Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2017 | 1:49

Người đưa chè La Bằng đến APEC 2017

Không chỉ xây dựng thành công thương hiệu cho chè La Bằng, bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng (huyện Đại Từ) còn đưa đặc sản quê mình trở thành một trong 2 món quà của Thái Nguyên gửi tặng Hội nghị cấp cao APEC Việt Nam 2017.

Hành trình xây dựng thương hiệu cho chè

Sinh ra và lớn lên ở xứ chè, cả tuổi thơ của bà Hải đắm mình bên những đồi chè xanh ngút ngàn, lô xô như bát úp; đắm mình trong hương vị thơm ngát của những mẻ chè mẹ sao bên bếp lửa. Thời bao cấp, bà chứng kiến cảnh vất vả của mẹ khi phải mang từng cân chè ra chợ huyện bán lén lút nếu không muốn bị quản lý thị trường thu giữ. “Người làm chè vất vả, một nắng hai sương nhưng thu nhập rất bấp bênh. Tôi nhớ mẹ tôi làm vất vả lắm mới được 1kg chè mà chỉ bán được với giá 30 đồng”, bà Hải nhớ lại những ngày tháng đó.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, không thi đỗ đại học, bà Hải ở nhà gắn bó với đồng ruộng, đồi chè. Lập gia đình, cuộc sống của cả nhà bà cũng dựa vào cây chè. “Ngày đó, do chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sao sấy hoàn toàn bằng thủ công nên năng suất chè rất thấp, cuộc sống rất khó khăn”, bà Hải nhớ lại.

Để cải thiện chất lượng chè, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do địa phương tổ chức. Nhưng dù chè La Bằng có ngon đến mấy thì vẫn chưa vượt ra khỏi làng. Như nhiều người làm chè khác trong vùng, bà Hải chỉ biết sao chè và mang ra chợ bán.

Lần đầu tiên bà cảm nhận được giá trị của một tên gọi ấy là vào thời điểm năm 2001-2002. Lúc đó, bà và một vài hộ trồng chè tiêu biểu ở La Bằng được tham gia vào Liên hiệp Hợp tác xã chè Tân Cương – Thái Nguyên do một tổ chức phi chính phủ của Canada tài trợ hoạt động. Bà mang chè của La Bằng về hội chợ nông nghiệp ở Hà Nội, bán trong gian hàng của tỉnh dưới cái tên chè của Liên hiệp Hợp tác xã chè Tân Cương, sản xuất ở La Bằng. Lúc đó, ai cũng tấm tắc khen ngon. Sau đó, chè Tân Cương được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, những sản phẩm chè khác không thuộc đất Tân Cương không được phép mang tên gọi này, chè La Bằng phải trở lại với cái tên của mình.

“Mới ngày hôm trước, cùng búp chè ấy, thứ nước ấy, người ta thi nhau khen ngon, vậy mà dưới một cái tên mới, khách hàng trở nên thờ ơ đến lạnh lùng. Thậm chí, khi tôi giới thiệu La Bằng là vùng chè nổi tiếng ở Thái Nguyên không kém gì Tân Cương, họ còn không tin, nghĩ La Bằng ở tận Cao Bằng”, bà Hải chia sẻ.

Đem những băn khoăn ấy đến gặp thầy giáo ở lớp tập huấn IPM, bà nhận được câu trả lời: Là do chè của quê hương bà chưa xây dựng được thương hiệu. “Lúc đó tôi rất trăn trở, tại sao chất lượng chè của quê mình không thua kém những nơi khác mà giá bán luôn thấp hơn. Phải làm thế nào để cái tên La Bằng đi vào lòng người tiêu dùng một cách tự nhiên và bền vững”, bà Hải nói.

Đem những trăn trở này tâm sự với người bạn học cùng lớp, đồng thời là Chủ tịch UBND xã lúc đó, bà nhận được sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo xã, với điều kiện, hợp tác xã mới thành lập phải do bà làm quản lý. 

Sau nhiều nỗ lực thuyết phục của bà Hải và vị lãnh đạo xã có tâm, năm 2006, Hợp tác xã Chè La Bằng được thành lập với 13 thành viên, chủ yếu là đội ngũ cán bộ xã cộng với 4 nông dân, trong đó có bà Hải, mục tiêu trước mắt là xây dựng cho được thương hiệu chè La Bằng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Mục tiêu là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện, bà Hải và các thành viên HTX phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đầu tiên là làm quen với các khái niệm, các bước thực hiện. “Năm 2007, ra Cục Sở hữu trí tuệ làm thủ tục, tôi không biết bắt đầu từ đâu, phải nhờ cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên giúp đỡ, nhưng khi trình hồ sơ, cái tên La Bằng không được chấp nhận vì cái tên đó đại diện cho cả một địa danh, trong khi HTX chỉ là một nhóm hộ”, bà Hải nhớ lại chặng đường đầu tiên đi tìm tên cho chè. “Sau đó, bà làm thế nào để hóa giải điều này?”, tôi hỏi - “Thú thực là chúng tôi phải lách luật một chút, chúng tôi lấy tên tiếng Anh là La Bang vì không muốn từ bỏ cái tên đã gắn bó như máu thịt với mỗi người”.

Tháng 10/2008, đánh dấu thời điểm cái tên chè La Bang ra đời, cũng từ đấy, bà cùng các thành viên HTX, anh em công nhân miệt mài sản xuất, miệt mài tham gia khắp các hội chợ trong Nam ngoài Bắc để giới thiệu sản phẩm. Bà Hải nhớ lại: “Các hội chợ ở Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng đến TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, chúng tôi đều có mặt, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể vì kinh phí hầu như phải tự túc”.

Mấy năm trời ròng rã, tiền cũng đã cạn, “đến người nhà cũng mệt mỏi”, như lời bà Hải nói, mà không thu được kết quả, sức tiêu thụ sản phẩm vẫn chậm, La Bang vẫn là cái tên chìm nghỉm trên thị trường chè Việt, năm 2009, bà Hải cảm thấy bất lực, đã có lúc muốn buông xuôi, thậm chí lúc đó, nhiều xã viên đã nản chí, bỏ cuộc, HTX chỉ còn lại 4 thành viên. Câu hỏi: “Nên buông hay giữ?”, lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Bà bảo: “Nếu bây giờ buông bỏ thì thành quả gây dựng từ đầu sẽ tan như bong bóng, tôi động viên mình và mọi người cố gắng thêm một năm nữa, nếu lúc đó không thành công sẽ chấp nhận thất bại”. Bà vận động thêm 4 người nữa để đảm bảo 7 thành viên, đủ điều kiện giữ lại HTX và tiếp tục cố gắng giữa bốn bề gian khó.

Bà Nguyễn Thị Hải giới thiệu sản phẩm Đinh tâm trà, món quà tặng APEC 2017 tại Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017.

Rất may, “ánh sáng cuối đường hầm” đã bắt đầu le lói khi một cơ duyên tuyệt vời đến với La Bằng, chương trình “Làng Việt” của Đài truyền hình Việt Nam chọn La Bằng là địa điểm tổ chức cuộc thi giữa 3 làng chè nổi tiếng Thái Nguyên là La Bằng, Tân Cương, Trại Cài. Cuộc thi thu hút rất đông người đến La Bằng, phát rộng rãi trên sóng truyền hình. “Sau cuộc thi đó, chè La Bằng được nhiều người biết đến, lượng đơn hàng tăng đột biến”, bà Hải vui vẻ khoe.

Nhưng dường như khó khăn vẫn chưa hết, vẫn tiếp tục thử thách bản lĩnh của người phụ nữ nhỏ bé nhưng có nụ cười rất tươi tắn này. Năm 2010, tỉnh Thái Nguyên  và huyện Đại Từ có chủ trương xây dựng nhãn hiệu tập thể chè La Bằng. Nhưng khi gửi hồ sơ về Cục Sở hữu trí tuệ thì nhận được câu trả lời, HTX đã đăng ký nhãn hiệu La Bang thì không thể cấp chứng nhận La Bằng được nữa. Huyện, xã muốn HTX nhượng lại quyền sở hữu cái tên này. Một lần nữa, tình thế đặt bà Hải vào những lựa chọn rất khó khăn. “Nếu không chuyển nhượng, cái tên này chỉ có một nhóm hộ được hưởng lợi, nếu đăng ký chè La Bằng thì người dân toàn xã ai cũng được hưởng. Nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, làng xã, cuối cùng các xã viên cũng đồng ý ký vào biên bản chuyển nhượng. Từ đây, HTX được sử dụng cái tên La Bằng một cách danh chính ngôn thuận”, bà Hải tâm sự.

Sau khi mang tên chè La Bằng, sản phẩm của HTX ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm cung cấp sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, bà vận động xã viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP dù biết rằng, hành trình này không hề đơn giản. Nhưng như bà nói: “Giai đoạn gian khó nhất đã qua, muốn cái tên La Bằng mãi tồn tại trong lòng người tiêu dùng thì sản phẩm phải ngon và sạch. Bà con xã viên vốn đã quen với kiểu canh tác cũ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không theo nguyên tắc nay phải áp dụng những quy trình canh tác nghiêm ngặt, phải ghi chép nhật ký sản xuất nên ban đầu ai cũng ngại. “Mưa dầm thấm lâu, các bộ khuyến nông, lãnh đạo HTX cứ động viên, tuyên truyền, giờ thì bà con xã viên ai cũng nằm lòng các quy tắc của sản xuất an toàn”.

HTX chè La Bằng đang được thu những mùa quả ngọt. Hiện, HTX có 12 xã viên và 40 hộ liên kết trồng chè với diện tích khoảng 20ha. Nhờ chất lượng thơm ngon, giá chè bình quân HTX bán ra thị trường là 200.000 đồng/kg. Năm 2016, HTX tiêu thụ được khoảng 10 tấn chè, con số ấn tượng so với một HTX còn non trẻ. “10 tháng năm 2017, lượng bán ra tương đối nhiều và may mắn nhất là chúng tôi có những khách hàng chung thủy với mình từ đầu đến giờ, dù qua bao khó khăn họ vẫn lựa chọn chè La Bằng, cộng thêm với khách hàng mới ngày một tăng, chúng tôi hy vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng trong thời gian tới”, bà Hải khoe.

Món quà cho APEC

Trong câu  chuyện với tôi, nhắc lại chuyện sản phẩm “Đinh tâm trà” của HTX Chè La Bằng” trở thành một trong 2 món quà của Thái Nguyên gửi tặng Hội nghị cấp cao APEC, bà Hải vẫn nghĩ rằng điều đó “đẹp như một giấc mơ” - “Cho đến giờ tôi vẫn chưa tin có ngày chè La Bằng được đi xa đến thế”.

“Cơ duyên nào đưa HTX nào đến với cơ hội có một không hai này, thưa bà?”, tôi hỏi - “Để lựa chọn sản phẩm cung cấp cho APEC, Chính phủ có tổ chức hội nghị để các địa phương giới thiệu các đặc sản của mình. Thái Nguyên vốn nổi tiếng với chè nên ba làng chè tiêu biểu là La Bằng, Trại Cài, Tân Cương được cử đi giới thiệu sản phẩm. Cuối cùng chè của La Bằng và Trại Cài được chọn, thật không có gì vinh dự hơn”.

Bà Hải chia sẻ, ngay từ khi đọc công văn đề nghị lựa chọn sản phẩm với các tiêu chí: đồ thủ công mỹ nghệ, thân thiện với môi trường và đã gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người Việt, bà đã suy nghĩ rất nhiều. Quà tặng cho các lãnh đạo cấp cao dự APEC phải thể hiện được sự tinh túy của đất trời La Bằng, búp chè phải là loại tươi ngon nhất, đảm bảo an toàn cao nhất, được chế biến trên dây chuyền đảm bảo. “Điều làm tôi đau đầu nhất là hộp đựng sản phẩm. Suy nghĩ mãi, tôi nhận ra, cây tre từ bao đời nay đã gắn bó với người Việt, tre là thành lũy bảo vệ dân làng, tre hiện diện trong mọi ngõ ngách đời sống của người dân, vì vậy tôi quyết định chọn tre là chất liệu chính. Sau khi đặt hàng làm mẫu, ai cũng hài lòng vì sản phẩm được làm thủ công, bên ngoài rất mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế, sang trọng và cuối cùng, qua nhiều vòng đánh giá, chúng tôi được chọn”, bà Hải lý giải thêm.

Bước sang tuổi 54, các con đã trưởng thành, có cháu nội, ngoại đề huề, giờ là lúc bà Hải dành trọn tâm huyết cho sản vật quê hương. Chia tay bà, tôi tin, với “giấc mơ đẹp đẽ” này, chè La Bằng sẽ còn đi xa hơn nữa.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top