Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 10 năm 2017 | 7:49

Nhà vườn thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Mưa lớn trên diện rộng trong những ngày qua khiến vườn cam, vườn đào bị ngập sâu trong nước lũ; khu nuôi thủy sản bị xóa sổ; lợn chết trắng đồng... ở tại nhiều địa phương.

Nghệ An: Cam rụng vàng gốc, nông dân trắng tay

Trong những ngày từ 9 – 13/10, mưa lớn trên diện rộng toàn tỉnh Nghệ An khiến nước bủa vây khắp nơi. Nhiều vùng, bản làng bị chia cắt, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tại địa bàn huyện Qùy Hợp, Nghệ An nhiều vùng bị nước lũ chia cắt, trong đó vựa cam tại xã Minh Hợp cũng ngập sâu trong nước lũ.

“Thời điểm nước cao nhất có vườn cam ngập đến 1 mét, nước đổ về xối xả, chúng tôi cũng chỉ biết đứng nhìn chứ không biết làm cách nào. Chỉ khoảng 1 tháng nữa là có thể thu hoạch cam nhưng bị ngập úng cam hỏng hết…”, một gia đình tại xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp xót xa.

Nhiều hộ gia đình ở xã Minh Hợp trắng tay vì cam ngập lũ.

Sau 1 năm cần mẫn chăm sóc, vụ cam này ở xã Minh Hợp có những gốc cam rất sai quả, ước tính sản lượng hơn 100 kg/gốc. Với giá ban dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng hứa hẹn những mỗi gốc cam sẽ cho thu hoạch khoảng 3 – 4 triệu đồng, nhưng người nông dân chưa kịp vui mừng thì lũ ập về.

Những gốc cam trĩu quả phải ngâm mình trong nước lũ sau đó bị rụng, bà con vào vườn cam của mình không khỏi xót xa. Cam rụng nằm la liệt dưới đất. Nhưng quả bị rụng, nước lũ cuốn xuống các con kênh nằm chất đống. Những quả trên cây cũng chung số phận, chỉ cần rung lắc là đã rụng xuống.

Huyện Quỳ Hợp có 2.200ha cam, trong đó 1.200 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu các giống như Xã Đoài, Vân Du, VI, V2 … Hiện trên các cành cây chỉ còn lại lơ thơ vài quả.

Anh Nguyễn Hữu Quế, xã Minh Hợp, cho biết, gia đình có 3ha cam, chủ yếu giống cam Xã Đoài. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều diện tích cam bị ngập lụt, hơn một nửa số cam trên cây đã rụng, số còn lại vẫn đang rụng tiếp.

Có hơn 1ha trồng giống cam Xã Đoài bị mất trắng sau trận lũ lịch sử, Phan Thanh Thẩm (SN 1961, xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp) cho biết, chỉ cần rung cây là cam rụng hết.

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Qùy Hợp, trong đợt mưa lũ vừa qua có khoảng 288ha cây ăn quả bị ngập nước, trong đó chủ yếu là Cam, quýt, chanh và bưởi … những  cây này sắp đến kỳ thu hoạch nên thiệt hại rất nặng nề.

Tại vựa cam Minh Hợp có những vùng bị ngập nặng. Mỗi hộ gia đình đã bỏ hàng trăm triệu đồng để chăm sóc vườn cam suốt năm qua, chưa kịp thu thành quả lũ về đã cướp đi tất cả. Hiện vẫn chưa thể thống kê con số thiệt hại cụ thể của bà con nông dân sau trận lụt vừa qua.

Hiện nay tại xã Minh Hợp, một số khu vực đất cao không bị ngập nước cam vẫn trĩu quả, trái to và thơm ngọt, chất lượng tốt, giá bán dao động từ 30 – 50.000 đồng/1kg.

Vỡ đê bao, hàng chục hécta thủy sản ở Thạch Bằng bị xóa sổ

Sau nỗ lực khôi phục những diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị thiệt hại do bão số 10 gây ra, người nuôi trồng xã Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại tiếp tục bị mất trắng hàng chục hécta ao tôm và các loại thủy sản khác, do áp thấp nhiệt đới kèm theo triều cường dâng làm vỡ đê bao.

Phòng nông nghiệp huyện Lộc Hà và chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát, thống kê số lượng thủy sản bị cuốn trôi.

Vụ nuôi này, ông Trần Khắc Hải, xã Thạch Bằng (Lộc Hà) có trên 5ha ao với gần 1 triệu con tôm giống và nhiều loại thủy sản khác như: cua, cá các loại. Trận bão số 10, kèm triều cường lớn đã xóa sổ 100% diện tích vừa mới thả nuôi. Sau nhiều công sức và tiền bạc để khôi phục, trận mưa lớn vừa rồi lại tiếp tục san phẳng

“Thiệt hại chồng thiệt hại. Bao nhiêu công sức tiền của để cải tạo, thau rửa ao nuôi, rồi tiền giống, tiền thức ăn… đã bị cuốn trôi hết trong mấy tiếng đồng hồ. Chỉ trong vòng 1 thán gia đình tôi đã mất cả tỷ đồng. Giờ chưa biết phải làm gì trong thời gian tới.” - ông Hải bày tỏ.

Không riêng ông Hải, gần 60ha nuôi trồng thủy sản của 16 hộ thuộc 2 thôn Xuân Hòa và Phú Nghĩa của xã Thạch Bằng cũng chịu tình cảnh tương tự. Mưa lớn, kèm theo triều cường là nguyên nhân chính gây ngập lụt hệ thống ao nuôi.

Tuy nhiên một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là tuyến đê bao bảo vệ đầm tôm và khu vực dân sinh 2 thôn Xuân Hòa/ Phú Nghĩa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không thể trụ vững trước sức tàn phá của sóng biển, nước lũ. Suốt cả chiều dài hàng trăm mét, thân đê vốn nhỏ bé, hầu như bị bong tróc nham nhở. Đặc biệt đoạn cống chính điều tiết nước bị vỡ hoàn toàn, tạo nên dòng chảy cực mạnh tràn vào phá hủy và cuốn trôi hàng chục héc ta ao nuôi thủy sản bên trong.

Theo ông Nguyễn Duy Bính - Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, trước đây không mấy khi có tình trạng đê bao sạt lở nghiêm trọng như đợt lũ này. Điều này thể hiện sự thay đổi theo hướng tiêu cực của chế độ thủy triều ở khu vực cửa biển này. Nếu không có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, ngành chức năng để chủ động ứng phó thời gian tới, chưa biết hậu quả sẽ như thế nào.

Ông Bính cho biết: “Gần như không thể vớt vát được, do hầu hết các diện tích ao hồ vừa mới được cải tạo và thả giống sau thiệt hại do bão số 10, nên con giống còn rất nhỏ; hơn nữa cũng không còn bao nhiêu con giống sau khi lũ quét qua.

Hàng chục ha ao nuôi thủy sản bên trong đê đã bị cuốn trôi

“Trước  thiệt hại to lớn của người dân, ngành nông nghiệp huyện Lộc Hà đã kịp thời kiểm tra, khảo sát, thống kê số lượng thủy sản bị cuốn trôi, nhằm có số liệu chính xác để tham mưu chính sách hỗ trợ. Đồng thời động viên, hướng dẫn bà con khắc phục khó khăn, cải tạo lại ao hồ để tiếp tục sản xuất.” - ông Võ Tá Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết.

Thôn Xuân Hòa, Phú Nghĩa là các địa phương trọng điể nuôi trồng thủy sản của  Thạch Bằng cũng như huyện Lộc Hà. Tuy nhiên, những thiệt hại liên tục do tuyến đê bao bị xói lở, xuống cấp hiện nay, đã và đang cảnh báo về những khó khăn trong sản xuất, nuôi trồng của các địa phương  trong thời gian tới. Để đảm bảo an toàn cho người dân nuôi trồng thủy sản, theo chính quyền và người dân Thạch Bằng, không có cách nào khác là phải đầu tư nâng cấp đê bao, trồng cây chắn sóng, đảm bảo khả năng chắn lũ.

Nước sông Hồng dâng cao, hàng ngàn gốc đào, quất bị nhấn chìm

Nước lũ sông Hồng dâng cao làm ngập nhiều diện tích hoa màu, các vườn đào... thuộc phường Nhật Tân, Tứ Liên quận Tây Hồ (Hà Nội).

Một số vườn đào nằm sát bờ sông Hồng bị nước lũ nhấn chìm toàn bộ

Theo ghi nhận, nước lũ ngập đến nửa thân cây đào Nhật Tân. Một số vườn đào nằm sát bờ sông Hồng bị nước lũ nhấn chìm toàn bộ.

Theo một số chủ vườn đào, nếu mấy ngày tới nước không rút, vẫn duy trì tình trạng như hiện tại thì cây đào có thể bị chết, nguy cơ mất trắng

Hàng ngàn gốc quất ở phường Tứ Liên bị nước nhấn chìm

Việc xả lũ đầu nguồn khiến mực nước sông Hồng dâng cao bất thường. Tại phường Tứ Liên, Tây Hồ, bên cạnh những cây quất người dân trồng bên bờ sông Hồng bị ảnh hưởng thì một số nhà tạm, tài sản của người dân cũng bị nước nhấn chìm. Một người dân ở phường Tứ Liên, Tây Hồ cho hay: "Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ buổi sáng mà nhà tôi mất 200 gốc quất. Đêm nay nước tiếp tục dâng thì không biết ngày mai còn mất thêm bao nhiêu nữa".

Thanh Hóa: Thu gom hàng nghìn con lợn chết tiêu hủy

Khoảng 17h ngày 14/10, nhiều phương tiện, máy móc đã được huy động để tiến hành thu gom, vận chuyển số lợn chết trong trang trại đóng trên địa bàn thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ra khu vực đồi Mành, phân trại giam số 3 thuộc Trại giam số 5 để chôn lấp.

Trước khi chôn lấp, cán bộ thú y cũng tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng, rắc tiếp một lớp vôi lên trên. Đến cuối giờ chiều, hàng trăm con lợn chết đã được thu gom, vận chuyển đi tiêu hủy. Được biết, khu vực chôn lấp nằm cách xa khu dân cư và nguồn nước mặt, nước ngầm khoảng 1,5km.

Thuốc khử độc được tập kết để chuẩn bị tiêu hủy lơn        

Trang trại của Trại giam số 5 thuộc Tổng cục 8, bộ Công an cùng với công ty Thái Dương đang nuôi khoảng 8.000 con lợn, nhưng mưa lũ bất ngờ ngập đến, nước dâng nhanh, chỉ có hơn 100 con lợn được đưa đến nơi an toàn còn tất cả bị nhấn chìm trong biển nước.

Trước đó, vào trưa 14/10, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, đến thời điểm này (trưa 14/10) vẫn chưa thể xử lý được số lợn chết tại trang trại chăn nuôi của công ty Thái Dương. Nguyên nhân là do nước vẫn ngập sâu cả đường vào và phía bên trong trang trại, dẫn đến việc thu gom, vận chuyển, xử lý gặp khó khăn. 

Được biết, ngay sau khi lũ rút, bà con vùng cam Nghệ An dọn dẹp vườn, vực dậy những cây lâu năm ở vùng đất cao, tiếp tục chăm sóc để thu hái bán ra thị trường. Ở Tây Hồ, người trồng đào, quất cảnh cũng đang dọn vườn, chờ đất khô ráo sẽ tiếp tục trồng mới để kịp phục vụ Tết Nguyên đán 2018. Vùng thủy sản Hà Tĩnh, các hộ nuôi trồng thủy sản đang xả nước, tu sửa lại ao nuôi, chuẩn bị vụ mới. Đặc biệt, Thanh Hóa là nơi có đàn lợn lớn nhất trong cả nước bị nhấn chìm trong lũ, hiện đã được tiêu hủy đúng quy trình. Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh cũng đã yêu cầu khu vực chôn lấp số lợn trên phải xa nguồn nước và khu dân cư.

An Như (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top