Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 13:53

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ nước đá “bẩn”

Hiện, đang là thời điểm nắng nóng nhất của mùa hè, nhu cầu sử dụng nước đá để giải nhiệt trong những ngày nhiệt độ cao là rất lớn, nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng nước đá bẩn là rất cao, do đó, lực lượng chức năng cần phải kiểm tra các cơ sở này.

Nhu cầu sử dụng nước đá để giải nhiệt trong những ngày nhiệt độ cao là rất lớn, các cơ sở
sản xuất đá viên cũng đang tăng công xuất để sản xuất, tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm an toàn và phòng tránh ngộ độc cho người sử dụng đang là thách thức lớn cho các cơ quan quản lý nếu không có sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý thường xuyên.
 
Nhiều cơ sở sản xuất nước đá chưa đảm bảo vệ sinh
 
Không khó để tìm ra những cơ sở sản xuất nước đá chưa đảm bảo vệ sinh trên Google bị các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt.
 
nguoi-van-chuyen.jpg
Nước đá viên không rõ nguồn gốc được vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

 

Gần đây nhất, Chi cục ATVSTP Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức kiểm tra 320 cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, đá viên (giảm khoảng 60 cơ sở so với năm 2021).
 
Với nội dung kiểm tra tập trung vào việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền, như: Điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất cơ bản được tập huấn, thực hành tốt về quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn; được khám sức khỏe định kỳ; cơ sở được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm… Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã tiến hành lấy mẫu nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
 
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, nhiều cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai, đá dùng liền đã có sự đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, hệ thống lọc nước đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh cũng đã được cải thiện… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một vài cơ sở chưa quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân viên chưa được tập huấn đầy đủ các kiến thức về an toàn thực phẩm, còn sử dụng tay trần bốc đá viên…
 
Vào thời điểm này năm trước, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại 43 cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, kem, nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở với tổng mức tiền phạt 4.480.000 đồng do vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm.
 
Thời gian trước đây các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Hà Nội đã phát hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nước đóng chai, nước đá dùng liền và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 cơ sở với tổng số tiền khoảng 30 triệu đồng.
 
Chỉ nêu một số dẫn chứng các đơn vị sản xuất nước đá vi phạm bị các lực lượng chức năng xử lý đã cho thấy nhu cầu sử dụng nước đá trong những ngày hè nóng nực là rất cao và vì thế các cơ sở sản xuất đá viên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tăng theo “nhiệt độ của thời tiết”.
 
Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá bẩn rất cao
 
Tại các bến xe, cổng bệnh viện, nơi công sở… dễ dàng bắt gặp các quán giải khát, trà đá di động sử dụng loại đá "ba không": Không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, không tiêu chuẩn chất lượng để pha chế nước giải khát cho người tiêu dùng. Tại nhiều quán hàng, người kinh doanh còn bảo quản đá lạnh trong những thùng xốp nhỏ cáu bẩn, dùng tay trần bốc đá. Đáng lưu ý là một số quán còn sử dụng đá cây - loại đá chỉ được dùng để ướp thực phẩm để pha chế...
 
da-vien.jpg
Nguy cơ ngộ độc từ những túi đá viên này là rất cao

 

Để giải khát người tiêu dùng không ngần ngại uống nước tại các quán cóc ở đây mà không biết rằng nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao, bởi những viên đá lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không biết nguồn nước và quá trình sản xuất có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?, ngay trong quá trình pha chế nước giải khát cho người dùng, người bán hàng ở những nơi đây cũng không thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra cảnh báo, nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá "bẩn" dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá "bẩn" nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong. Hơn nữa sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (như: Thủy ngân, chì, asen, kẽm...) là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
 
Theo đại diện một công ty sản xuất đá tinh khiết đã đưa ra kinh nghiệm phân biệt đá viên tinh khiết pha lê sản xuất theo dây chuyền đạt chuẩn và đá viên sản xuất thủ công. Theo đó, đá viên sản xuất thủ công, sử dụng nguồn nước giếng không qua quá trình xử lý, lọc hay lắng cặn khi tan hết để lại cặn, vẩn đục. Còn đá viên tinh khiết cho vào cốc nước vẫn trong suốt, có thể nhìn thấu sang bên kia. Đá viên tinh khiết lâu tan chảy gấp 4-5 lần so với đá viên gia công. Khi đá viên tinh khiết tan hết, nước trong như nước khoáng.
 
Phải xử lý nghiêm các sai phạm
 
Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý các địa phương, với nước đá dùng liền, khi kiểm tra cần chú trọng kiểm tra chất lượng nguồn nước sử dụng trong sản xuất; bảo đảm các tiêu chuẩn về hóa sinh, vi sinh... Còn với nước uống đóng chai, ngoài việc kiểm tra chất lượng nguồn nước đưa vào sản xuất, các tiêu chuẩn hóa lý, vi sinh... theo quy định của Bộ Y tế, thì cần kiểm tra về cảm quan, như: Vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, không bị móp, méo, dập, thủng; nước không có màu sắc, mùi khác lạ…
 
chi-cuc-an-toan-ve-sinh-thu.jpg
Chi cục ATVSTP Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất đá viên 
 
Hiện nay, các cơ quan chức năng của  Hà Nội và các địa phương vẫn thường xuyên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nước tinh khiết, nước đá dùng liền, đối với tất cả các cơ sở vi phạm lực lượng chức năng sẽ tái kiểm tra thường xuyên việc khắc phục tồn tại, đồng thời sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm tại nơi sản xuất và mẫu bán trên thị trường để kiểm nghiệm. Cơ sở nào không bảo đảm ATVSTP sẽ đình chỉ hoạt động và công khai danh sách các cơ sở vi phạm. Do đó cơ sở sản xuất nước đá muốn tồn tại phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
 
Theo ông Đặng Thanh Phong, trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền. Ngoài việc tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm, đồng thời kiểm tra lại xem cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu. Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng bình nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng những sản phẩm không đạt chất lượng.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top