Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 8 năm 2017 | 2:37

Người “bắt” nhãn trổ hoa, cho quả

Đang vào chính vụ nhưng hầu hết các vườn nhãn trên đất Hưng Yên năm nay đều ít quả, người trồng nhãn lại đứng ngồi không yên vì nhãn mất mùa. Tuy nhiên, không giống sự thưa thớt ở những khu vườn khác, vườn nhãn của ông Lương Văn Khoa (Yên Mỹ - Hưng Yên) vẫn sai trĩu quả, từng chùm chi chít mọng nước treo lủng lẳng trên cành.

Ông Khoa bên cây nhãn giống Miền Thiết.

Yêu nghề trồng trọt

Nghe tiếng ông là một người rất giỏi trong việc “bắt” nhãn phải trổ hoa, cho quả, đồng thời ông cũng là người gìn giữ, phát triển và nhân giống loại cây đặc sản nổi tiếng này của Hưng Yên, tôi về thôn Cảnh Lâm tìm gặp ông bằng được. Tôi may mắn khi nhanh chóng tìm được nhà ông, nhưng nơi tôi gặp được ông lại là vườn nhãn trĩu quả bên cạnh dòng sông Bắc Hưng Hải mùa này nước đỏ nặng phù sa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ của ông gắn liền với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và những cây nhãn lồng đặc sản nổi tiếng của quê hương. Hình ảnh cây nhãn tổ và những trái nhãn có vị ngọt lịm đã ngấm vào ông, nuôi ông lớn và theo ông đi đến tận bây giờ.

Nguyên là giám đốc Công ty Giống dâu tằm của tỉnh Hải Hưng (cũ), năm 1991 ông được nghỉ chế độ, cách nghỉ chế độ của ông cũng “khác người”, là bởi ông chủ động muốn nghỉ để về nhà ôm ấp và thực hiện niềm đam mê của mình, để gìn giữ, nhân giống và phát triển ba loại cây ăn quả là nhãn lồng, mít và bưởi trên vùng đất quê hương.

Ông tâm sự, ông mê trồng trọt bởi chính những loại cây trái bình thường này có thể giúp người dân quê ông có được cuộc sống ổn định, nhất là trong những lúc Tết đến, xuân về. “Tôi đã từng chứng kiến cảnh một gia đình hàng xóm trước đây vào những ngày giáp Tết, chỉ cần bán một cây bưởi trong vườn nhà cũng đủ mua sắm cái Tết tươm tất” – ông nhớ lại – “vì thế tôi tin là nông dân hoàn toàn có thể thoát nghèo từ các loại cây trồng đặc sản của địa phương”.

Chỉ tay về phía rặng nhãn nằm sát con sông Bắc Hưng Hải, ông Khoa cho biết: “Tôi mua lại vườn nhãn này của người dân trong làng, họ trồng lâu rồi nhưng không có hiệu quả, năng suất rất thấp. Sau khi mua xong, tôi cho chặt hết cành của cây cũ và bắt đầu tiến hành ghép giống nhãn mới, giống nhãn này có đặc điểm quả rất sai, to, vị ngọt, mẫu mã đẹp, toàn bộ khu vườn này có 80 cây đã được tôi cắt ghép và đã cho quả từ 3 năm nay”. Khi được hỏi về chi phí cho việc cắt ghép, cải tạo lại toàn bộ vườn nhãn, ông cười khà khà: “Tôi phải bỏ ra 18 tháng lương hưu đấy, chứ không ai hỗ trợ tôi hết”.

Tôi thắc mắc về giống nhãn, liệu có khác gì so với giống nhãn hiện nay vẫn đang được trồng ở Hưng Yên hay không? Ông lý giải, gọi là giống nhãn mới thôi chứ thực chất nó là giống nhãn vẫn thường được người dân Hưng Yên trồng, nó mới bởi vì được lai tạo phát huy những đặc điểm nổi trội hơn như quả to, vị ngọt, mẫu mã đẹp. Khi người dân ươm trồng, giống từ những cây nhãn cũ, cây trưởng thành và cho quả, khi thu hoạch bà con thấy nó khác với những cây trước, ngon hơn, ngọt hơn, to hơn và sai quả hơn nên giữ lại và nhân giống tiếp nên gọi là giống nhãn mới.

Hiện nay có hai loại là Miền Thiết và Hương Chi, đây là hai giống nhãn được hai gia đình trồng có quả to, ngon, ngọt và sai hơn những cây nhãn khác. Tên gọi Miền Thiết và Hương Chi chính là tên vợ chồng của hai gia đình đầu tiên lai tạo được giống nhãn này.

Nắm chắc kỹ thuật và quy luật của thời tiết

Có kinh nghiệm từ khi còn là giám đốc của Công ty Giống Dâu tằm, lại có hơn 26 năm nghiên cứu trồng và nhân giống cây nhãn, nên ông Khoa hiểu về cây nhãn hơn bất cứ những nhà khoa học nào.

Ông cho biết, người trồng nhãn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, phụ thuộc vào thời tiết, nếu mưa thuận gió hòa, thời tiết tuân thủ theo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì năm đó người trồng nhãn sẽ thành công và giành thắng lợi, còn không thì coi như mất trắng.

Tôi hỏi ông, sao năm nay Hưng Yên mất mùa nhãn, các hộ gia đình trồng nhãn ở xung quanh đều thất thu, nhãn không ra hoa, không đậu quả, trong khi vườn nhãn nhà ông lại nhiều và sai thế, các lứa nhãn cứ nối tiếp nhau ra hoa và đậu quả? Bí quyết nào để ông có một vườn nhãn sai quả thế này?

Nhấp một ngụm trà, ông Khoa từ từ chia sẻ. Để có được một mùa nhãn bội thu, trước hết người trồng phải có kiến thức về trồng cây, nắm bắt được thời tiết. Nếu mùa Đông năm trước thời tiết càng hanh khô, càng lạnh, vào cuối Đông đầu Xuân có nghĩa là tháng 2 âm lịch lại có từ 2 - 3 đợt rét, mỗi đợt rét chỉ cần mươi ngày thì năm đó dù không chăm sóc gì nhiều, nhãn vẫn ra hoa và kết trái, kể cả những cây nhãn nằm trong bụi tre cũng ra hoa và cho quả, nhưng nếu mùa Đông năm trước ấm nóng như năm vừa rồi, tháng 2 lại có mưa thì nhãn sẽ không bao giờ cho nhiều quả. Thất thu là điều cầm chắc trong tay.

Nhãn là loại cây sinh trưởng nhanh, nếu thời tiết mùa Đông ấm nóng, đầu Xuân lại có mưa là điều kiện để nhãn sinh sôi, đâm chồi nảy lộc chứ không phù hợp cho cây đơm hoa, kết trái. Vì vậy, phải biết hãm và kích thích chúng đúng lúc, đúng thời điểm thì nhãn mới ra hoa kết trái theo ý mình được. “Năm nay thời tiết thất thường, không như mọi năm nên ngay từ những ngày cuối năm, tôi đã áp dụng những kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nhãn. Tôi đã chủ động tiện cành cho nhãn, đây là một biện pháp để ngăn chặn, hạn chế và cắt đứt dinh dưỡng cung cấp cho cây sinh trưởng, nhãn sẽ không hút được dinh dưỡng từ đất, từ đó ức chế để nhãn ra hoa và cho trái”, ông chia sẻ.

Tiện cành là dùng một chiếc cưa nhỏ, cắt một vòng tròn trên cành nhãn, chiều sâu đến phần gỗ của cây, hay nói chính xác là cắt hết phần vỏ cây là được, một cây nhãn tôi sẽ tiện khoảng 2/3 số cành. Thời gian tiện cành vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch. “Nếu thời tiết thuận lợi cho nhãn phát triển mà không phát dục để ra hoa và cho quả, thì tôi lại tiếp tục tiện lần thứ hai, cách làm cũng như lần thứ nhất, thời gian tiện cành được thực hiện vào khoảng cuối tháng 2 âm lịch. Mục đích vẫn là ngăn chặn sự phát triển của cây để cây phát dục ra hoa và quả. Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng thêm một số biện pháp nữa đó là chặn rễ xung quanh và tưới thuốc ngăn chặn cây phát triển”, ông Khoa bật mí.

Biện pháp chặn rễ xung quanh, thực chất là việc đào một rãnh xung quanh của cây nhãn, chặt đứt bộ rễ lan tỏa của cây, biện pháp này cũng nhằm mục đích ngăn cho cây không hút được dinh dưỡng của đất để phát triển. Kỹ thuật chặn rễ cũng không mới mẻ hay có gì khó khăn, tán cây nhãn xòe ra đến đâu thì rãnh chặn rễ được đào ở đó, độ sâu của rãnh ước chừng 15 - 20cm là vừa đủ, đào sao cho cắt được hết phần rễ của nhãn ăn ra.

Phương pháp thứ ba là tưới thuốc ngăn chặn sự phát triển của cây, sau khi đào rãnh chặn rễ sẽ tưới thuốc để ngăn chặn cây phát triển. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc để ngăn chặn sự phát triển của cây. Theo ông Khoa, thuốc ngăn chặn rễ cây phát triển được sản xuất từ Thái Lan là hiệu quả nhất.

Đưa tôi đi thăm vườn nhãn của mình, ông hào hứng giới thiệu về những cây nhãn được trồng ở đây, hầu hết nhãn ở đây đều được ghép nhãn giống Miền Thiết và Hương Chi đang thời kỳ cho quả, những cành nhãn sai trĩu trịt, quả to mọng nước. Điều làm tôi bất ngờ là cùng trong một vườn nhãn, có rất nhiều cây hiện đang thu hoạch nhưng lại có một số cây quả mới chỉ to bằng ngón tay, thậm chí có một số cây bây giờ mới đậu quả.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông vui vẻ giải thích, vì sao cùng trong một vườn mà lại có cây đang thu hoạch, có cây quả lại mới bắt đầu ra, tất cả cũng đều từ nắm bắt được quy luật của thời tiết, hiểu được cây như hiểu chính mình, dùng các biện pháp như trên để “bắt” nhãn phải nghe theo những điều gì mình mong muốn.

Nhìn dáng vẻ của ông, tôi không thể nghĩ một con người 79 tuổi lại ham mê về cây đến thế, yêu cây đến thế. Phút chia tay, ông chỉ mong muốn một điều là Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam sẽ đồng hành cùng ông để cho ra đời một công trình nghiên cứu khoa học về việc bảo tồn và nhân giống cây ăn quả trên vùng đất Hưng Yên quê mình. Còn tôi, mong ông đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình gìn giữ và ươm trồng thêm nhiều giống nhãn quý, lưu lại cho đời sau.

Phạm Ngọc Thủy

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top