Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 5 năm 2022 | 15:4

Người đầu tiên ở Hà Nội nuôi cua biển trong nhà

Thông qua hệ thống lọc tuần hoàn, anh Lê Đức Cảnh, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nuôi cua biển trong nhà với quy mô lớn.

Mô hình nuôi cua biển trong nhà không mới trên thế giới, song mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2019.

Cách đây khoảng 5 tháng, anh Lê Đức Cảnh, 37 tuổi, trú xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, đưa mô hình này về áp dụng lần đầu tiên tại Hà Nội. Đây đồng thời cũng là trại nuôi cua trong nhà thứ hai ở miền Bắc, bên cạnh một trại khác tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

 

cua-bien.jpg

Để tiết kiệm diện tích, những con cua biển được nuôi trong những chiếc hộp nhựa nhỏ, được xếp thành giàn và đánh số thứ tự. Thông thường mỗi ô sẽ chỉ nuôi một con nhằm tránh ăn thịt lẫn nhau.

Với 1.000 hộp cua đang có, anh Cảnh từng thuê xe chở khoảng 30 khối nước biển từ Hạ Long về Hà Nội và đầu tư chi phí ban đầu khoảng 450 triệu đồng. "Mỗi năm nước sẽ được thay mới một lần. Lượng nước bốc hơi sẽ được đổ thêm nước ngọt kết hợp với muối biển nhân tạo", anh Cảnh chia sẻ.

Hai giống cua nuôi là cua cốm và cua lột. Trong đó cua lột có giá trị dinh dưỡng cao và được thu hoạch ngay khi vừa lột mai xong.

Hiện, trên thị trường, cua lột khá khan hiếm do khó đánh bắt và ngay cả khi nuôi quảng canh. Giá có thể lên tới 800.000 đồng/kg.

 

cua.jpg

Thời điểm mua giống về, những con cua đều đã có kích thước lớn với khoảng 6 con/kg. Sau khoảng 20-45 ngày nuôi trong hộp, cua bắt đầu cho thu hoạch, khi đó đạt khoảng 4 con/kg. Việc chọn cua lớn để nuôi thay vì cua nhỏ nhằm rút ngắn thời gian và chi phí.

Cua chủ yếu được cho ăn cá và ốc, ngày hai lần. Chất lượng thịt cua hiện không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn.

Trái tim của mô hình này nằm ở hệ thống lọc nước tuần hoàn, sục tạo khí oxy. Thức ăn thừa và chất thải của cua sẽ đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử vi khuẩn bằng tia UV.

Những vi sinh bám và sống nhờ trong hạt nhựa kaldnes (vai trò như san hô) sẽ ăn chất thải của cua và thức ăn thừa lơ lửng trong nước nhằm giúp môi trường sạch hơn. "Máy lọc chạy liên tục ngày đêm, thường cứ 4 tiếng sẽ cho máy nghỉ khoảng 15 phút", anh Cảnh nói.

Nước nuôi cua biển thường xuyên được kiểm tra, mỗi ngày sẽ có ít nhất 3 lần lấy nước nhằm kiểm tra độ pH, độ mặn. Anh Cảnh cho biết, thời gian đầu cua chết khá nhiều do không kiểm soát được nguồn nước.

 

cua-1.jpg

 

Hiện, trang trại cua của anh Cảnh bắt đầu bán lẻ cho khách ở địa phương.

Theo anh Cảnh, nuôi cua trong nhà có ưu điểm là không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhân công chăm sóc ít, thời gian nuôi rút ngắn khoảng 2 tháng so với nuôi quảng canh. Tuy vậy, để thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, mỗi trang trại cần nuôi từ 5.000 hộp trở lên. "Khi đó mình có thể tận dụng hệ thống lọc, giúp giảm chi phí vận hành", anh Cảnh nói.

Theo vnexpress.net

 

Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top