Bà Nguyễn Thị Quyến, người được ví như “cây xương rồng trước gió” vẫn hằng ngày mang sản phẩm phân bón hữu cơ Thiên Quyến đồng hành cùng bà con nông dân trên đồng ruộng.
Doanh nghiệp của bà còn phối hợp cùng Hội Làm vườn TP. Hải Phòng tổ chức tập huấn, phát triển, nhân rộng các mô hình trồng trọt, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường.
Tuổi già, trí không già
Khác với những người phụ nữ cùng thời, ở tuổi gần 80, độ tuổi “an phận” dưỡng già, vui vầy sớm hôm bên con cháu, nhưng bằng ý trí, nghị lực, bà Nguyễn Thị Quyến (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) vẫn say mê với công việc quản lý kinh doanh, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển chung của xã hội.
Hiện nay, bà Quyến quản lý 3 doanh nghiệp ở Hải Phòng, gồm: Công ty TNHH Thương mại sản xuất phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến, Công ty cổ phần Nhân đạo Hùng Vỹ, Nhà máy xử lý chất thải Minh Tân.
Chia sẻ với phóng viên, bà Quyến kể: “Sau khi rời Nhà máy Xi măng Hải Phòng về nghỉ hưu, tôi mang theo suy nghĩ bản thân còn trẻ, còn khỏe, còn phải lao động sản xuất. Hơn nữa, ngày đó nền nông nghiệp của Việt Nam chiếm đến 70-80%. Môi trường thì ngày càng ô nhiễm, chất bẩn nhất như phân gà, phân lợn, rác thải sinh hoạt…, những thứ đó không được thu gom mà đổ ra môi trường thì gây ô nhiễm. Nhưng chính những thứ bẩn nhất lại là thứ tốt nhất để làm nên sản phẩm phân hữu cơ, loại phân bón tốt nhất cho cây trồng, mà bán thì lại ra tiền. Hơn nữa, người dân ngày càng hướng đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe”.
Với trăn trở đem lại cho nông dân sản phẩm nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, ít tốn kém mà không ảnh hưởng đến môi trường, bà Quyến đã tìm đến các chuyên gia nghiên cứu tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất phân bón trong nước và nước ngoài, rồi học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất phân bón hữu cơ.
Năm 1998, bà thành lập Xí nghiệp Phân bón hữu cơ tổng hợp Hải Phòng. Những năm đầu tiên đi vào hoạt động, kinh nghiệm chưa có, dây chuyền sản xuất thô sơ, vốn lại không nhiều nên sản lượng thấp, chỉ khoảng 500 tấn/năm.
Bà Quyến cho biết: “Ngày đó, Hải Phòng chẳng ai làm về lĩnh vực này, nên sản phẩm cung cấp ra thị trường rất khó tiêu thụ, người dân không quan tâm đến phân hữu cơ. Phân vô cơ vẫn được lựa chọn vì chỉ cần rắc vài cân/sào lúa là đủ, nhưng dùng phân hữu cơ thì cần số lượng nhiều hơn, nên bà con chăm sóc cây trồng theo phương thức truyền thống. Xí nghiệp của tôi kết hợp cùng Hội Làm vườn TP. Hải Phòng đi khắp các địa phương để tổ chức tập huấn, phát triển các mô hình trồng trọt, chăm sóc bằng phân bón hữu cơ. Nó là cả một quá trình vật lộn, gian khổ của tôi, bám đồng, bám ruộng cùng người nông dân. Dần qua năm tháng, sản phẩm của công ty mới được người dân đón nhận, tin dùng”.
Sản lượng 20.000 tấn/năm
Khi thương hiệu phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến được thị trường đón nhận, sản phẩm đã có mặt ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… Sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 tấn/năm.
Trong suốt quá trình phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến luôn có sự đồng hành của Hội Làm vườn TP. Hải Phòng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Bà Ngô Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội Làm vườn TP. Hải Phòng, cho biết: “Bà Quyến tuy tuổi cao, sức khỏe có hạn, nhưng bà lại là người rất trách nhiệm, nhiệt tình với công việc của Hội. Trước đây là công ty nhỏ, nhưng đến nay hoạt động của công ty khá mạnh, lượng phân bón phục vụ không chỉ nông dân Hải Phòng mà cho các tỉnh khác, làm phân bón cho cây chè xuất khẩu đi nước ngoài. Trong 2 năm nay, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, giá phân bón lên cao, nhưng phân bón của bà Quyến lại có giá ổn định, có khả năng cải tạo, phục hồi đất và rất tốt cho cây trồng. Sản phẩm được thị trường đón nhận. Đội ngũ cán bộ của công ty tích cực tham gia các lớp tập huấn, giúp bà con nông dân sử dụng hiệu quả phân bón hữu cơ, tăng năng suất cây trồng”.
Năm 2014, sản phẩm phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Thương mại sản xuất phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến do bà làm Giám đốc, được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam; Viện nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn tặng Cờ công ty có thành tích xuất sắc trong sản xuất và bảo vệ môi trường; Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á Việt Nam tặng Cờ sản phẩm chất lượng cao phục vụ sản xuất tốt; Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016...
Thiện nguyện từ “Tâm”
Bà Nguyễn Thị Quyến không chỉ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà còn là phụ nữ tận tâm với hoạt động nhân đạo, thiện nguyện. Bà luôn tâm niệm, hàng năm trích vài trăm triệu đồng lợi nhuận từ việc kinh doanh để làm thiện nguyện, từ thiện và làm việc đó bằng cái “Tâm” chân thành.
Đối tượng bà hướng đến giúp đỡ là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, mẹ Việt Nam anh hùng và học sinh nghèo học giỏi, đồng bào bị thiên tai, bão lũ… Bà còn trợ dưỡng thường xuyên 3 người già cô đơn và 5 cháu mồ côi.
Từ nhiều năm nay, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe người cao tuổi Tâm Quyến do bà thành lập, ngoài việc khám - chữa bệnh, còn thường xuyên tổ chức tư vấn, khám và cấp phát thuốc miễn phí định kỳ vào các dịp kỷ niệm, lễ Tết, nhất là vào dịp Ngày quốc tế Người cao tuổi (1/10).
Mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng ngày ngày bà Quyến vẫn điều hành 3 doanh nghiệp ngày một phát triển; giúp nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.