Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2019 | 13:41

Người dân Trung Thành mong sớm có một cây cầu

Cách đây hơn 1 năm, cầu treo duy nhất nối xã Trung Thành với xã Thành Sơn (Quan Hóa - Thanh Hóa) bị nước lũ cuốn trôi khiến việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Vì thế, bà con nơi đây mong sớm có cây cầu mới để thuận tiện đi lại và giao thương hàng hóa.

 

tr15.jpg
Có trường hợp, khi lên xuồng, cả người và xe máy bị rơi xuống sông. Rất may, chưa có thiệt hại về người.

Cô lập... vì không có cầu

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, cho biết, Trung Thành là xã đặc biệt khó khăn (xã 135), với gần 3.000 nhân khẩu (624 hộ), trong đó người dân tộc Mường, Thái chiếm phần lớn. Thu nhập bình quân đạt 16,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 19,6%, hộ cận nghèo 36,17%.

Trong xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt 12/19 tiêu chí, đặc biệt, xã chưa có 1 một nhà văn hóa để nhân dân sinh hoạt. Riêng bản Sậy, với hơn 300 nhân khẩu (87 hộ), tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%, cũng là một trong số ít bản của huyện Quan Hóa chưa có điện lưới quốc gia.

Bản Sậy nằm trên đồi cao, cách trung tâm xã ngược về thượng nguồn sông Mã 6km, chủ yếu là đường đất, dốc, nếu không cẩn thận có thể trượt chân rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Đường xuống trung tâm xã gặp khó khăn nên người dân thường đi sang bờ bên kia sông (địa phận xã Thành Sơn) bằng xuồng 3 lá.

Theo ông Toàn, cây cầu treo duy nhất làm từ năm 1999, nối xã Trung Thành với xã Thành Sơn, vào tháng 8/2018, trận lũ lớn đã làm đứt, trôi mất khiến việc đi lại của nhân dân gặp khó khăn.

“Không có cầu, Trung Thành trở thành hòn đảo cô lập. Người dân muốn giao dịch với bên ngoài hoặc xuống huyện đều phải đi xuồng qua sông Mã sang bên kia sông rồi mới di chuyển tiếp. Nếu nước sông lên cao, không vận chuyển hàng hóa từ xã Thành Sơn sang được thì người dân xã Trung Thành không có nguồn thực phẩm để sử dụng.

Hôm vừa rồi, hàng người đi chợ Co Lương (Mai Châu - Hòa Bình) về, nước lũ lên cao, chỉ người sang được sông, còn xe máy phải để lại phơi nắng, phơi mưa gần 1 tuần. Không có cầu, giao thương bị hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của nhân dân. Nếu không có việc cần thiết thì bà con không đi lại vì quá vất vả, lại tốn thêm kinh phí,” ông Toàn cho biết thêm.

Giải bài toán dân sinh và kinh tế

Sau khi cầu treo bị trôi, huyện Quan Hóa hỗ trợ Trung Thành 1 xuồng máy, cùng với 2 xuồng máy khác của người dân, xã thành lập 1 tổ điều hành việc đi lại. Mỗi một lần qua sông, xuồng chở được 4 - 6 người, với mức phí 10.000 đồng/lượt người kèm xe máy, 5.000 đồng/2 lượt đi, về đối với người không có phương tiện, nếu vận chuyển hàng hóa thì giá tự thỏa thuận.

Bà Đinh Thị Cuồn ở bản Chiềng tâm sự, gia đình có 1 xuồng chở khách, mỗi ngày chở khoảng 20 lượt khách qua lại. Thường thì chúng tôi trực tới 21 giờ  nhưng chẳng may có người ốm hay công việc đột xuất, mình vẫn phải đưa họ qua sông. Người dân chúng tôi mong sớm có cây cầu, không có cầu cứng thì cây cầu treo cũng được, để bà con đi lại đỡ vất vả.

“Cách nhau con sông nhưng giá nhiều mặt hàng bán tại Trung Thành cao gần gấp đôi so với  Thành Sơn. Quả trứng bên này chỉ có 3.000 đồng, sang bên kia bán 5.000 đồng… Khó khăn nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu, giá thành lên cao nên nhiều nhà thi công không muốn vào Trung Thành thực hiện các dự án của xã”, ông Toàn thở dài.

Cũng theo ông Toàn, luồng là cây mũi nhọn của xã, người dân chỉ bán được bằng 1/3 giá ở xã Thành Sơn. Luồng bán giá thấp do người mua phải trừ chi phí thuê xe chở ra sông, bốc, đóng bè, thuê thuyền đẩy sang bên kia sông, cuối cùng thuê người bốc lên ô tô chở đi tiêu thụ.

Việc đi lại bằng xuồng đã gây ra nhiều khó khăn, bất tiện, nhất là khi trong xã có đám cưới, ma chay, hay có người ốm đau. Đã có trường hợp cả người và xe máy  hay  xe công nông (xe người dân tự chế) chở cả tấn xi măng khi lên xuồng bị rơi xuống sông, rất may là chưa có thiệt hại về người.

Theo bà Cuồn, gia đình bán hàng tạp hóa  10 năm nay, trước kia còn cầu, bà thường trực tiếp đi lấy hàng về bán nên giá rẻ hơn. Nay, cầu không còn,  phải thuê người vận chuyển nên giá một số mặt hàng cao hơn so với nơi khác như: xăng dầu bán cao hơn 2 giá, gạo cao hơn 10.000 đồng/bao. Luồng bà mua cũng tahấp hơn 2 giá để chi cho việc vận chuyển.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quang Hóa, cho biết, cầu treo ở Trung Thành bị đứt khiến việc đi lại của bà con, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Huyện đã hỗ trợ xã 1 xuồng; mới đây, hỗ trợ bản Sậy 1 xuồng để bà con có phương tiện đi lại tạm thời qua sông.

Theo ông Tự, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây cầu cứng nối sang Trung Thành, cầu rộng 6m, tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Huyện đã nộp hồ sơ trình các sở phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phấn đấu đến tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay khởi công xây cầu.

Người dân xã Trung Thành mong các sở ngành của tỉnh Thanh Hóa sớm hoàn thiện các thủ tục khởi công, thi công cây cầu để bà con đi lại được thuận lợi và có điều kiện phát triển kinh tế.

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top