Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 11 năm 2020 | 13:18

Nhiệt huyết và chữ Tâm của một cô giáo trẻ người Chăm

Cô giáo Thái Thị Hồng Trang (SN 1987), người dân tộc Chăm, giáo viên Âm nhạc Trường THCS Sơn Hà luôn nhiệt huyết với công việc và tâm niệm mỗi bài giảng phải thể hiện chữ Tâm của người thầy.

tr34a.jpg
Cô giáo Thái Thị Hồng Trang hạnh phúc cùng các học trò của mình.


Hơn 10 năm gắn bó với công tác giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên), cô giáo Thái Thị Hồng Trang (SN 1987), người dân tộc Chăm, giáo viên Âm nhạc Trường THCS Sơn Hà luôn nhiệt huyết với công việc và tâm niệm mỗi bài giảng phải thể hiện chữ Tâm của người thầy.

Vượt đường xa truyền kiến thức

Thái Thị Hồng Trang tốt nghiệp đại học chuyên ngành Âm nhạc năm 2008. Đến năm 2010, Hồng Trang được tuyển dụng vào công tác tại Trường tiểu học và THCS Sơn Định (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa). Cô Trang nhớ lại: “Thời tiết ở đây rất lạnh, con đường đất đỏ trơn trượt, khó đi và mọi thứ đều lạ lẫm, như báo hiệu trước quãng thời gian khó khăn mà tôi sẽ phải trải qua khi giảng dạy ở đây. Tuy nhiên, sau khi được gặp gỡ, trò chuyện với đồng nghiệp, lắng nghe lời tâm sự chân thành, động viên của đồng nghiệp và đặc biệt là sự yêu mến của học sinh nơi đây đã giúp tôi vững tin “bám” nghề.

Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu với nghề giáo cũng như với từng lứa học sinh mình đã dạy, hàng tuần, cô giáo trẻ vượt quãng đường xa hơn 30km từ nhà đến trường. Chưa kể, đường từ thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) đến xã Sơn Định khi đó đang được sửa chữa, nâng cấp nên rất khó đi. Nhiều đoạn đất đá ngổn ngang, Trang phải xuống xe dắt bộ rất vất vả rồi mới đi tiếp được. Thế nhưng, tất cả những khó khăn đó không làm chùn bước cô giáo trẻ. Hàng ngày, cô vẫn lên lớp, “truyền lửa” cho học sinh, giúp các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của âm thanh, giọng điệu, của lời ca tiếng nhạc đối với cuộc sống.

Hơn 3 năm theo đuổi sự nghiệp “trồng người” ở nơi cách nhà hơn 30km, đến cuối năm 2013, cô Trang nhận quyết định về công tác tại Trường THCS Krông Pa (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) với quãng đường đi về cũng xa không kém. Đây là xã miền núi đặc biệt khó khăn với tỉ lệ hộ nghèo từng chiếm tới 57,2% trong giai đoạn 2011 - 2015 và 2/3 dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê.

“Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn nên chưa chú trọng đến việc học của con em mình. Thế nhưng đọc trong ánh mắt các em nét rạng ngời và sự lạc quan, hy vọng, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để dốc lòng, dốc sức truyền dạy cho các em tri thức. Tôi mong muốn góp chút sức nhỏ giúp các em có tương lai xán lạn, thoát cái nghèo đeo đẳng ở miền quê quá đỗi khó khăn này”, Trang bộc bạch.

Giáo viên dạy giỏi, được tuyên dương

Tháng 8/2016, khi lập gia đình và có con nhỏ, cô giáo Trang xin chuyển công tác về Trường THCS Sơn Hà (Sơn Hà, Sơn Hòa), cách nhà hơn 10km để có điều kiện thuận lợi chăm lo cho gia đình. Theo cô Trang, dù công tác ở đâu, với vai trò nào, cô cũng luôn tâm niệm: “Mỗi bài dạy của giáo viên phải thể hiện một chữ Tâm và một niềm mong mỏi lớn đối với tất cả học sinh thân yêu”. Do vậy, cô luôn tích cực rèn luyện để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; tìm tòi, học hỏi những cách dạy hay, sáng tạo, làm cho bài học âm nhạc thêm sinh động và gần gũi đối với học sinh.

 

t35.jpg

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua, năm học 2017-2018, cô giáo Thái Thị Hồng Trang đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; năm 2019, cô đạt giải Thí sinh thể hiện tài năng hay nhất trong Hội thi “Nữ duyên dáng, tài năng ngành giáo dục Sơn Hòa” lần thứ II.

Mới đây, cô giáo Thái Thị Hồng Trang vinh dự là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Đây là chương trình tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Chúc mừng các thầy cô giáo đã được vinh danh tại lễ tuyên dương, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam khẳng định: “Các thầy, cô giáo không chỉ dạy học trò kiến thức, mà như những người cha, người mẹ thứ hai, ngày ngày lo cho các em có cái ăn, cái mặc; vận động quyên góp trang thiết bị cho trường, lớp, học sinh; vận động xây cầu, làm đường... Các thầy, cô đã vượt lên những khó khăn thường nhật, lặng thầm cống hiến hết tuổi thanh xuân, mang đến mầm xanh hy vọng cho những mảnh đất khô cằn nhất”.

Còn cô Trang thì chia sẻ: “Hơn 10 năm trôi qua, sự nghiệp trồng người đã đem lại cho tôi biết bao kỷ niệm. Vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những cảm xúc ấm áp của những tháng sống, làm việc dưới những mái trường thân yêu. Tất cả đều in dấu vào lòng tôi những bài học của cuộc sống, sâu sắc và đáng quý”.

 

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top