Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 7 năm 2016 | 1:41

Nhân rộng nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”

Sau 5 năm được gắn nhãn hiệu bảo hộ độc quyền chứng nhận “Hoa Đà Lạt”, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hoa ở Đà Lạt và vùng phụ cận đã và đang tiếp tục nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng chung của ngành trồng trọt Lâm Đồng.

Khi gắn nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”, khá nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh các loại hoa ở Đà Lạt và vùng phụ cận đã tăng vượt trội lợi nhuận.

Khi nhãn hiệu gắn lên thương hiệu

Mới đây, Công ty TNHH MTV Hoa Ngọc Ẩn (Đà Lạt) khai trương một showroom ấn tượng đối với khách địa phương và khách du lịch. Khách đến đây không chỉ thưởng thức và chọn mua cà phê moka, mà còn tha hồ chiêm ngưỡng, đặt hàng các loại hoa địa lan được gắn nhãn hiệu chứng nhận độc quyền “Hoa Đà Lạt”. 

Nhớ lại, vào tháng 4/2012, lần đầu tiên gắn nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” trên thương hiệu “Hoa Ngọc Ẩn” của mình, chủ nhân Đỗ Văn Ẩn nói rằng, cơ hội này mở ra hướng phát triển vừa mang tính đột phá trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Cụ thể, trên diện tích 1ha lúc đó, anh Ẩn đầu tư thâm canh chiều sâu khoảng 10 giống hoa địa lan và lan hồ điệp, hàng tuần, hàng tháng sinh trưởng đạt các tiêu chí đặt ra về chiều dài, màu sắc của thân lá, thân củ. Đến thời điểm phát triển cành và nụ búp hoa thì áp dụng các chế độ chăm sóc đặc biệt, nên khi thu hoạch thường đạt tỷ lệ cao nhất với số cành hoa thương phẩm gắn biểu trưng “Hoa Đà Lạt”.

Đến nay, qua 3 mùa Festival Hoa Đà Lạt, với những khoảng không gian hoa lan Ngọc Ẩn gắn nhãn hiệu chứng nhận độc quyền “Hoa Đà Lạt” tại các khu vực vườn hoa thành phố, phiên chợ hoa hay showroom trên đường 3 tháng 4 (Đà Lạt) đã trở nên gần gũi đối với khách hàng địa phương và khách hàng nhiều nơi ở trong và ngoài nước. 

Tương tự, tại một diễn đàn toàn quốc về phát triển hoa công nghệ cao, tổ chức tại Đà Lạt vừa qua, một lần nữa đã đánh giá cao thương hiệu “Rừng hoa Đà Lạt” sản xuất các loại hoa đạt giá trị kinh tế đột phá khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Á và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chủ nhân “Rừng hoa Đà Lạt”, ông Nguyễn Đình Sơn, chia sẻ : “Tận dụng lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt và vùng phụ cận huyện Lạc Dương, riêng lĩnh vực hoa cắt cành gắn nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”, chúng tôi đầu tư tổng diện tích trang trại công nghệ cao hơn 10ha sản xuất các loại hoa lily, cúc, hồng…, đạt doanh thu trung bình 3 tỷ đồng/ha/năm…”. Đáng kể, với sản phẩm xuất khẩu chủ lực hàng năm sang các thị trường Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Newzealand, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Úc, Malaysia…, thương hiệu “Rừng hoa Đà Lạt” đang đạt công suất 24 triệu cây giống hoa các loại chất lượng cao (khá nhiều loại giống hoa gắn nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”). 

Với nông hộ Vũ Đình Phúc ở phường 7 (Đà Lạt), một trong những điển hình đã không ngừng nghiên cứu, áp dụng tiến bộ  kỹ thuật trong sản xuất 1,5ha các loại hoa gắn nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” như: đồng tiền, cẩm chướng, cát tường…, thu lợi nhuận trung bình khoảng 1tỷ đồng/năm.

Thống kê đến nay, UBND TP. Đà Lạt đã cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” cho gần 110 doanh nghiệp, hộ gia đình gắn lên thương hiệu của mình (có 2 doanh nghiệp và 1 hộ gia đình nêu trên) khi sản xuất, kinh doanh một trong số 11 giống hoa gồm: hoa lan, hoa cúc, hồng, cẩm chướng, cát tường, lay ơn, lily, đồng tiền, hồng môn, ngàn sao và salem. Trong đó, đang sản xuất nhiều diện tích nhất là Công ty TNHH Trang trại Langbiang với 5ha hoa cúc, cẩm chướng, địa lan, lily ở Đà Lạt và Lạc Dương; sản xuất ít diện tích nhất với 100m2 là Cơ sở Hoa lan Dũng Ly ( phường 7, Đà Lạt). 

Nhân rộng nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”

Nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận vào năm 2011. Thực hiện quyền sở hữu của mình, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND TP. Đà Lạt quản lý, phát triển và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” đến mọi tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện chủ yếu như: Tuân thủ quy định từ sản xuất đến kinh doanh hoa trên địa bàn Đà Lạt và vùng phụ cận, đảm bảo sản phẩm có chất lượng; thực hiện đầy đủ nội dung đã cam kết…Và hồ sơ thủ tục để cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” thật đơn giản, nhanh gọn với đơn đề nghị, bản kê khai điều kiện sản xuất kinh doanh, bản cam kết  thực hiện quy chế…nộp tại “một cửa” giải quyết ở Phòng Kinh tế Đà Lạt.

Nếu so sánh tiềm năng và lợi thế của vùng khí hậu “ôn đới trong đất nước nhiệt đới” thì với 110 doanh nghiệp, cá nhân đang sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” vẫn đang thể hiện những số liệu hết sức khiêm tốn. Bởi vậy, theo Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San, để tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng chứng nhận độc quyền nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”, cần triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp chính trong thời gian tới. Đó là, phải có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia tích cực vào việc quảng bá, thông tin, nhân rộng quyền sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”; hỗ trợ các sản phẩm hoa mang thương hiệu Đà Lạt tham gia chương trình xúc tiến thương mại; gắn kết với những tuyến du lịch làng nghề hoa Đà Lạt để giới thiệu đặc tính khác biệt của hoa Đà Lạt; xây dựng các mô hình liên kết ổn định giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoa Đà Lạt; nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo sản phẩm sử dụng nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” đều hội đủ tiêu chuẩn về kích thước, hình thái, chất lượng…khi phân phối trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

UBND TP. Đà Lạt đã cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” cho gần 110 doanh nghiệp, hộ gia đình gắn lên thương hiệu của mình  khi sản xuất, kinh doanh một trong số 11 giống hoa gồm: hoa lan, hoa cúc, hồng, cẩm chướng, cát tường, lay ơn, lily, đồng tiền, hồng môn, ngàn sao và salem.

Văn Việt

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top