Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 14:55

Người dân Thường Tín đồng sức thu hẹp khoảng cách với nội thành

Nhờ đồng sức, đồng lòng giữa chính quyền và người dân, đến nay, công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Thường Tín (Hà Nội) đã đi được quá nửa chặng đường. Bà con đang nỗ lực để sớm về đích NTM nâng cao như dự định.

Đất trăm nghề, kinh tế vững

Chủ tịch Hội Sơn mài thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái) - bà Nguyễn Thị Hồi cho biết, Hội có trên 100 hội viên, tất cả cùng chung tay giữ gìn làng nghề nhiều thập kỷ nay.

Bà Hồi gắn bó với nghề từ năm 1973. Sau khi học hết cấp II, bà tham gia HTX khảm trai và chuyên tâm với nghề từ bấy đến nay. Công việc khá đơn giản, nhưng đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ khi cắt giũa, mài, với các sản phẩm như: chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử giám, đền Ngọc Sơn và các loại hộp đựng đồ trang sức; album ảnh, bàn cờ; khay để bát đĩa, cốc chén…

Thời kỳ này, khách hàng đặt mua khá nhiều, nhiều khi làm không xuể, chủ yếu xuất sang Đông Âu, giá bán 25.000 -30.000 đồng/sản phẩm (tuỳ kích cỡ, to nhỏ).

Các mặt hàng cũng khá phong phú, do có thêm các loại tranh phong cảnh như: chùa Hương, chùa Thầy, cầu Thê Húc, giá cả 150.000 - 200.000 đồng/bức. Thời kỳ xóa bao cấp, HTX giải thể, sau đó khôi phục ổn định như ngày nay. Hiện, sản phẩm của làng nghề vẫn được người dân trong nước và bạn bè quốc tế đón nhận, với nhiều loại kích cỡ, màu sắc, chất liệu, giá cả khác nhau, tuỳ theo đơn hàng. Có thể dát vàng, bạc hay gắn vỏ trứng…, giá từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng/sản phẩm.  

 

2.JPG
Chị Thuý trong cơ sở sản xuất nấm.

 

Chị Đỗ Thị Thuý ở xã Hà Hồi cho biết, chị buôn bán ở chợ đầu mối huyện, thấy người dân làm rau màu cung cấp cho chợ ngày càng nhiều, nhất là các loại nấm. Do người dân chuyển sang ăn thực vật, ăn chay ngày càng đông, vì vậy, năm 2019, hai vợ chồng chị quyết tâm xây dựng cơ sở sản xuất nấm. Vừa để sử dụng trong gia đình, vừa cung cấp cho thị trường, với 2 loại chính: nấm sò và mộc nhĩ.

Để có mặt bằng sản xuất, gia đình chị Thúy phải thuê trên 8.000m2 đất của 19 hộ dân, thời hạn 15 năm với giá 10 triệu đồng/tháng. Hiện, khu nhà xưởng của gia đình rộng 3.000m2, chứa 13 vạn phôi nấm. Tuy nhiên, năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, lại gặp phải thời tiết xấu nên thiệt hại khoảng 60 - 70%. Đồng thời, đây cũng là năm dịch Covid-19 bùng phát  nên sản phẩm chưa có nhiều, phải đến năm thứ 2, khi mở rộng diện tích thêm 4.000m2, sản phẩm mới ổn định như ngày nay.

Hiện, đầu ra khá thông thoáng vì nhu cầu lớn, mộc nhĩ mỗi năm cho thu 1 vụ, khoảng 4-5 tấn khô. Khách hàng đến lấy sản phẩm, phơi nắng tự nhiên tại xưởng, đi giao hàng cho các địa phương như Thanh Oai, Hoài Đức, hoặc ngay tại chợ đầu mối Thường Tín. Sản phẩm nấm sò cũng đạt chuẩn, được khách hàng ưa chuộng, cả 2 loại đều đạt chuẩn VietGAP năm 2020.

“Từ năm 2021 đến nay, trang trại nấm của gia đình đã phục hồi sản xuất. Dự kiến, sẽ đạt 10 tấn mộc nhĩ khô, 40 tấn nấm sò tươi/năm. Tuy nhiên, nấm sò tươi sẽ làm ít hơn, do không dùng chất bảo quản và thời gian sử dụng ngắn. Những năm đầu, vừa mới bắt tay sản xuất, đã gặp ngay dịch Covid-19 nên chỉ hoà vốn. Hiện, doanh thu đạt 1,5 -1,6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 400 – 450 triệu đồng/năm.    

Để duy trì khu sản xuất, gia đình phải thuê 13 -15 lao động thời vụ, với mức thù lao 180.000 - 200.000 đồng/người/ngày; lao động thường xuyên 2-4 người, trả lương quanh năm, mức lương như lao động thời vụ”, chị Thuý cho biết thêm.

Cùng bà con san bằng khoảng cách với nội thành

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Huyện uỷ Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết: “Để sớm hoàn thành XDNTM nâng cao, giai đoạn 2020-2025, Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Chương trình 02 Huyện uỷ định kỳ hàng tháng, quý hoặc đột xuất đi kiểm tra, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tính đến hết quý II/2022, Thường Tín đã có 28/28 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đang tiếp tục phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đặc biệt, hệ thống đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn, xóm đã đạt chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Các tuyến đường ngõ, xóm cũng đảm bảo sạch, không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, an toàn”.

 

1.JPG
Công nhân sản xuất hàng sơn mài tại xưởng.

 

 Theo ông Minh, công tác phòng, chống thiên tai được thành lập từ huyện đến xã; nhiều đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, kiện toàn lực lượng tham gia, sẵn sàng ứng phó khi có mưa, bão theo phương châm 4 tại chỗ. Hệ thống thủy lợi đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu và đảm bảo tiêu thoát nước trong khu dân cư. Diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động đạt 100%.

Đặc biệt, Thường Tín đã  nâng cấp Cổng thông tin điện tử huyện, đưa vào hoạt động 29 trang thông tin điện tử xã, thị trấn; giúp đẩy mạnh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Hiện, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ các ứng dụng dùng chung trên địa bàn, đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông, đảm bảo công tác bảo mật, an toàn và vận hành của hệ thống.

“Đến thời điểm này, nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ XDNTM đạt 414.440 triệu đồng, ngân sách huyện 364.933 triệu đồng, ngân sách xã 64.840 triệu đồng, vốn huy động ngoài ngân sách 60 triệu đồng, người dân đóng góp 60 triệu đồng”, ông Minh cho biết thêm.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: “Thường Tín cần phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh từ trang trại, vì lĩnh vực này đã khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật. Nhờ đó, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy tích tụ ruộng đất, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, với quy mô vừa và lớn, gắn với thị trường tiêu thụ.

Vì vậy, địa phương cần duy trì và nâng chất các tiêu chí, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao, NTM  kiểu mẫu để đảm bảo XDNTM là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Huyện  phấn đấu năm 2022 đạt thu nhập trên 60 triệu đồng/người, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 95%, tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo trên 65%”.

 

 

 

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top