Một trong những nhân tố đứng đằng sau những thành tựu của nông nghiệp Hà lan là Trường Đại học và Nghiên cứu Wangeningen.
Trường Đại học & Nghiên cứu Wageningen (WUR) là trường đại học công của Hà Lan, bao gồm Đại học Wageningen và các Viện nghiên cứu nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Hà Lan.
WUR với hơn 6.500 nhân viên và 12.000 sinh viên đến từ trên 100 quốc gia hoạt động khắp thế giới, trên ba lĩnh vực chính: lương thực và thực phẩm; môi trường sống; y tế, lối sống và sinh kế. WUR có 224 giáo sư, tổ chức 19 chương trình đào tạo cử nhân và 27 chương trình đào tạo thạc sỹ, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Năm học 2016-2017, WUR đạt doanh thu 630 triệu euro, trong đó, Đại học Wageningen 331 triệu, Nghiên cứu Wageningen 299 triệu.
WUR là trường đại học tốt nhất ở Hà Lan - “đất nước nhỏ bé đang cung cấp thực phẩm cho thế giới”, xếp số 1 trên toàn thế giới về lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, thứ 4 về khoa học môi trường năm 2016/2017 trên bảng xếp hạng QS World University Rankings.
WUR là trường đại học tốt nhất ở Hà Lan.
Nằm cách thủ đô Amsterdam 80 km, WUR đã tạo ra “Food Valley” (Thung lũng thực phẩm) - một trung tâm tập trung các công ty khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp và những nông trại thí nghiệm. Vai trò của Đại học Wangeningen giống như vai trò của Đại học Stanfort trong việc tạo ra sự hòa hợp giữa kinh doanh và nghiên cứu học thuật, vì các chiến lược gia ý thức được rằng, chỉ có kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và nhu cầu của thị trường mới có thể vượt qua được những thách thức ở phía trước.
Các nhà hoạch định tương lai đang làm việc ở Food Valley tin rằng họ đã tìm ra những giải pháp mang tính đột phá. Họ rất lạc quan với các kết quả cực kỳ tích cực của hàng ngàn dự án mà WUR đã triển khai trên hơn 140 nước, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa WUR và các chính phủ trong việc ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học vào sản xuất nông nghiệp.
Hạn hán và tình trạng đất cằn cỗi ở châu Phi có thể được giải quyết bằng cách thuần hóa các loại cây có khả năng kết hợp với các loại vi khuẩn để sản xuất phân bón cho chính nó. Từ một ha đất, mỗi năm có thể thu hoạch được 1 tấn đậu nành - loại thức ăn cho gia súc và gia cầm phổ biến hiện nay, trong khi đó, với cùng diện tích đất, họ có thể sản xuất 150 tấn đạm từ các loại côn trùng - cũng là nguồn thức ăn cho gia súc và gia cầm.
Việc sử dụng đèn LED cho phép sản xuất nông nghiệp 24/24 trong những nhà kính, đồng thời có thể kiểm soát các điều kiện khí hậu, giúp việc sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế những tác hại của con người đối với môi trường. Công nghệ đạt được những bước tiến vượt bậc nhất ở Hà Lan chính là ngành tạo giống, nhất là trong bối cảnh trên thế giới có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc phát triển những hạt giống biến đổi gen nhằm sản xuất ra những mùa vụ lớn hơn và kháng bệnh tốt hơn. Đối với những người phản đối, biến đổi gen có thể tạo ra những viễn cảnh giống như quái vật Frankenstein - hậu quả của việc thí nghiệm thiếu thận trọng trên những thực thể sống.
Điều tuyệt vời là rất nhiều công ty Hà Lan dẫn đầu thế giới trong việc cung cấp hạt giống với giá trị xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD trong năm 2016, nhưng họ không hề sản xuất sản phẩm biến đổi gen. Những hạt giống biến đổi gen ở châu Âu có thể tiêu tốn đến hàng trăm triệu USD và đòi hỏi từ 12 - 14 năm để nghiên cứu và phát triển. Ngược lại, những thành tựu nghiên cứu lớn nhất trong khoa học về việc nhân giống phân tử và không gây biến đổi gen có thể có kết quả chỉ trong từ 5 - 10 năm và chi phí cho việc phát triển chỉ khoảng 100.000, cao nhất là khoảng 1 triệu USD.
Các nhà khoa học Hà Lan đã chọn cách làm thứ hai. Các phương pháp nghiên cứu nhân giống ở các công ty này là sự tiếp nối những phương pháp mà nông dân của vùng Trung Đông và Ai Cập cổ đại sử dụng từ 10.000 năm trước đây. Có thể nói, tương lai của ngành nông nghiệp bền vững được hình thành rất sắc nét ở mỗi góc nhỏ của Hà Lan, không phải trong các phòng họp của công ty, tập đoàn lớn, mà là trong hàng ngàn các trang trại nhỏ.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến thăm WUR. Hiệu trưởng trường nêu lên những cơ hội và phương hướng hợp tác với Việt Nam, nhấn mạnh, cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn cho người dân, mang tính bền vững cho nhân dân cả Hà Lan và Việt Nam./.
Hương Giang
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…