, các loại máy công trình và hàng trăm thuyền nhỏ của người dân để huy động khi cần. Đồng thời, huyện cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa, bảo quản tài sản để ứng phó với thiên tai...
Chương trình từ thiện: Cùng em đến trường hỗ trợ học sinh nghèo “Viết tiếp ước mơ” giai đoạn 2025 - 2028 sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.
Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.
Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.